(Tổ Quốc) - Ngày 11/12, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Diễn đàn "Chỉ số thu hút đoàn làm phim và Môi trường Sản xuất phim tại Việt Nam." Sự kiện này đánh dấu một năm triển khai Bộ chỉ số PAI (Production Attraction Index), đồng thời là dịp để công bố bảng xếp hạng các địa phương có chỉ số PAI cao nhất, ra mắt nền tảng trực tuyến Vietnamfilmproduction.vn và thảo luận để tìm các giải pháp cải thiện, xây dựng môi trường làm phim tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Tham dự Diễn đàn có ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình; ông Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình; ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, bà Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình; bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên; ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; các chuyên gia, diễn giả.
Chỉ số PAI – Công cụ đánh giá toàn diện giúp địa phương thu hút sản xuất phim
Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2023, chỉ số PAI được thiết kế để đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với các đoàn làm phim. Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong biên giới đất nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: PAI không chỉ là một chỉ số; đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh. PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.
"PAI không chỉ đơn thuần là danh sách các điểm đến mà là một công cụ toàn diện với cách tiếp cận có cấu trúc, nhằm đánh giá mức độ hỗ trợ của các địa phương đối với ngành điện ảnh và du lịch. Dựa trên năm thành phần chính – tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng – chỉ số này cung cấp một khung phân tích rõ ràng, từ việc đánh giá các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, nỗ lực quảng bá điểm đến, kết nối đoàn làm phim với các bên liên quan, đến tính minh bạch trong thủ tục pháp lý và chất lượng cơ sở hạ tầng. PAI đóng vai trò như một "ngôi sao năm cánh" dẫn lối các nhà làm phim đến những địa điểm tiềm năng còn chưa được khám phá"- TS Ngô Phương Lan chia sẻ.
PAI được thiết kế thân thiện với người dùng, giúp chính quyền địa phương tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách và hành động của mình phù hợp với nhu cầu và năng lực cụ thể của địa phương trong nỗ lực thu hút các đoàn làm phim một cách hiệu quả nhất, tạo việc làm, thúc đẩy ngành du lịch, và phát triển kinh tế địa phương. Như là một ngôi sao, PAI hướng dẫn các địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất phim và du lịch.
Năm 2023- năm đầu tiên triển khai, PAI đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các tỉnh thành trên cả nước. Qua một năm, số lượng địa phương tham gia áp dụng chỉ số này đã tăng từ 10 lên 36, với nhiều kết quả ấn tượng được ghi nhận. Đặc biệt, tỉnh Phú Yên – địa phương từng nổi tiếng với bối cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ những cải tiến vượt bậc trong chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ các đoàn làm phim.
Chỉ số PAI không chỉ là thước đo đánh giá, mà còn là cầu nối giữa điện ảnh và các địa phương, giúp khám phá và phát huy tiềm năng chưa được khai thác. Tại Diễn đàn, bảng xếp hạng PAI năm 2024 đã được công bố, tôn vinh top 10 địa phương có chỉ số cao nhất, đồng thời tạo động lực để các tỉnh thành khác tiếp tục cải thiện môi trường làm phim, nâng cao năng lực cạnh tranh. Những kết quả này không chỉ minh chứng cho giá trị mà chỉ số PAI mang lại mà còn đặt nền móng cho sự hợp tác sâu rộng giữa các địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh.
10 tỉnh, thành có chỉ số PAI cao nhất dẫn đầu là tỉnh Phú Yên; tiếp đó lần lượt là các tỉnh, thành gồm: Đà Nẵng; TPHCM; Thừa Thiên Huế; Thanh Hóa; Hà Tĩnh; Tuyên Quang; Ninh Bình.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các phiên thảo luận chuyên đề đã thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia điện ảnh trong nước và quốc tế, cùng đại diện các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển. Với hai chủ đề chính, các phiên thảo luận mang lại góc nhìn sâu sắc và thực tiễn, giúp các địa phương và ngành điện ảnh tìm kiếm hướng đi hiệu quả hơn trong việc phát triển môi trường sản xuất phim.
Phiên đầu tiên với chủ đề "PAI và Môi trường làm phim Việt Nam: Hội thoại để cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp" tập trung vào việc phân tích cách P.A.I kết nối các địa phương với ngành điện ảnh. Dưới sự dẫn dắt của bà Phan Cẩm Tú, các diễn giả như ông Trịnh Hoan, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và ông Jared Dougherty (Sony Pictures) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách minh bạch và hỗ trợ thực tiễn, giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng bối cảnh quay phim.
Theo ông Trinh Hoan, việc sản xuất phim rất cần thiết có sự hỗ trợ của các địa phương trong thực hiện cấp phép, bối cảnh quay. Ngược lại, thông qua điện ảnh, hình ảnh của các địa phương cũng được truyền thông mạnh mẽ, trở thành điểm đến du lịch được yêu thích.
Đồng quan điểm, ông Jared Dougherty (Sony Pictures) cho rằng, việc các địa phương, cơ quan quản lý hỗ trợ, miễn giảm thuế cho các đoàn làm phim mang yếu tố quyết định đến việc sản xuất phim. Ngược lại, sản xuất phim cũng mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương với việc quảng bá cảnh đẹp, con người, văn hóa các vùng miền vào tác phẩm điện ảnh.
Phiên thứ hai với chủ đề "Ưu đãi làm phim và những lợi ích cho hoạt động sản xuất phim" làm rõ giá trị của các chính sách ưu đãi dành cho ngành điện ảnh, không chỉ thúc đẩy sản xuất phim mà còn quảng bá du lịch và kinh tế địa phương. Ông Franck Priot và bà Ngô Thị Bích Hạnh đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, khẳng định vai trò của sự hợp tác công - tư trong xây dựng môi trường làm phim chuyên nghiệp.
Song song với chính sách hoàn thuế, các địa phương có chính sách đặc thù riêng dựa trên điểm mạnh của địa phương sẽ tác động tích cực đến các đoàn làm phim.
Những ý kiến trong hai phiên thảo luận này không chỉ mang tính chiến lược mà còn thực tiễn, mở ra các giải pháp sáng tạo. Đây là cơ hội để các địa phương hiểu rõ hơn về nhu cầu của ngành điện ảnh, từ đó tiếp tục cải thiện và xây dựng một môi trường làm phim chuyên nghiệp, thu hút ngày càng nhiều nhà làm phim quốc tế đến với Việt Nam./.
Ra mắt Vietnamfilmproduction.vn – Nền tảng hỗ trợ toàn diện cho ngành điện ảnh
Một trong những điểm nhấn quan trọng tại Diễn đàn là lễ ra mắt nền tảng trực tuyến Vietnamfilmproduction.vn do Hiệp hội phối hợp với công ty Baker & Mckenzi Việt Nam xây dựng. Nền tảng này được phát triển như một công cụ hỗ trợ toàn diện cho các đoàn làm phim, cung cấp thông tin chi tiết về bối cảnh quay phim, chính sách hỗ trợ và các quy trình pháp lý tại các địa phương. Thông qua Vietnamfilmproduction.vn, các nhà làm phim trong nước và quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú, tìm hiểu các địa điểm quay phim tiềm năng và nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng từ chính quyền địa phương. Nền tảng này không chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp mà còn mở ra cơ hội hợp tác mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ điện ảnh quốc tế.