• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Con giáp “Tuất” trong hội họa Việt Nam

Văn hoá 25/02/2018 15:52

(Tổ Quốc) -Mặc dù con giáp “Tuất” được cho là ít xuất hiện trong hội họa, nhưng không hẹn mà gặp, rất nhiều bức tranh hội ngộ trong triển lãm “Tranh Tết Mậu Tuất 2018” lại được các họa sĩ cùng vẽ về con giáp Tuất.

 Con giáp Tuất ít xuất hiện trong hội họa

Theo họa sĩ – nhà nghiên cứu hội họa Phan Cẩm Thượng, trong số 12 con giáp thì con giáp “Tuất”  ít được xuất hiện so với các con giáp khác hơn cả. Các con giáp được xuất hiện nhiều nhất trong hội họa gồm: Gà, lợn, ngựa, mèo, dê, hổ, chuột… Họa sĩ cũng cho rằng dường như trong tranh dân gian Việt Nam chưa bao giờ đủ bộ tranh giáp.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và họa sĩ Phạm An Hải (từ trái qua) chia sẻ câu chuyện về con giáp trong hội họa Việt Nam.

Con giáp Tuất – chó, là con vật khá gần gũi với người, nhưng vì sao lại ít xuất hiện trong hội họa? Lý giải điều này, một số họa sĩ cho rằng vì so với các con vật khác thì chó khó vẽ hơn, không phải phong cách nào của họa sĩ cũng hợp với vẽ chó, cùng với đó là do “sở thích” của họa sĩ. Tuy nhiên, dù ít xuất hiện nhưng hình tượng con chó lại được “thiêng hóa”, được tạc tượng để canh lăng mộ, được thờ là thần giữ của - “cẩu nhi”. Đây là điểm khác biệt mà không phải con giáp nào cũng được như con giáp Tuất.

Bức chó đá của họa sĩ Thành Chương. Ảnh chụp lại

Hội họa về con chó được xuất hiện có lẽ từ thời chạm khắc Đông Sơn, trên các họa tiết trống đồng Đông Sơn. Thời đó là chủ yếu là chó sói đã được thuần hóa, chứ không phải giống chó như bây giờ - họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết.

Tiết lộ về việc vẽ con giáp của các họa sĩ

Nói thêm về con giáp Tuất trong hội họa Việt Nam, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng trong vòng 60-70 năm qua, các họa sĩ vẽ “con giáp nhiều nhất” là: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Thành Chương… mỗi người vẽ một con giáp theo quan niệm riêng của mình.

Trong đó vẽ nhiều nhất, để lại dấu ấn là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ vẽ con giáp theo từng năm mà ông còn vẽ con giáp theo cả hoa giáp, chẳng hạn như con giáp Tuất thì có: Giáp Tuất, Nhâm Tuất, Đinh Tuất… với đường nét khác nhau, có sự học tập tranh dân gian, chạm khắc đình chùa, và màu sắc thì thay đổi theo âm dương ngũ hành… Còn họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ con giáp có xu hướng tả thực hơn, với nét vẽ đơn giản, có thể sử dụng bút dạ, bút chì… ông thường vẽ theo cách của riêng mình và thường vẽ lên tấm thiếp để tặng bạn bè.

Bức Ngày nắng đẹp của họa sĩ Hồ Hưng. Ảnh chụp lại

Với họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng thì gần như năm nào cũng vẽ con giáp. Một số người cho rằng, thường chính họa sĩ cầm tinh con gì thì sẽ thích và vẽ nhiều về con giáp đó. Nhưng theo tiết lộ của họa sĩ Phan Cẩm Thượng thì điều này chưa hẳn đúng, bởi riêng hai họa sĩ này thì họ thích vẽ con giáp nào thì sẽ vẽ, bất kể bản thân cầm tinh con gì. Chẳng hạn họa sĩ Lê Trí Dũng không phải cầm tinh con ngựa nhưng ông vẫn thích vẽ ngựa, mê vẽ ngựa từ bé, cho đến nay, gia tài của Lê Trí Dũng phải có đến hàng nghìn bức tranh về ngựa.

Đồng quan điểm này, họa sĩ Phạm An Hải cũng cho biết mình cầm tinh con gà nhưng vẫn thích vẽ về con chó của năm nay. Tuy nhiên họa sĩ Phạm An Hải cho rằng, thường nếu họa sĩ cầm tinh con gì cũng hiểu và hay vẽ về con đó rất nhiều. Họa sĩ này cũng “bật mí”, giới cầm cọ hay khai bút đầu năm bằng việc "vẽ tự họa" hoặc "vẽ con giáp", nhưng họ ít khi công khai điều này.

Bức Phúc đáo môn của họa sĩ Quách Việt Hà. Ảnh chụp lại

Tại triển lãm “Tranh Tết Mậu Tuất 2018”, các họa sĩ đều chia sẻ một điều trùng hợp thú vị là khi Đông A (đơn vị tổ chức triển lãm) ngỏ ý muốn có phòng tranh dịp đầu xuân nên đã gọi điện “đặt hàng” các họa sĩ. Tuy nhiên việc đặt hàng này chỉ nói chung chung là vẽ về mùa xuân. Vậy nhưng không hẹn mà gặp, khi các họa sĩ hoàn thành tác phẩm mang đến phòng tranh triển lãm thì phần lớn là tranh con giáp – con giáp của năm 2018.

Trong buổi  khai mạc triển lãm, các họa sĩ khẳng định, hình ảnh con giáp Tuất chỉ là cái cớ để hình thành bức tranh, bức tranh vẫn hướng đến chủ đề chung là mùa xuân. Nói cách khác, các họa sĩ muốn khi nhìn vào bức tranh thì cái mà người ta cảm nhận không phải là họa sĩ vẽ con chó đó như thế nào, mà bức tranh đó như thế nào.

Sáng 25/2 tại Gallry Đông A – Nhà sách Cá chép Hà Nội đã diễn ra triển lãm “Tranh Tết Mậu Tuất 2018” với 31 tác phẩm của 18 họa sĩ đương đại. Tại buổi khai mạc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Phan Cẩm Thượng và một số họa sĩ đã chia sẻ về câu chuyện sự hiện diện cả con giáp trong mỹ thuật Việt Nam và trong sự nghiệp hội họa cá nhân.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ