(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, những kiến nghị, đề xuất nào thuộc thẩm quyền của địa phương thì đề nghị từng địa phương giải quyết ngay, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp…
Để xác định “con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”, tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã gợi ý một số vấn đề trọng tâm để các chuyên gia, đại biểu…cùng tập trung phân tích, đánh giá, thảo luận.
Thứ nhất, làm thế nào để phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, của cả Vùng miền Trung và thúc đẩy liên kết nội vùng và với các Vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương khác trong cả nước.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá rõ bối cảnh, thực trạng, các cơ hội và thách thức trong từng ngành, lĩnh vực, đề xuất những giải pháp cụ thể, cả về thể chế, cơ chế chính sách và triển khai thực hiện.
“Chúng ta phải nêu rõ được: tiềm năng, lợi thế so sánh của miền Trung, của từng địa phương trong vùng tạo ra ngành nào, sản phẩm chủ lực nào? Du lịch hay ô-tô, hóa dầu, cảng biển, logistics, nông nghiệp công nghệ cao? Làm thế nào để các ngành, sản phẩm này phát triển bền vững? Cần cơ chế, chính sách gì? Ví dụ: tiềm năng, thế mạnh du lịch của miền Trung là điều không thể phủ nhận nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, chưa bền vững. Miền Trung, từng địa phương cần phải làm gì, có cơ chế chính sách gì, đồng bộ như thế nào để phát triển du lịch hiệu quả, bền vững? Công tác quy hoạch có gì bất cập, cần sửa đổi, có trùng lắp, mâu thuẫn gì trong các quy hoạch, giữa quy hoạch vùng với quy hoạch địa phương?”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vào sáng 25/9. Ảnh: Đức Hoàng |
Thứ hai, về môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu rõ: Về thủ tục hành chính, còn vướng mắc gì, cơ quan nào, khâu nào? Về đào tạo nhân lực và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cần làm gì? Đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, kiến nghị, đề xuất cụ thể gì để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?
Thứ ba, miền Trung, vùng duyên hải miền Trung đã có các hành lang kinh tế và các trục kinh tế, bao gồm cả hàng lang Đông Tây và trục Bắc Nam nhưng chưa tận dụng được các lợi thế này; chưa xây dựng không gian kinh tế thống nhất của vùng, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, lựa chọn cơ hội đầu tư.
Phó Thủ tướng đề nghị đại biểu thảo luận, đề xuất cụ thể về các cơ chế, chính sách cần phải có, các giải pháp về đất đai, xây dựng, thủ tục hải quan, thuế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực, phát triển du lịch, dịch vụ… để thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các địa phương miền Trung với nhau, với các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và với các địa phương của Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar.
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017. Ảnh: Đức Hoàng |
Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực có ý nghĩa quyết định. Trong đó, một vấn đề đặc biệt quan trọng là phải thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài, có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực, các khu vực kinh tế, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực sự trở thành một động lực phát triển kinh tế miền Trung, vùng duyên hải miền Trung bền vững.
Thứ năm, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu, đặc biệt là các địa phương cho ý kiến cần hình thức Ban chỉ đạo điều phối vùng thế nào cho hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức? Cần Hội đồng Vùng hay Ban chỉ đạo Vùng? Mô hình hoạt động như thế nào cho hiệu quả, thực chất? Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền để hoàn thiện, đổi mới tổ chức và hoạt động điều phối vùng cho phù hợp, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển...
“Ngay sau Diễn đàn này, tôi yêu cầu Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung phối hợp với Ban Tổ chức Diễn đàn tổng hợp đầy đủ tất cả các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của quý vị đại biểu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia; trong đó những kiến nghị, đề xuất nào thuộc thẩm quyền của địa phương thì đề nghị từng địa phương giải quyết ngay, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; Đồng thời kịp thời báo cáo Bộ ngành, Thủ tướng đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền; yêu cầu các Bộ ngành sau khi nhận được báo cáo của địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định…”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.