(Tổ Quốc) - Sáng 2/11, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng dự lễ công bố đường bay thẳng giữa TP. Nha Trang (Khánh Hòa) của Việt Nam với Thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ
Buổi lễ diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ, sự kiện quan trọng trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh.
Đường bay của Vietjet sẽ được khai thác từ 15/12/2023 với tần suất ban đầu là 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần, thời gian bay mỗi chặng khoảng 5 giờ 30 phút, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và du khách Mông Cổ đến với Nha Trang, Việt Nam và ngược lại.
Nha Trang là thành phố biển nổi tiếng thế giới của Việt Nam với khí hậu dễ chịu, bờ biển trải dài với nắng vàng, biển xanh, các điểm đến hấp dẫn, như Tháp bà Ponagar, Hòn Tre, ẩm thực phong phú đặc trưng Á Đông, đậm đà bản sắc vùng biển miền Trung Việt Nam.
Trong khi đó, Thủ đô Ulan Bator là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng của Mông Cổ sẽ đặc biệt thu hút du khách với các điểm tham quan văn hoá, lịch sử cùng thiên nhiên kỳ vỹ, những thảo nguyên rộng lớn.
Đường bay sẽ góp phần tạo thuận lợi, thúc đẩy hợp tác đầu tư, du lịch, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa hai quốc gia, hai dân tộc, kết nối Việt Nam với Mông Cổ, mở rộng hơn nữa cùng mạng bay của Vietjet phủ khắp Việt Nam, Australia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan...
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Mông Cổ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng trước sự phát triển không ngừng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những năm qua.
Trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ là lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.
Từ quan điểm trên, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong thời gian tới.
Hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại mỗi nước; mở rộng hợp tác đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, nhất là trong các ngành hai bên có thế mạnh; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp của mỗi nước sang nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, như du lịch, lao động và hợp tác theo các kênh địa phương.
Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương hai nước cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường kết nối, xây dựng quan hệ hợp tác bền vững.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn về thuận lợi, khó khăn trong quá trình hợp tác đầu tư, kinh doanh; chia sẻ cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm; đề xuất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ, tạo ra những đột phá mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh cho biết, Mông Cổ đã thành lập Bộ Phát triển kinh tế, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động của các cơ quan phụ trách ngoại thương và đầu tư nước ngoài.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh khẳng định, Mông Cổ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến việc tạo điều kiện làm việc ổn định và môi trường pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó tỉ lệ thuế của Mông Cổ thuộc hàng thấp nhất so với các nước trong khu vực, trong khi hàng hóa sản xuất tại Mông Cổ có cơ hội được hưởng các ưu đãi thuế ở nhiều quốc gia.
Tổng thống cho rằng, Việt Nam và Mông Cổ có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực, như lương thực, năng lượng, nông nghiệp, khai khoáng, giao thông vận tải, môi trường và du lịch. Doanh nghiệp hai nước hoàn toàn có thể hợp tác theo hướng cung ứng quặng sắt, than cốc, khai thác và chế biến đất hiếm.
Việc hai nước ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông thông qua chuyến thăm lần này sẽ góp phần tăng cường kết nối giao lưu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Tổng thống Mông Cổ nhấn mạnh.
Chủ tịch nước và Tổng thống Mông Cổ thăm lực lượng Cảnh sát Cơ động
Tiếp tục chuỗi hoạt động của Tổng thống Mông Cổ trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, sáng 2/11, tại Trung tâm Huấn luyện nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, trụ sở tại Hà Nội, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới tham quan, chứng kiến màn trình diễn kỹ, chiến thuật của Lực lượng Cảnh sát Cơ động Việt Nam.
Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và các quan chức cấp cao hai nước.
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã nghe Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động báo cáo kết quả huấn luyện; chứng kiến phần trình diễn kỹ, chiến thuật của lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm, Cảnh sát Cơ động và đặc biệt là phần trình diễn của Lực lượng Cảnh sát Cơ động Kỵ binh.
Cảnh sát Cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Do vậy, việc trang cấp vũ khí, công cụ hỗ trợ để huấn luyện và sử dụng ngựa trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới là hết sức cần thiết.
Việc Bộ Công an Việt Nam được Chính phủ và nhân dân Mông Cổ trao tặng ngựa và thành lập Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Đây còn là biểu tượng sinh động về mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Mông Cổ.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã được chứng kiến những màn biểu diễn kỹ thuật, động tác điều khiển ngựa do cán bộ, chiến sỹ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thực hiện.
Màn trình diễn để lại nhiều ấn tượng với các đại biểu bằng tổ hợp nhiều kỹ thuật khó như điều khiển ngựa vượt qua các vật cản, các địa hình phức tạp, khu vực có tiếng nổ, khói lửa; các chiến sỹ Kỵ binh điều khiển ngựa phi nước đại, kết hợp bắn súng tiểu liên AK bằng 2 tay...
Cùng với đó là màn biểu diễn khí công; tình huống phối hợp giữa Cảnh sát Cơ động Kỵ binh với các lực lượng thực hành phương án chống tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự…
Những kỹ thuật, động tác điều khiển ngựa kết hợp sử dụng các loại vũ khí đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ phải trải qua quá trình luyện tập công phu, kỹ thuật điêu luyện, chính xác…, góp phần vào đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, có chức năng trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa.
Mặc dù là đơn vị mới thành lập nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là các chuyên gia huấn luyện ngựa từ Mông Cổ cùng quá trình đào tạo, huấn luyện khoa học, hiệu quả của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, đơn vị đã đạt được nhiều thành tích, kết quả cao trong huấn luyện và chiến đấu.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, sáng 2/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam./.