• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Con đường làng

15/12/2012 15:56

(Cinet)- Tuổi thơ tôi gắn với con đường làng. Hồi ấy hai bên đường vắng vẻ lắm, có đoạn đường tre lả ngọn, giao nhau như mái vòm; có đoạn cỏ mọc um tùm hai bên. Con đường nhỏ chạy dài, uốn khúc, quanh co…

(Cinet)- Tuổi thơ tôi gắn với con đường làng. Hồi ấy hai bên đường vắng vẻ lắm, có đoạn đường tre lả ngọn, giao nhau như mái vòm; có đoạn cỏ mọc um tùm hai bên. Con đường nhỏ chạy dài, uốn khúc, quanh co…

Thông thường đường làng mở đầu (hay kết thúc) từ chiếc cổng làng, nơi giáp với một vũ trụ bao la là cánh đồng dẫn về những nẻo nào, có người sống cả đời trong làng, “ít khi đặt chân đến đó”, dù ở đấy có xa lộ cao tốc, có đường nhựa phẳng lì, có đá răm trải thảm.

Đón con đường, có chiếc cổng xây bề thế, quét vôi vàng, vôi trắng mỗi khi xuân rập rình trở lại. Cũng có chỗ chỉ là chiếc cổng gỗ, nhưng có mái tranh, y như một ngôi nhà nhỏ, then cửa là chiếc tay thước đã mòn qua bao mùa cấy hái. Đơn sơ hơn, là chiếc cổng nhỏ, phía trên là một cây tre nằm ngang, cánh cổng là mấy thanh tre đan ngang ghép dọc. Đôi khi, còn đơn giản hơn nữa, cái cổng chỉ là mấy cành rào giương lên, chống bằng một thanh tre chết róc, hạ xuống thì vẫn có thể nhìn thấu trong nhà, người đứng ngoài đường gọi, người trong thưa, như không có cách ngăn...

Đường làng tôi ban đầu là con đường đất, cứng cáp khi nắng về và nhão nhoẹt, dính chặt chân khi mùa mưa tới. Một thời, tôi và các bạn đã bấm chân để đi học, hai tay xách dép ôm cặp. Thế mà chỗ nào càng bùn, càng lầy thì lại càng thích lội. Áo ni lon thì buộc quanh cổ. Mưa những ngày ấy dù là mùa đông hay mùa hè đều rất mát, mát trong như nụ cười của tuổi thần tiên, vô lo, vô nghĩ.

Đường làng đi giữa xanh tre. Lá tre buông mình lờ lững ngày này sang tháng khác, giạt vào hai vệ đường, có cây nấm dại, sợi rau má, lá củ gấu đường làng im lặng không than thở, cứ thế trườn đi theo cái xóm trong thôn, rẽ vào nhà ai đó, ngoặt phía này, rẽ sang kia, có chỗ thước thợ, có chỗ chữ chi, có nửa đường vòng...

Ta thả bàn chân trần trên đường làng, nghe mát lạnh gan chân, hơi đất quê mịn màng hay hồn làng xóm thẩm thấu tận đáy hồn ta. Tuy đường không do người kiến trúc sư tạo tác, nhưng nó được sinh thành bởi muôn vạn bàn chân, những bàn chân nẻ miếng, những gót chân nhọc nhằn, năm này sang năm khác, mùa nọ tiếp mùa kia, có vườn cải hoa vàng chứng kiến cuối đông, có hương hoa bưởi mông lung mùa xuân ngòn ngọt, có tiếng gà xáo xác những trưa im, có cành xanh loà xoà xuống trêu người…

Ấn tượng nhất trong tôi, là những ngày hè, đường làng được khoác chiếc áo mới bằng rơm, phổng phao thơm nức. Mùi thơm của nếp mới, của gạo tinh khôi và của gió nồm trong làn khói. Tôi đi trên rơm, chạm nhẹ vào sự mềm mại của rơm, cọ nhẹ vào bàn chân thinh thích mặc cho rơm dính trên mặt, áo, quần. Bọn trẻ chúng tôi còn lấy rơm kết như bím tóc, rồi buộc thành hoàng tử, công chúa…

Tối đến, sáng trăng, đường thay áo. Sau một ngày mệt lử, tôi nằm ngoan trên chõng, dưới ánh trăng… chiếc  quạt mo của bà phẩy phẩy đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm.

Rồi dần dần, chúng tôi lớn lên. Con đường làng cũng được rải bê tông. Theo quy hoạch, con đường làng giờ thẳng tắp, ô tô con trên huyện, trên tỉnh về vào tận xóm, đỗ bên ngõ, ngay cái cổng gỗ. Đường làng trở nên tấp nập. Nhưng đám trẻ con ngày nào đã đi xa… con đường làng vẫn bao dung chờ đợi những dấu chân xưa.

Mỗi lần về quê, bước trên con đường làng, loáng thoáng trong tôi là những đứa bạn ngày xưa, sau đống rơm, bụi tre, ao nước. Lòng tự hỏi: Có bao nhiêu cuộc đời đã in dấu chân lên con đường này?

T.H

(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

NỔI BẬT TRANG CHỦ