(Tổ Quốc) - Bên cạnh những mặt tốt của những cuộc thi người đẹp đóng góp cho xã hội thì còn nhiều người lợi dụng chuyện này để làm thương mại, làm tiền.
Ngày 20/10, tại Đà Nẵng, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát huy mặt tích cực của hoạt động thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì hội thảo.
Thi người đẹp, người mẫu là hoạt động văn hóa nhằm tuyển chọn thí sinh có vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, lối sống cũng như việc rèn luyện thể chất, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh. Trong đó, hoạt động thi người đẹp (cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi) mang ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ trên tất cả các phương diện đức – trí – thể - mỹ, qua đó góp phần định hướng đạo đức, thẩm mỹ cho giới trẻ và xã hội, hoạt động này đã góp phần tôn vinh người phụ nữ Việt Nam và lựa chọn đại diện tham dự các cuộc thi người đẹp thế giới.
Trong những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế, hoạt động thi người đẹp, người mẫu còn đóng vai trò trong việc giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, quảng bá sâu rộng tiềm năng văn hóa, tiềm năng du lịch, truyền thống lịch sử, đất nước, cũng như cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng |
Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận các vấn đề như: thực trạng hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu ở trong nước và quốc tế hiện nay; Về việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phát huy, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu góp phần quảng bá nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay...
Theo Thanh tra Bộ VHTTDL, bên cạnh những cuộc thi thành công cả về mặt tổ chức và lựa chọn gương mặt xứng đáng đại diện cho sắc đẹp của cuộc thi thì cũng có không ít những tổ chức, cá nhân đã vi phạm quy định về việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp khi chưa cho phép hoặc tổ chức cho các người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp ở ngoài nước khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, hoặc có những cuộc thi được cấp phép nhưng lại không đúng thẩm quyền buộc cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành quyết định thu hồi giấy phép đối với cuộc thi.
Qua theo dõi thì thấy việc các đơn vị tổ chức và các thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp tại nước ngoài chủ yếu xảy ra trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Hàng loạt cuộc thi mà các tổ chức, cá nhân tham gia không phép đã bị Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao TP.Hồ Chí Minh xử lý như: Cuộc thi “Tìm kiếm người mẫu châu Á”, “Hoa hậu Việt Nam toàn cầu”, “Hoa hậu cộng đồng người Việt” ở Mỹ, “Siêu mẫu châu Á”, “Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015” tại Philipines, “Asia’s Next Top Model” tại Singapore…Và gần đây nhất là cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Sinh thái quốc tế 2017 – Miss Eco International”.
“Theo chúng tôi, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu và sớm ban hành quy định cụ thể, phù hợp hơn về tiêu chí, điều kiện cụ thể đối với người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài một cách thuận lợi nhằm tôn vinh vẻ đẹp của con người Việt Nam cũng như việc quảng bá đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết.
Thứ trưởng Vương Duy Biên chủ trì hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng |
Trong lúc đó, đại diện Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần tập trung đầu tư, xây dựng Đề ra, dự án mang tính chiến lược, chất lượng cao, điểm nhấn giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 về chủ đề người đẹp vùng, miền, khu vực, toàn quốc để lựa chọn người xứng đáng tham dự các cuộc thi với quy mô quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Elite Entertainment cho rằng, thí sinh đi thi quốc tế vẫn phải nộp hồ sơ đến cơ quan quản lý để xem xét nhân thân và công ty quản lý để có thông tin quản lý.
“Nên mở rộng diện thí sinh được đi thi quốc tế, không giới hạn ở mức top 3 như trước đây vì sẽ lãng phí nhan sắc của các em top 5, top 10, giải phụ ở những cuộc thi lớn, dẫn đến việc thi chui, hoặc lựa chọn nhan sắc không phù hợp cho cuộc thi quốc tế, ảnh hưởng đến kết quả của Việt Nam trong lĩnh vực này”, bà Nga cho hay.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, bên cạnh những mặt tốt của những cuộc thi người đẹp đóng góp cho xã hội thì còn nhiều người lợi dụng chuyện này để làm thương mại kiếm tiền. Chúng ta phải rạch ròi, việc mở thông thoáng để phát triển thì cũng phải kiểm soát, răn đe, xử lý những người sai phạm. Bộ VHTTDL mong nhận được nhiều ý kiến của những đơn vị đã và đang tổ chức những sự kiện này.
“Hiện quy định phải có danh hiệu trong nước mới ra nước ngoài đi thi. Những người đáp ứng được trong nước ra nước ngoài lại không có danh hiệu, trong khi không có thì được; có nhất thiết phải có tiêu chuẩn cứng nhắc không? Nên cấp phép cho những người đủ tiêu chuẩn đi thi. Tôi thấy các em ra nước ngoài thì quảng bá hình ảnh đất nước rất tốt. Được giải thì tốt mà không được gải thì cũng là dịp quảng bá hình ảnh đất nước”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói và cho biết làm thế nào để có Nghị định hoàn chỉnh nhất về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, nếu làm tốt thì góp phần quảng bá du lịch tốt. Còn ai lợi dụng việc này để làm tiền thì sẽ bị xử lý mạnh tay. Ảnh: Đức Hoàng |
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, có thể sang năm 2018 khả năng tổ chức tổng kết về vấn đề này để tổng kết, rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến các đơn vị tổ chức các vùng miền.
“Việc cấp phép phải quản lý chặt chẽ, có điều kiện và chế tài đi kèm hoặc những điều kiện như thế nào đó thì mới được đăng cai tổ chức. Nếu cho phép tổ chức các cuộc thi người đẹp tràn lan thì lấy đâu ra thí sinh. Nên chúng ta phải nghiên cứu xem tổ chức bao nhiêu cuộc thi là vừa, cái này tiếp tục xin ý kiến.
Nếu làm tốt thì góp phần quảng bá du lịch tốt. Còn ai lợi dụng việc này để làm tiền thì sẽ bị xử lý mạnh tay”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh.
Đức Hoàng