(Tổ Quốc) - Tới đây, sau khi Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua, hai mặt hàng là dung dịch hydro-choloro-flouro-carbon (HCFC) và túi ni lông sẽ phải điều chỉnh thuế.
Ông Nguyễn Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đối với dung dịch HCFC và túi ni lông thì việc điều chỉnh khung mức thuế ở mức cao hơn so với mức hiện hành là nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, góp phần giảm dần việc sử dụng các sản phẩm này.
Ông Thi cho biết thêm, theo thông lệ quốc tế và Nghị định thư Montreal, các quốc gia cần hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozon; trong đó, có dung dịch HCFC. Việt Nam sẽ phải loại trừ hoàn toàn việc sử dụng dung dịch HCFC vào năm 2030.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường rất cao hoặc cấm sản xuất, bán và sử dụng túi ni lông.
Riêng với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, trước đây, Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp. Nhưng, trong quá trình triển khai và thực hiện Luật đã phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến việc nhận diện hình dạng túi ni lông...
Do đó, để nâng cao tính pháp lý và đảm bảo rõ ràng về quy định túi ni lông là đối tượng chịu thuế, cũng như đảm bảo đúng tên kỹ thuật của túi ni lông, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định.
Bộ cũng giải thích đó là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó), trừ túi, bao bì đã đóng gói sẵn hàng hóa trong đó và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường .
Tại cuộc họp báo giới thiệu dự án Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, Luật này được xây dựng nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tài chính về bảo vệ môi trường và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước trong giai đoạn tới.
Đồng thời, sửa đổi và bổ sung những hạn chế của Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và pháp luật khác có liên quan; phù hợp Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.
Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ động viên hợp lý sự đóng góp của xã hội, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, từ đó gián tiếp tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam.
Bà Mai cũng nhấn mạnh, sau khi Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và đi vào thực hiện sẽ đảm bảo chính sách công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thuận lợi hơn cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, cũng như góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính.
Qua đó, bảo đảm lợi ích quốc gia trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế./.
(TTXVN)