• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cờ Tư lệnh, môn cờ chiến thuật mang thương hiệu Việt

Thể thao 19/02/2018 08:32

(Tổ Quốc) -Là một người con của Hà Nội đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 và Quảng Trị năm 1972,  nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 pháo binh 130mm, Đại tá Nguyễn Quý Hải đã suy tư rất nhiều về vấn đề tư duy chiến thuật, sự tinh nhuệ cũng như làm sao để phát huy trí tuệ của người Việt một cách tốt nhất. 

Từ những suy nghĩ đó người lính này đã theo đuổi niềm đam mê sáng tạo ra một trò chơi nho nhỏ giúp cho thế hệ trẻ vừa giải trí, vừa phát triển trí tuệ, vừa trau dồi kiến thức phổ thông về quân sự. Để từ đó quen dần với cách tổ chức chỉ huy chiến đấu và mau chóng trở thành những chiến sỹ giỏi, tư lệnh giỏi, góp phần thiết thực cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cờ của người Việt

Khi nhắc đến những bộ môn cờ nói chung trên thế giới, chắc hẳn bất kì ai cũng biết đến cờ vua, cờ tướng, cờ vây, cờ shogi… Đây được coi là những môn cờ trí tuệ đại diện cho nét đặc sắc riêng của từng quốc gia trên thế giới. Qua thời gian hình thành và phát triển thì mỗi bộ môn cờ đều có những nét thú vị riêng của nó.

Đại tá Nguyễn Quý Hải say sưa nghiên cứu những nước cờ mới bên bàn cờ Tư lệnh.

Đất nước Việt Nam của chúng ta cũng vậy, trải qua hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước cũng đã sản sinh ra nhiều môn cờ trí tuệ. Trong đó phải kể đến cờ súy. Lối chơi truyền thống của cờ súy là chơi cờ úp bằng tấm bìa gấp. Các quân ăn nhau theo phán đoán và may rủi. Tuy nhiên đất nước ta lúc bấy giờ luôn bị giặc ngoại xâm nhòm ngó quanh năm suốt tháng. Bọn chúng không chỉ đô hộ nước ta, mà còn thẳng tay xóa sạch nền văn hóa của dân tộc trong đó có cả các bộ môn cờ mà ông cha ta sáng tạo nên. Với ý đồ không cho dân tộc ta tư duy phát triển trí tuệ để làm cho người Việt khù khờ dễ bề cai trị. Nhưng với ý chí quật cường, cha ông ta đã không chịu khuất phục những thủ đoạn mà quân xâm lược nhắm tới. Để nhằm đánh lạc hướng chúng, ông cha ta đã bí mật tiếp thu các môn cờ từ nền văn hóa của chính những người đi xâm lược. Để từ đây hiểu được cách bày binh bố trận của giặc nhằm “gậy ông đập lưng ông”…

Cũng vì vậy bộ môn cờ đã phát triển nhiều và có quy mô trên toàn thế giới. Nước Việt Nam của chúng ta cũng tự hào khi có được cho mình một bộ môn cờ rất riêng với tên gọi cờ Tư lệnh đã được cả thế giới biết đến. Đây là môn cờ được chính tác giả, Đại tá Nguyễn Quý Hải đúc kết trong những năm tháng chiến tranh của dân tộc.

“Cờ Tư lệnh là một trò chơi giúp những thế hệ mai sau có thể hiểu được lịch sử huy hoàng chống giặc ngoại xâm của cha ông. Cùng đó là giúp các “mầm non” của đất nước có thể tư duy phát triển trí tuệ tốt nhất để mai sau cống hiến cho nước nhà.

Bàn cờ có 11 đường dọc và 12 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 132 điểm hợp thành. Có một khoảng trống ước lệ, đó là sông (màu xanh nhạt). Sông nằm ngang, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau gọi là chiến tuyến. Trên sông (chiến tuyến) có hai đoạn nước nông, dưới có nền đá, được gọi là ngầm. Mọi phương tiện đều có thể vượt qua ngầm. Có hai dãy ô vuông chạy dọc suốt hai chiến tuyến, được quy ước đó là trên biển để có lực lượng hải quân tham chiến. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu chơi có đủ 38 quân, số quân đó được chia đều cho hai bên: 19 quân đỏ, 19 quân xanh; bao gồm 11 loại quân, có biểu tượng tượng trưng cho các quân binh chủng hiện đại như bộ binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến... đặc biệt có cả dân quân tóc dài. Quân cờ của bên xanh hoặc bên đỏ, chỉ khác nhau về màu sắc, còn ký hiệu, cách đi và cách ăn quân đối phương hoàn toàn giống nhau. Trong số 19 quân, có hai quân sở chỉ huy, chỉ đứng tại chỗ làm vật cản, không được đi và ăn quân đối phương…” - Đại tá Nguyễn Quý Hải giải thích cách chơi cờ Tư lệnh. 

Bước ra thế giới

Cho đến nay, bộ môn cờ Tư lệnh đã được đông đảo người Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến. Ở nước ta hàng năm đều có Hội thi cờ Tư lệnh được tổ chức định kỳ. Có rất nhiều kì thủ cũng như những người đam mê cờ trên thế giới ở nhiều độ tuổi đã đến Việt Nam để tham dự. Luật chơi cờ Tư lệnh đã được dịch ra bốn thứ tiếng trên thế giới. Sản phẩm cờ Tư lệnh đã có bán tại nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Croatia, Slovenia... Không những thế, bạn bè quốc tế còn sẵn sàng phát triển bộ môn cờ Tư lệnh trên mạng internet để tất cả mọi người trên thế giới đều có thể chơi ở bất kì đâu.

Đại tá Nguyễn Quý Hải (thứ 2 từ trái sang) đang hướng dẫn kiến trúc sư người Anh, Bobby Carlton Ramdin cách chơi cờ tư lệnh.

“Tôi là một người đam mê cờ và đến từ nước Anh, tôi rất quan tâm đến trò chơi cờ Tư lệnh. Tôi đã học được các quy tắc và đã có một vài cố gắng, tôi nghĩ rằng trò chơi là một ý tưởng tuyệt vời cho một phong cách cờ mới rất đương đại và tôi thích cách giới thiệu các chiến thuật hiện đại. Tôi muốn sẽ cải thiện khả năng của mình trong đó và tôi cũng muốn xem trò chơi lan rộng đến nhiều người chơi và các quốc gia. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta có thể trả một khoản tiền lớn đến 80 bảng Anh để có một bộ cờ Tư lệnh gửi đến nước Anh được. Cũng như chúng tôi hiếm khi ở gần nhau để chơi trực tiếp. Để giải quyết vấn đề này tôi muốn làm một phiên bản máy tính của trò chơi bằng cách sử dụng một chương trình miễn phí để sử dụng làm ra trò chơi hội đồng trực tuyến. Tôi muốn biết liệu tôi có được phép tạo phiên bản dành cho máy tính này cho bạn bè và bạn bè của tôi hay không? Cuối cùng, tôi không thông thạo về bản quyền và không muốn gặp phải bất kỳ rắc rối nào hoặc gây bất cứ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trò chơi. Cũng như tôi không muốn kiếm tiền, tôi chỉ muốn thấy nhiều người hơn và các quốc gia chơi trò chơi vô cùng bổ ích này.” – trích một phần thư mà Mark Platts gửi từ nước Anh đến Đại tá Nguyễn Quý Hải.

Cả đời cống hiến

Không chỉ là một người sáng tạo ra môn cờ của riêng Việt Nam mà Đại tá Nguyễn Quý Hải còn là một nhà văn, nhà thơ, đạo diễn phim... Ông đã cùng xưởng phim quân đội làm 6 cuốn phim nhựa 35mm “Bước chân pháo binh”. Cùng đó biên tập và đạo diễn nhiều phim phóng sự tài liệu và chương trình âm nhạc nổi bật như phim “Hà Nội 12 ngày đêm lịch sử”. Phim “Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia”. Phim “Đài Khí tượng Trường Sa”. Phim “Tâm tình phi đội”… Những tác phẩm kịch như: Tre xanh, Lũ quét, Gió mới, Người mở đường, Cái chổi, Công chúa và người trồng rừng, Đêm có màu tình yêu… Trong đó kịch bản “Bến đợi” được giải của Bộ Quốc phòng. Kịch bản “Đợi anh về” được bằng khen liên hoan truyền hình toàn quốc 2009 và kịch bản “Hồ Hồ Chí Minh” được giải xuất sắc của trung ương Đảng. Đặc biệt phim truyện “Chăn Na” được Tổng cục chọn làm quà tặng cho chính phủ Campuchia.

Cờ Tư Lệnh được rất nhiều lứa tuổi đam mê cờ yêu thích.

“Tôi luôn tâm niệm rằng nếu bản thân còn sống ngày nào sẽ còn cống hiến hết mình đến ngày đó. Những tác phẩm tôi viết lên và biên kịch đều là những cảm xúc chân thực của chính bản thân đã từng trải qua. Cũng như bộ môn cờ Tư lệnh mà tôi đã ấp ủ bấy lâu nay giờ đã được mọi người biết đến. Mặc dù lúc đầu khi bộ môn cờ Tư lệnh được công bố và phát hành đã gặp rất nhiều khó khăn. Như gia đình không ủng hộ vì lo cho tôi tuổi đã cao thì làm sao có thể cáng đáng được nhiều việc một lúc được. Sau đó là kinh phí để sản xuất những bộ cờ Tư lệnh là bản thân tôi tự nguyện và vận động được từ một số nhà hảo tâm. Tiếp đó là cả một quá trình hướng dẫn mọi người chơi trò chơi này. Vì đây là bộ môn cờ của riêng Việt Nam mà không đâu có được, nên cách thức chơi cũng khác với các môn cờ trên thế giới. Nhưng đó mới chỉ là khó khăn ban đầu của người mới tập chơi như bất kì môn cờ khác. Bởi cái khó nhất của cờ Tư lệnh đó chính là kiểu đánh vô cùng đa dạng độc đáo. Khi mà người chơi có thể đánh từ trên không sau đó xuống biển rồi lại đánh bộ binh trên bờ tại bàn cờ Tư lệnh. Tuy nhiên tất cả những cách đánh đều phải có sự tư duy trí tuệ một cách hài hòa, ổn định. Vì chỉ cần sơ hở một trong ba chiến tuyến nói trên thì sẽ thua cuộc ngay. Đây cũng chính là điểm nhấn của cờ Tư lệnh để người chơi luôn cẩn trọng trong từng bước đi của mình. Tới đây, tôi và các cộng sự của mình đang gấp rút hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để tổ chức thi đấu giải cờ Tư lệnh khu vực mở rộng vào cuối năm 2017 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.” - Đại tá Nguyễn Quý Hải chia sẻ.

Nhìn những đường nét mộc mạc trên từng hoa văn của mỗi quân cờ Tư lệnh cùng đó là những động tác hướng dẫn tỉ mỉ cách chơi cờ từ tác giả Nguyễn Quý Hải có thể thấy rằng người lính ấy đã dồn tất cả tâm huyết của mình để nuôi dưỡng cờ Tư lệnh một cách thầm lặng. Quả thực cờ Tư lệnh là một trong những tài nguyên phát triển trí tuệ hiếm có của quốc gia cũng như Đại tá Nguyễn Quý Hải chính là một tấm gương bình dị mà vô cùng cao quý…

Với ý nghĩa của môn cờ Tư lệnh, năm 2016, Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp Tổng cục Thể dục Thể thao mở lớp đào tạo huấn luyện viên cờ Tư lệnh cho các sĩ quan chuyên ngành thể thao các quân binh chủng trong toàn quân tại Trung tâm quân sự Miếu Môn (Bộ Quốc phòng), Liên đoàn Cờ Việt Nam đã mở lớp tập huấn tại Đà Lạt năm 2016. Cùng đó nhiều các trường cấp 1, cấp 2, học viện, nhà trường, các đơn vị trong quân đội được Đại tá Nguyễn Quý Hải trực tiếp giảng dạy, phổ biến cách chơi cờ Tư lệnh.

 

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ