• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công an tỉnh Bắc Ninh: Quyết tâm triệt phá đối với nhóm tội phạm tín dụng đen

Pháp luật 07/02/2019 09:08

(Tổ Quốc) – Đầu tháng 1/2019, Công an tỉnh Bắc Ninh đã phá thành công Chuyên án, triệt xóa 15 điểm hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng. Qua quá trình phá án, Công an tỉnh Bắc Ninh đã thu 37 sổ ghi chép vay nợ, hơn 2.600 bộ hồ sơ cho vay nợ với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng, hơn 500 triệu tiền mặt và nhiều tang vật liên quan.

Công an tỉnh Bắc Ninh: Quyết tâm triệt phá đối với nhóm tội phạm tín dụng đen  - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Công Khôi, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Bắc Ninh

Chưa bao giờ tín dụng đen hoạt động phức tạp, gây bất ổn xã hội như thời gian qua. Tổ chức cho vay nặng lãi xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khiến Thủ tướng phải yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để.

Trong năm 2018, cùng với các đơn vị trên các tỉnh thành khác trong cả nước, công an tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đợt cao điểm truy quét đối với nhóm tội phạm tín dụng đen. Đặc biệt đã khởi tố 16 đối tượng trong Chuyên án, triệt xóa 15 điểm hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh. Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Công Khôi, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Bắc Ninh về công tác triệt phá, đấu tranh với nhóm tội phạm tín dụng đen.

PV: Tín dụng đen không đơn thuần là vay mượn thông thường. Bộ trưởng Tô Lâm từng nói phía sau tín dụng đen là tội phạm có tổ chức. Thực tế đấu tranh, triệt phá tín dụng đen ở Bắc Ninh vừa qua, ông có đánh giá gì về nhóm tội phạm này?

Thượng tá Nguyễn Công Khôi: Hoạt động tín dụng đen gắn với tội phạm có tổ chức núp bóng cơ sở kinh doanh tài chính hoặc doanh nghiệp. Các nhóm tội phạm hoạt động tín dụng đen hiện nay thường cho vay tín chấp, không mở cửa hiệu cầm đồ. Họ quảng cáo thông qua mạng mạng xã hội, website, gửi tin nhắn bằng sim rác, dán tờ rơi tiếp thị hoặc sử dụng các ứng dụng cho vay trên thiết bị di động. Đặc biệt là trên giấy tờ vay nợ không thể hiện lãi suất.

Chúng ta cần nhận diện chính xác tín dụng đen là sân sau của tội phạm có tổ chức. Tín dụng đen giúp nuôi dưỡng tội phạm có tổ chức. Phía sau hoạt động tín dụng đen là những băng nhóm tội phạm như đội ngũ đòi nợ thuê, siết nợ…Vì thế, các đối tượng này cho vay mà không cần thế chấp.

PV: Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay có bao nhiêu băng nhóm tội phạm cho vay lãi nặng – tín dụng đen và phương thức hoạt động như thế nào thưa ông?

Thượng tá Nguyễn Công Khôi: Bắc Ninh là tỉnh đang phát triển với 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp. Chính vì vậy mà lượng công nhân, người lao động ngoại tỉnh tập trung về đây sinh sống và làm việc rất lớn. Mà có đến 80% người vay nợ (vay tín dụng đen, lãi suất cao) là công nhân.

Hiện nay, qua kiểm tra, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 39 cá nhân chuyên cho vay, 234 cơ sở cầm đồ và 251 cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính, treo biển cho vay cầm đồ. Thành phần vay chủ yếu là công nhân, người lao động và những đối tượng lô đề, cờ bạc. Cách thức vay chủ yếu là cầm cố tài sản, bốc bát hộ, thẻ ATM, chứng minh thư, bằng lái xe, giấy tờ xe, bằng cấp các loại…. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là đi phát, dán tờ rơi, với thủ tục vay nhanh gọn, giải ngân tất cả các thời gian trong ngày.

Tín dụng đen đã làm nhiễu loạn hoạt động bình thường của công nhân và người lao động. Khi người lao động dính vào vay nợ của tín dụng đen thì gần như hàng tháng đi làm chỉ để trả nợ. Bởi lãi xuất của tín dụng đen rất cao, trung bình nếu không có tài sản thế chấp là 8.000đ/triệu/ngày. Trường hợp có tài sản thế chấp thì mức lãi là 5.000đ/triệu/ngày.

Vừa qua, sau hơn 2 tháng thu thập chứng cứ điều tra, ngày 2/1, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phá Chuyên án, triệt xóa 15 điểm hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng, thu hơn 6 tỷ đồng.

Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện Công ty TNHH tư vấn hỗ trợ đầu tư Đại An (trụ sở tại 42 đường Dương Quảng Hàm - Phường Quan Hoa - Quận Cầu Giấy – TP Hà Nội) do Trần Đình Quảng (Sn 1988, HKTT tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) làm Giám đốc đã thành lập 15 chi nhánh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi bằng hình thức cầm đồ hoặc cầm giấy tờ với lãi suất cao. Nếu người vay trả lãi, gốc không đúng kỳ hạn thì các đối tượng cho người đến xiết nợ, đòi nợ trái pháp luật.

Quá trình phá 15 chi nhánh trên, Công an tỉnh Bắc Ninh đã thu 37 sổ ghi chép vay nợ, hơn 2.600 bộ hồ sơ cho vay nợ với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng, hơn 500 triệu tiền mặt và nhiều tang vật liên quan.

Đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 16 đối tượng, tạm giam 13 đối tượng, cấm đi khỏi nơi cư trú 3 đối tượng.

PV: Ông có thể chia sẻ về kế hoạch, nhiệm vụ năm 2019 của Công an tỉnh Bắc Ninh trong công tác đấu tranh với tội phạm tín dụng đen. Đồng thời qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm này ông có kiến nghị hay đề xuất gì?

Thượng tá Nguyễn Công Khôi: Do điều kiện đặc thù của Bắc Ninh như đã nói ở trên, chúng tôi nhận định rằng hoạt động của nhóm tội phạm tín dụng đen vẫn sẽ tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Vì thế, trong năm 2019 này phương hướng đề ra là sẽ triệt phá toàn bộ các đối tượng cho vay cầm đồ, dịch vụ tư vấn tài chính để cho vay nặng lãi.

Từ tín dụng đen này sẽ phát sinh ra nhiều tội phạm khác như cờ bạc, trộm cắp, đòi nợ, siết nợ…Qua thực tế đấu tranh với tội phạm tín dụng đen này rõ ràng có thể thấy nhu cầu vay tiền của công nhân và người lao động là có. Vì thế, chúng ta cũng cần phải xem xét làm sao đáp ứng được nhu cầu của công nhân, người lao động, để họ không dính vào vay nặng lãi và dẫn đến những hệ lụy về sau. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, các cấp như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và công đoàn.

Hoạt động cầm đồ hiện nay chúng ta đã quản lý được, nhưng đối tượng cá nhân cho vay tín dụng thì chưa quản lý được. Các công ty tư vấn tài chính mọc lên rất nhiều và thường núp bóng để cho vay nặng lãi. Do đó, về công tác quản lý nhà nước, mong rằng các cơ quan chức năng sẽ tập trung và xem xét các vấn đề này.

Cuối cùng là, hiện tại quy định của pháp luật về việc xử lý đối với các đối tượng cho vay tín dụng đen chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Do đó cần tăng mạnh khung hình phạt để đảm bảo tính răn đe cũng như sức nặng của công tác trấn áp đối với nhóm tội phạm này./.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn !

Bài, ảnh: Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ