(Tổ Quốc) - Tôi đã hát mãi bài ca Biết ơn chị Võ Thị Sáu. Nhưng đến đây - đến với Côn Đảo những ngày tháng 7 đầy nắng và gió, dịu mát trong nắng và gió tôi hiểu mình phải thay lời gọi chị bằng Cô. Để con chở dì tới thắp hương ở nhà tưởng niệm Cô Sáu. Để tới 11 giờ đêm con chở dì ra nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ Cô Sáu và thắp hương cho các chiến sĩ. Những người dân ở Côn Đảo đã gọi nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu bằng cách gọi dân gian cho những linh hồn thiêng liêng như vậy.
Côn Đảo
Đây là nhà tưởng niệm Cô Sáu, cũng có thể hiểu đây là nơi thờ cúng Cô Sáu. Trước mặt ngôi nhà là một vườn hoa trang nhã và thoáng đãng. Cánh cửa vào nhà rộng mở. Ở Côn Đảo không cần phải khóa cửa nơi tưởng niệm cao quý. Ở Côn Đảo có thể để xe máy tùy tiện mà không lo có người xấu lấy trộm. Nơi chính giữa cuối phòng là bàn thờ Cô Sáu. Hình Cô Sáu bằng đá trắng, ảnh cô Sáu treo trên cao. Bàn thờ cao, có hương hoa mà không mờ mịt. Tất cả sạch sẽ, sáng sủa như tấm lòng của bao người thành kính, ngưỡng mộ. Hai bên tường là những tủ kính sắp xếp gọn gàng. Đây là tủ bày gương lược, son phấn, cặp tóc. Đây là tủ treo khăn. Đây là tủ treo áo dài, áo ngắn. Đây là tủ để giày, dép, tủ để ví xách, tủ để cốc chén, bát đĩa… Mọi người mang tới từ nhiều nơi để cúng, để Cô Sáu khôn thiêng biết tới tấm lòng thành.
Đêm xuống với Côn Đảo. 11giờ 30 phút mới đi. Cứ bồn chồn, cứ mong mỏi không thể chờ tới tận nửa đêm. Phải đi thôi. Đi sớm chút còn qua mua đồ cúng. Nhớ còn bạn thơ ở Sài Gòn gọi nhau lúc ngồi chờ bay tiếp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chị mua dùm em gương lược cho Chị Sáu. Nhớ rồi. Túi này là của em. Túi này là của chị. Đây là tiền âm phủ - các loại tiền dương gian - cúng gửi các chiến sĩ. Cứ cầm cả gói, cả nắm mà chẳng biết là bao nhiêu. Bao người ngã xuống trên hòn đảo này. Bao nấm mộ trong nghĩa trang Hàng Dương có thể đếm được nhưng còn bao người mất đi không nấm mộ - chính nơi nghĩa trang này. Ở nơi nghĩa trang Hàng Keo chỉ có đài tưởng niệm, không nấm mộ. Và khắp đảo nơi cầu Ma Thiên Lãnh, Cầu tàu 914, nơi bãi sọ người… nơi các sở muối, sở lò vôi… bãi đập đá Côn Lôn, các trại giam thời Pháp thời Mỹ… nơi đường đi, lối cỏ dày, vách đá cao và biển ầm ầm tung sóng vỗ. Không kể được, không chỉ được những nơi nào có bao người yêu nước đã ngã xuống. Bao nhiêu năm Côn Đảo, không thể tính nổi con số, không thể truy nổi danh tính. Đêm nghĩa trang, một dãy đèn mờ, một dãy đèn không lên nổi ánh sáng bởi ở Hàng Dương đèn dùng năng lượng mặt trời. Ngày không nhiều nắng, yếu nắng. Đèn ở nơi ít nắng. Đêm nghĩa trang mờ ảo. Đêm nghĩa trang linh thiêng. Nơi Cô Sáu yên nghỉ ngôi mộ được xây cao rộng. Hình cô đắp nổi trong đêm màu trắng như tỏa sáng. Đã có người đến trước đang thắp hương, đang đốt vàng mã, đang đi thắp cho những ngôi mộ quanh nơi Cô Sáu. Ôi người đã mất cụ thể mà xa xăm. Xin được đứng giữa trời, giữa lối đi để vái bốn phương tám hướng khấn nguyện vong linh bất khuất kiên cường. Bước tập tễnh giữa các ngôi mộ. Bước dưới ánh dọi của chiếc máy điện thoại. Xin một lạy giữa không gian vọng khói hương thấu các vong linh. Tít khoảng phía kia nghĩa trang Hàng Dương chìm trong bóng tối.
Chỉ có 2 ngày ở Côn Đảo. 2 ngày với xe ôm đi từ nhà lao thời Pháp sang nhà lao thời Mỹ. Cứ vội vàng. Cứ vừa đi vừa chạy. Cứ vừa ghi chép vừa chụp ảnh. Có bao chi tiết, bao sự việc ghê sợ, cảm động mà các tài liệu không ghi hết được. Mua 1 cuốn sách dày mà nói như cô cán bộ bảo tàng nhiều tư liệu về Côn Đảo. Mua một cuốn băng để về xem hình ảnh, nghe lời tố cáo về nhà tù Côn Đảo. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi sao đủ. Sao có thể rung cảm được.
Nghĩa trang Hàng Dương- Côn Đảo |
Mở cửa phòng giam tập thể, biết đấy là hình tượng các anh thôi mà vẫn lạnh người. Nơi đây thời Pháp giam khoảng 80 đến 100 người. Bệ để nằm quây quanh tường. Còng để một dãy dài. Đến thời Mỹ, phòng giam lên đến 200 người. Người nằm dưới sàn thì treo ngược chân lên để đút vào còng. Một thùng gỗ để cho người bị còng chuyển nhau đi vệ sinh. Đây là một phòng chết điển hình. Nơi trại giam cũng có nhà nguyện được xây dựng năm 1965. Nhưng có ai được vào cầu nguyện ở đây. Có người chết nào được đưa vào đây mà cầu nguyện. Hầm xay lúa một khoảng nặng nề, tối om. Mở cửa một gian chuồng cọp. Bỗng giật thót người, lạnh người như ngừng thở. Một phạm nhân đang bị còng một chân ruỗi. Lui ra mà run rẩy. Ôi cái sự tàn khốc đã qua lâu mà hôm nay vẫn làm lòng người kinh hãi. Một bãi sọ người bên cạnh chuồng bò, cạnh hầm phân bò. Một người mẹ quát cậu con trai đã gần 20 tuổi - Con đứng xa ra kẻo ngã. Bản thân người phụ nữ đi qua không dám nhìn. Chắc chị nghĩ ở đó vẫn đầy nước và phân bò thối. Chắc chị hình dung ở đó vẫn có người bị dìm để tra tấn. Chỉ còn một dãy chuồng bò xám mốc rêu. Chỉ còn một cái hầm khô rác bẩn. Chỉ có một bia tưởng niệm với tên khắc bãi sọ người. Có bao người vứt ra đây sau khi bị dìm xuống hầm để tra khảo. Có bao sọ người đang ở dưới đất sâu cần lượm, cần an táng. Các anh, các chị là những ai. Chẳng còn mảy may thân phận. Bãi đập đá Côn Lôn, chụp một bức hình bên tấm bia khắc bài thơ người xưa để lại. Đến Cầu tàu 914, tên gọi mà cũng là con số người đã chết ở đây. Đây cũng là nơi chứng kiến giây phút xúc động khi trao trả tù binh Côn Đảo. Đến cầu Ma Thiên Lãnh. Nơi đây chỉ có 2 mố cầu xây dở. Bác xe ôm chở tôi đi chỉ lên đỉnh núi cao, dày đặc cây xanh. Chị có nhìn thấy 2 cây dừa tít trên cao kia không? May sáng nay không nắng chói. Có. Có thấy. Chỉnh ống kính, kéo hình tít trên cao lại gần tôi chụp được mờ mờ 2 cây dừa. Trên ấy là chút dấu vết các anh để lại. Trên ấy các anh lấy đá và vác xuống nơi đây để làm cầu. Làm sao hình dung được dù chỉ một phần sự khủng khiếp mà các anh phải chịu khổ sai để chỉ mới được 2 mố cầu dang dở mà phải dừng bởi 356 người chết, mà phải gọi tên là Ma Thiên Lãnh...
Biển đẹp lắm. Nước trong và cát mịn. Sóng nơi bãi tắm dập dồn mà không dữ dội. Bãi tắm phẳng trải dài, trải rộng ra xa. Côn Đảo hôm nay yên bình bên những di tích của cả trăm năm khổ sai, đày ải. Tôi có thêm người thân mới là những người đã đưa tôi đi mọi nơi trên đảo. Họ đưa tôi tới nơi tôi nên đến và muốn đến. Ngắm bình minh nơi Hòn Bảy Cạnh. Ngắm hoàng hôn nơi Bãi Nhất. Và nếu thích lên tàu đi câu cá, câu mực, đi xem vic đẻ, đi ra Hòn Yến… Tôi nói với cháu chở giúp xe - Cho cô gặp người đã từng ở nhà tù Côn Đảo được không. May quá. Cháu có biết 1 người gác nhà tù, 1 người là giám thị. Cháu có biết bác Bảy trước bị tù Côn Đảo, nay là giám đốc bảo tàng đã về hưu. Gần nhà cháu có bà Ni bán hàng trước là bị giam cầm.
Họ đã già rồi. Người hơn 70. Người gần 90. Cũng có thể tuổi già và thời gian qua lâu, thời gian với những sự thật mà không muốn nhắc lại. Người lính gác với người vợ và 7 đứa con đến Côn Đảo. Chồng đi gác, vợ gánh nước, làm bánh, mua cá mắm rẻ… nuôi con. Ông kể với tôi, khi giải phóng ông không phải đi tập trung cải tạo. Ông chỉ tới nghe các bài giảng. Gia đình ông ở lại đảo như chính quyền căn dặn, lao động làm ruộng sinh sống. Ông đang ở ngôi nhà khang trang với người vợ đã sinh cho ông 9 đứa con. Ông khoe được cấp đất và bây giờ chia cho các con. Ông khoe con được học hết cấp 3 mà không phải đóng học phí. Ông khoe con làm việc nhà nước, con trưởng thành. Nhờ ở Côn Đảo khí hậu tốt, ông nói ông khỏe mạnh. Người giám thị xưa thì đã già rồi. Ông nói ông tập trung cải tạo ngay nơi nhà tù Côn Đảo. Hỏi ông làm gì? Đi lao động để tự nuôi. Nghe giảng bài về chính sách, chế độ. Khi tôi tới ông đang ngồi ghế tựa xem bóng đá trên truyền hình. Chị cần hỏi gì thì hỏi. Tôi không nhớ lắm đâu. Hỏi gì khi nhìn thấy họ đang sống yên ổn tuổi già, họ đang mãn nguyện cùng con cháu trên hòn đảo này. Xã hội đã cho họ một cuộc sống bình yên, no đủ mà khi làm lính Côn Đảo họ và gia đình không có.
Một góc trại Phú Sơn- Côn Đảo |
Ngồi được với bác Bảy một buổi sáng. Quán cà phê nhỏ trên khoảng vườn cạnh bảo tàng Côn Đảo, là nơi dinh chúa đảo cũ. Nhiều chuyện kể lại. Người thanh niên yêu nước mới cưới vợ được mấy tháng thì bị bắt. Hơn 5 năm trời, từ khám Chí Hòa qua Côn Đảo. Anh đã không làm những việc như chào cờ, hát theo bọn giặc. Anh đã không bước qua cờ Tổ quốc, không hô đả đảo lãnh tụ, cách mạng… Anh bị giam nơi chuồng cọp, Anh đã theo các anh lớn tuổi, theo những người Đảng viên trong các cuộc tuyệt thực kéo dài. Để có thể đấu tranh bằng tuyệt thực những người tù đã phải dành dụm từng hụm nước, phơi từng hạt cơm khô, đi khám bệnh để dành từng viên thuốc, viên C. Một người đầu hàng là tổn thương anh em. Bác Bảy nói rõ vào tù bác đâu là cộng sản như tụi nó nói. Chính tình cảm đùm bọc, san sẻ, chăm sóc của anh em trong tù đã cảm hóa, đã gắn bó lẫn nhau. Đầu hàng là nhục nhã khi nghĩ tới gia đình, quê hương, lối xóm. Hình ảnh thằng Mỹ ngồi coi bọn an ninh thẩm vấn, đánh đập người tù tăng sâu lòng yêu nước, ý thức dân tộc trong người trẻ tuổi này. Một hành động sai chịu hậu quả lớn. Một bước lùi tụi nó leo lên. 5 năm trong chuồng cọp với bao tra tấn nhục hình kể làm sao cạn kẽ trong một buổi sáng gặp gỡ này.
Năm 1975, anh Bảy là tổ trưởng quản lý những lính, những giám thị… trước và cùng học 13 bài chính trị với họ. Vì sao bác ở lại Côn Đảo? Chuyến tàu đầu tiên đã rời xa. Rồi thêm những chuyến nữa. Và lời kêu gọi ở lại để xây dựng đảo. Ngày đầu tiên ở lại buồn lắm chứ. Mấy năm tù đày gia đình không tin tức, muốn trở về. Rồi ngày về thăm nhà năm 1976, đứa con sinh khi vắng cha không nhìn. Bố vào nhà thì con đi ra. Dắt tay con qua đường thì con dằng ra suýt bị xe chẹt… Bây giờ cả gia đình đã ổn định tại Côn Đảo.
Câu chuyện với bác Bảy chẳng được kéo dài. Rời Côn Đảo lòng hẹn ngày trở lại. Chờ máy bay Hà Nội - Côn Đảo, chờ các cháu lớn hơn để đưa các cháu vào đây. Xin giữ mãi nơi đây những kỷ vật thiêng liêng và tàn khốc để lũ trẻ mãi được cảm nhận và mãi được ghi nhớ.
Bùi Kim Anh
(Ảnh: Internet)