• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công an cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo

Pháp luật 03/03/2023 10:40

(Tổ Quốc) - Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội vừa cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ngày 3/3, để chủ động phòng chống các thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức sử dụng công nghệ cao, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội vừa đưa ra các cảnh báo rất phổ biến của các đối tượng tội phạm.

Bẫy tình, trúng thưởng: Công an cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo - Ảnh 1.

Những cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng đã được Công an huyện Gia Lâm phát đi

Giả danh cơ quan nhà nước

Sử dụng các đầu số lạ: 0840, 0882… tự xưng là cán bộ cục văn thư, viễn thông, bảo hiểm xã hội, công an, viện kiểm sát, tòa án… thông báo nợ tiền phí, có biên lai vi phạm giao thông, liên quan đến đường dây ma túy, vụ án hình sự… yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng, chuyển tiền.

Bẫy tình trên mạng xã hội

Các đối tượng giả danh là doanh nhân người ngoại quốc, Việt kiều kết bạn qua mạng xã hội: Zalo, Facebook, telegram… với người bị hại rồi hứa sẽ tặng quà là tiền USD, hiện vật… Yêu cầy nộp phí nhận hàng.

Chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook (hack) để vay mượn tiền.

Đối tượng hack nick name Facebook, Zalo của bạn bè, người quen, người thân, cấp treeb…của bị hại, sau đó nhắn tin nói có việc gấp như người thân bị tai nạn, ốm đau nhập viện… để mượn tiền. Số tài khoản cung cấp để nhận tiền là số tài khoản không chính chủ (không phải tên người bị hại quen biết)

Tuyển cộng tác viên bán hàng online

Bị hại bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Các lần tiếp theo, yêu cầu thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi thì bị chiếm đoạt.

Người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm đang nhận tờ rơi

Người dân trên địa bàn huyện Gia Lâm đang nhận tờ rơi

Làm nhiệm vụ qua ứng dụng

Nhiệm vụ tương tác lượt xem và nội dung trực tuyến trên ứng dụng Youtube, Facebook… Yêu cầu đóng tiền làm nhiệm vụ, 1-2 lần đầu được hoàn tiền, nhiệm vụ lớn hơn sẽ bị lỗi, chuyển khoản đóng tiền liên tiếp và mất tiền.

Lừa đảo nâng cấp sim 4G, 5G

Đối tượng giả danh nhân viên nhà mạng hướng dẫn nâng cấp sim, nếu không làm theo sẽ bị mất quyền sở hữu số điện thoại và các tài khoản ngân hàng gắn với số điện thoại đó. Đối tượng yêu cầu thao tác theo hướng dẫn, nhập thông tin cá nhân, sau đó tài khoản bị hại bị trừ tiền.

Lừa đảo nâng cấp APP ngân hàng

Chủ động gọi cho bị hại, tự xưng nhân viên ngân hàng, hướng dẫn nâng cấp phần mềm App internet banking để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Chuyển nhầm tiền để ép vay

Đối tượng cố tình chuyển tiền nhầm và yêu cầu bị hại trả vào tài khoản khác, sau 1 thời gian chủ tài khoản quay lại yêu cầu đóng lãi, nếu không sẽ kiện ra tòa, gọi điện đe dọa khủng bố, quấy rối.

Mạo danh công ty tài chính, APP cho vay

Đối tượng giả danh nhân viên công ty tài chính tư vấn cho vay tiền qua các ứng dụng CREDID, VIP CASH,MONEY 24/24, EASY CASH, VAYHOME… yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần hoàn tất hồ sơ, thủ tục vay…

Hình thức trúng thưởng

Giả danh nhân viên nhân ngân hàng, công ty tài chính gọi điện thông báo trúng thưởng (tiền, vàng, hiện vật…) yêu cầu bị hại đóng phí nhận thưởng sau đó chiếm đoạt.

Chuyển tiền làm từ thiện

Đối tượng giả làm người nước ngoài, muốn gửi tiền về Việt Nam làm từ thiện, người nhận sẽ được hưởng 30-40%. Sau đó giả danh nhân viên hải quan, gọi điện yêu cầu đóng phí.

Công an huyện Gia Lâm tổ chức phát tờ rơi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội

Công an huyện Gia Lâm tổ chức phát tờ rơi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội

Lừa đảo thông qua hoạt động mua bán hàng trên mạng

Đối tượng mở trang bán hàng online, khi bị hại đặt hàng sẽ được yêu cầu chuyển khoản, đặt cọc. Sau đó đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng.

Khi người mua đặt hàng trên các trang mạng xã hội, đối tượng làm trung gian lấy thông tin người mua hàng để đặt hàng tại các shop bán hàng thật. Đối tượng liên hệ shop chuyển hàng đến địa chỉ người mua và khi shipper giao hàng, đối tượng gọi điện cho người mua yêu cầu chuyển khoản tiền hàng vào tài khoản đối tượng. Sau khi chuyển khoản, shipper giao hàng nói shop bán hàng chưa nhận được tiền và không giao hàng.

Lập sàn giao dịch tiền ảo

Các đối tượng lập ra các website, các ứng dụng có giao diện tương tự sàn đầu tư tài chính quốc tế rồi sử dụng nhiều thủ đoạn để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được để rút tiền.

Lừa đảo cho số đánh đề

Để nhận được số thì người chơi phải đóng phí, nếu không trúng thì mất phí. Nếu trúng phải chia hoa hồng cho các đối tượng.

Thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo được dán trên các bảng tin của chung cư

Thông tin cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo được dán trên các bảng tin của chung cư

Người dân cần đề cao cảnh giác

Cơ quan chức năng khuyến cáo: người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng, không chuyển tiền cho bất kỳ ai, khi chưa biết rõ.

Cơ quan nhà nước tuyệt đối không làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời đến trụ sở.

Khi người thân, người quen hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền, hãy gọi điện xác nhận lại, chỉ chuyển tiền tài khoản chính chủ. HÃY NGHI NGỜ.

Đa số các cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng xã hội đều là "quả lừa", "bánh vẽ". HÃY CẢNH GIÁC.

Bẫy tình, trúng thưởng: Công an cảnh báo hàng loạt hình thức lừa đảo - Ảnh 5.

Thông tin hữu ích đối với người dân

Trước đó, trong cuộc trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an, cũng đưa ra khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, nhất là loại chuyển tiền qua internet banking, mobile banking, tùy theo từng vụ án cụ thể, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn. Do đó, trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tàn sản thì cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng ngừa, đấu tranh loại tội phạm này; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, phối hợp với các ngành, các cấp, các lực lượng tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trong ngành tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, nhất là chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Minh Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ