• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Còn mãi với thời gian

Thời sự 21/12/2010 08:17

(Toquoc)-Chiến tranh đã qua đi đủ lâu để những vật dụng hằng ngày của mỗi người lính trở thành kỷ vật.

(Toquoc)- Chiến tranh đã qua đi đủ lâu để những vật dụng hằng ngày của mỗi người lính trở thành kỷ vật. 3 năm, hơn 11 ngàn kỷ vật thời chiến được sưu tầm. Con số khổng lồ minh chứng cho hàng ngàn, hàng vạn số phận con người của một thời chiến tranh bi tráng.

Điều bình dị hoá thiêng liêng

Những vật dụng bình dị của người lính như một tờ thiệp mời đám cưới, một mẩu giấy nhắn tin hẹn gặp, cái bi đông, chiếc mũ… trải thời gian, giá trị sử dụng đã không còn nhưng lại trở thành những kỷ vật thiêng liêng. Bởi với những cựu binh, những vật vô tri ấy đã cùng họ trải qua những giờ phút khốc liệt của sự sống và cái chết, chứa đựng cả một thời thanh xuân phơi phới tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Những kỷ vật kháng chiến

Có những kỷ vật mà người xem không khỏi xúc động như chiếc nồi đồng (nồi mười- cỡ lớn) từng trộn máu, gạo và đất của mẹ Trần Thị Xân ở Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam. Mẹ có 5 con là liệt sỹ, bản thân cũng hy sinh khi đang nấu cơm phục vụ thương binh.

Chiếc mũ sắt của một liệt sỹ hy sinh trong số 200 chiến sỹ mũ sắt của Thủ đô Hà Nội thuộc Trung đoàn 209 Sư đoàn 312 hy sinh trong đêm 26/3/1968  tại Chư Tan Kra. Hay chiếc chân giả của chiến sỹ Nguyễn Bằng Phi ở Bình Dương, tự làm bằng ống pháo sáng của Mỹ lắp vào chân mình đã bị mảnh pháo cắt đứt để trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Chiếc xe đạp của Liệt sỹ Lang Sỹ Thuỷ, chiến sỹ trinh sát của Sư đoàn 320. Khi bị thương vào tay phải, đơn vị cho anh ra Bắc để điều trị sau đó được phân công về công tác tại tỉnh đội Thanh Hoá gần nhà. Nhưng anh không theo quyết định mà mượn xe đạp của chị gái, đạp xe từ Thanh Hoá vào Quảng Trị đúng thời điểm ác liệt nhất, cùng đơn vị chiến đấu rồi hy sinh. Chiếc xe đạp của chị anh được gửi cho một người dân bên Thành cổ và hiện giờ trở thành kỷ vật vô giá về tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên trung của thế hệ những người chiến sỹ Giải phóng quân- anh bộ đội cụ Hồ.

Đôi vợ chồng Đại tá- PGS Vũ Quang Bích (nguyên Viện phó Viện Quân y 103) và Thiếu tá, Bác sỹ Đỗ Thị Chu Ngân đều đã ở tuổi ngoài 80, lưng đã còng, tóc đã bạc, ngực nặng trĩu Huy chương vui vẻ kể về cái thời cách đây 60 năm: “Năm đó tôi mới 21 tuổi, cũng may gặp ông ấy một cái là... ưng ngay. Bởi thế, lẽ ra nhận được thư phải... đốt ngay, nhưng tôi không đốt mà giữ lại làm kỷ niệm đến giờ”.

Bức thư tình mà anh lính trẻ Vũ Quang Bích bấy giờ gửi cho người yêu được trưng bày tại triển lãm “Những kỷ vật kháng chiến” như sau: “Thân gửi chị Ngân! Đứng trên tình bạn, thành thật, tôi muốn gặp chị chiều nay vào 6 giờ 30 (27/9/1951), tại Phòng Thương binh 11 cũ. Chuyện tôi muốn nói chỉ riêng với chị thôi. Mong chị nhận lời. Xem xong chị xé thư này đi kẻo phiền”!

Ngắn gọn có vậy, nhưng hai vợ chồng ông Bích đã gìn giữ cẩn thận kỷ vật đánh dấu “cơ duyên” nên vợ nên chồng suốt 60 năm qua trước khi tặng lại cho bảo tàng.

Có kỷ vật lại chỉ là nỗi nhớ của người ở hậu phương đối với người đã mất nơi tiền tuyến.

Câu chuyện của chị Hoàng Liên Thái- em gái Liệt sỹ- Anh hùng LLVT Hoàng Kim Giao không khỏi khiến người nghe ngậm ngùi: “Năm 1968 anh tôi gửi thư về kể về sự tàn khốc của chiến tranh. Gia đình sơ tán. Chỉ có bố mẹ tôi ở nhà. Ông bà mong Tết này anh về, nhưng chỉ nhận được giấy báo tử. Một đám tang không có di hài, không có vòng hoa tang, không có cả vành khăn trắng trên mái tóc còn xanh của vợ anh”.

Liệt sỹ Hoàng Kim Giao là người đã nghiên cứu ra cách vô hiệu hoá bom từ trường. Nhưng anh đã hy sinh vì trúng quả bom chứa 300kg thuốc nổ. Sức công phá của quả bom đó khiến đá cũng hoá thành tro bụi. Ngày nay, cạnh hố bom nơi anh hy sinh đã dựng lên ngôi mộ “gió” để thân nhân, bạn bè, đồng đội tưởng nhớ đến anh.

Vợ chồng Đại tá- PGS Vũ Quang Bích và Thiếu tá, Bác sỹ Đỗ Thị Chu Ngân đã tặng những bức thư của mình cho triển lãm

Không điều gì bị quên lãng

Những kỷ vật thời chiến được sưu tầm và sẽ được trưng bày vĩnh viễn thành một chuyên đề riêng tại bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sau khi bảo tàng này được xây dựng mở rộng. Những kỷ vật không chỉ là báu vật vô giá với những người lính, với thân nhân của họ mà còn có ý nghĩa với cả dân tộc. Bởi mai đây, khi những người trong cuộc không còn nữa, hơn bất cứ trang sử nào, những kỷ vật bình dị ấy sẽ nhắc nhở về một thời đại hào hùng của dân tộc, nhắc thế hệ mai sau sống sao cho xứng đáng với cha ông.

Góp kỷ vật của vợ chồng mình vào hàng ngàn, hàng vạn kỷ vật thời chiến, vợ chồng Đại tá Bích- Ngân chia sẻ: “Nói thật là cũng tiếc chứ, chúng tôi băn khoăn mãi. Nhưng xét cho cùng, đến khi hai vợ chồng nằm xuống, kỷ vật này liệu còn có ích cho ai? Tôi dặn các con cháu: bố mẹ tặng thư cho bảo tàng để lưu giữ mãi mãi cho mọi người cùng xem. Sau này, các cháu chắt trong nhà muốn biết thì cứ tới bảo tàng, theo đúng mã số mà tìm xem lại. Hơn nữa, khi đưa vào bảo tàng thì việc giữ gìn sẽ được tốt hơn, thế hệ trẻ cũng sẽ dễ dàng được biết, được hiểu về thời của chúng tôi hơn”.

Cũng mang tâm sự ấy, chị Hoàng Liên Thái chia sẻ: “Ngày 14/5/2009, tôi tặng một số kỷ vật của anh Hoàng Kim Giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong đó có giấy báo tử của anh... Đó là nỗi đau trọn đời của gia đình chúng tôi và bao gia đình liệt sỹ khác. Tôi phải cám ơn bảo tàng đã tiếp nhận và lưu giữ những kỷ vật một thời máu lửa và đau thương của dân tộc”.

Trong số hàng vạn kỷ vật về cuộc kháng chiến của dân tộc, có những kỷ vật được tiếp nhận từ những người từng ở phía bên kia chiến tuyến. Chúng ta từng nhớ, cuốn nhật ký của nữ Bác sỹ, Liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã trở về Việt Nam sau nhiều năm lưu lạc trên đất Mỹ. Lần này, thật kỳ diệu, lịch sử như đang lặp lại.

Ngày 10/1/2010, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã trao cho Bộ Quốc Phòng Việt Nam 50 hiện vật thời chiến trong đó có một cuốn sổ nhật ký được ghi lại bằng ký hoạ với chữ ký L.Đ.Tuấn. Các tài liệu ghi lại rằng, Thiếu tá Robert B Simpson- Sỹ quan tham mưu của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8, Sư đoàn 4 Mỹ đã thu được cuốn sổ này và viết trên một tờ báo Mỹ rằng: “Anh (L.Đ.Tuấn) đã chết tại đồi Yên Ngựa, cách một làng người Thượng có tên là Polei Kreng Chông 10 dặm”. Cho đến một ngày, báo chí đưa tin “Thêm một “Đừng đốt” bằng tranh” với thông điệp mong nhận được thông tin từ thân nhân gia đình Liệt sỹ L.Đ.Tuấn. Thật bất ngờ, chỉ vài ngày sau, thông tin phản hồi là “Liệt sỹ” L.Đ.Tuấn vẫn còn sống. Chính người lính ngày nào cũng đã không dám nghĩ mình có thể tìm lại được cuốn sổ.

Thời gian đã đẩy ký ức về cuộc chiến lùi xa, nhưng với những kỷ vật luôn nhắc nhở rằng, không một điều gì liên quan đến cuộc chiến có thể bị lãng quên. Và những kỷ vật ấy sẽ còn mãi với thời gian, với những thế hệ người Việt.

Sau hơn 3 năm thực hiện cuộc Vận động “Sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến” do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, hơn 11.000 hiện vật đã được các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và cả những cựu quân nhân bên kia chiến tuyến quyên góp. BTC đã thực hiện 4 cuộc triển lãm, 3 cuộc giao lưu, 11 cuộc gặp mặt các nhân chứng lịch sử, tiếp nhận kỷ vật tại ba miền Bắc Trung Nam nhân những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc. Trong dịp tổng kết cuộc vận động, kỷ niệm 66 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, BTC đã trưng bày hơn 1000 kỷ vật được sưu tập từ cuộc vận động. Những kỷ vật được giới thiệu tại triển lãm lần này chủ yếu là những hiện vật trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975; trong đó có rất nhiều hiện vật quý, như bộ nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn, hay chiếc xe đạp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...

 Hà An

Ảnh: Anh Tuấn

NỔI BẬT TRANG CHỦ