• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Con đường khí đốt mới Nga – Trung: Bồi thêm sức nặng cho năng lượng Nga

Kinh tế 26/11/2019 12:57

(Tổ Quốc) - Nga đang xoay trục giao thương năng lượng sang phía đông. Nhà xuất khẩu khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới đang xây một đường ống năng lượng khổng lồ từ Siberia đến biên giới Trung Quốc để đáp ứng sự thiếu thốn năng lượng bức thiết của nước này.

Dự án mới, được gọi là Power of Siberia, là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào thị trường khí đốt châu Âu và hướng tới các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á. Đối với Trung Quốc, nơi sản xuất năng lượng nội địa không thể bắt kịp nhu cầu, đường ống này là một trụ cột cung cấp năng lượng mới.

Chiến lược năng lượng Nga

Do tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom xây dựng, dự án này dài khoảng 3000km, từ các mỏ mới Chayanda và Kovykta, nằm ở vùng lạnh nhất của Siberia, tới Blagoveshchensk, gần biên giới Trung Quốc. Một đường ống khác tại Trung Quốc kết nối với hệ thống này của Nga sẽ dài thêm 3370 km để tới Thượng Hải.

Gazprom sẽ điều phối sự tham gia của Nga trong dự án này. Theo đó, năm 2014 họ đã kí một thỏa thuận 400 triệu USD cung cấp 38 tỷ cubic m3 khí đốt cho tập đoàn dầu khí quốc giaTrung Quốc CNPC trong 30 năm– đánh dấu thỏa thuận lớn nhất của Nga.

Gazprom đã bơm khí đốt vào đường ống này từ tháng 10 và việc chính thức khởi động dự án dự kiến diễn ra vào ngày 2/12, khi ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể cùng xuất hiện trong một video chung tại buổi lễ đánh dấu sự kiện này, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Gazprom có kế hoạch khởi đầu bằng việc chuyển 10 triệu cubic m3 mỗi ngày và đạt năng suất tối đa vào năm 2025. Nga cũng có thể mở rộng hệ thống sang phía tây, cho phép khí đốt Siberia tới nhiều khu vực khác nhau.

Con đường khí đốt mới Nga – Trung: Bồi thêm sức nặng cho năng lượng Nga - Ảnh 1.

Nga đang mở rộng các dự án khí đốt để đa dạng hóa khách hàng, tránh phụ thuộc vào người mua châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Power of Siberia sẽ là một đòn bẩy đối phó lại sự suy giảm quan hệ của Nga với châu Âu. Cho đến nay, phần lớn khí đốt Nga đã sang phương Tây, chủ yếu đi qua hệ thống đường ống Ukraine. 1 số khác được vận chuyển bằng tàu dưới dạng khí thiên nhiên hóa lỏng từ nơi sản xuất trên bán đảo Yamal, gần bắc Siberia và từ đảo Sakhalin gần Nhật Bản. Nga và Ukraine đã gay gắt với nhau nhiều năm về phí quá cảnh và đã hai lần Nga dừng vận chuyển khí đốt giữa mùa đông. Bên cạnh đó, quan hệ chính trị giữa Nga và châu Âu cũng sụt giảm nghiêm trọng sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014 và Mỹ cùng phương Tây đáp trả lại bằng các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, Nga cũng có một trữ lượng lớn khí đốt chưa khai thác tại vùng viễn đông – gần với Trung Quốc hơn là châu Âu.

Power of Siberia đang tăng cường sức mạnh của Nga trong các cuộc đàm phán về hợp đồng khí đốt với các nước châu Âu. Nếu Nga có thể chuyển sản lượng sang phía đông, phía tây có thể cần phải trả nhiều tiền hơn để đảm bảo nguồn cung từ Moscow. Bên cạnh đó, Gazprom cũng đang mở một đường ống mới bên dưới Biển Baltic, được gọi là Nord Stream 2, tăng gấp đôi công suất của họ theo tuyến đường phía bắc hiện có. Dự án này sẽ cung cấp cho Nga một quân bài để bỏ qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine nếu căng thẳng gia tăng.

Trung Quốc "khát" năng lượng

Trung Quốc là nhà tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Khí đốt Nga sẽ đáp ứng nhu cầu cho các lĩnh vực nội địa của Trung Quốc và có thể rẻ hơn khí thiên nhiên hóa lỏng LNG được vận chuyển bằng tàu. Hai nước cũng đang đối thoại về một kênh vận chuyển năng lượng nữa, được gọi là Power of Siberia 2, theo đó sẽ phục vụ nhu cầu cho các khu vực công nghiệp ở bờ đông Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đang vận hành đường ống Trung Á – Trung Quốc, đưa khí đốt từ Turkmenistan đi qua Uzbekistan và Kazakhstan để tới nước này. Ông Putin hi vọng sự tăng trưởng khổng lồ về nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ cần thêm đường ống và công suất sản xuất LNG – điều có lợi cho cả Gazprom và Novatek- tập đoàn đang phát triển nhà máy LNG trên bán đảo Yamal ở biển Kara.

Tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã leo dốc trong thập kỉ qua, tăng đến 33% trong vòng 2 năm qua, theo Cơ quan năng lượng quốc tế IEA. Nhập khẩu năng lượng chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, đạt 43% trong năm 2018; khoảng 2/5 trong số đó đến từ Đường ống khí đốt Trung Á-Trung Quốc, phần còn lại là nhập khẩu LNG, chủ yếu từ Australia, Qatar, Malaysia và Indonesia. Nhu cầu cũng tăng lên khi chính phủ yêu cầu người dân và hàng triệu nhà máy phải chuyển từ than sang khí đốt sạch hơn để giúp giải quyết khói bụi và giảm lượng khí thải C02.

Ông Putin đã nói rằng khí đốt đi qua Power of Siberia sẽ tuân theo giá dầu, tương tự như hệ thống được người mua châu Âu sử dụng. Giá cơ sở trong công thức được đặt ở mức khoảng 360 USD/ 1000m3, gần bằng mức trong hợp đồng Gazprom với Đức, theo các quan chức Nga. PetroChina cho biết giá khí đốt được cung cấp thông qua Power of Siberia cũng sẽ có tính cạnh tranh với con đường đi qua Trung Á.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ