• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công bố nguyên nhân dẫn tới thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng

Thời sự 14/11/2018 12:54

(Tổ Quốc) - Diễn biến độ mặn trên sông Cầu Đỏ từ ngày 04-07/11 thường xuyên duy trì ở mức cao >1000mg/l, đỉnh điểm độ mặn đạt đến 4.374 mg/l vào lúc 20h00 ngày 05/11. Đây chính là thời đoạn diễn ra tình trạng thiếu nước gay gắt nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do không thể khai thác nguồn nước ngay tại Cầu Đỏ để hòa trộn với nước bơm tại An Trạch.

Liên quan đến việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng vừa qua (Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh), ngày 14/11, Phòng Tài nguyên nước (Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng) cho biết vừa đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Theo quy định tại Điều 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 07/9/2015 thì: "Khi không tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ Đắk Mi 4 phải xả nước liên tục về hạ lưu sông Vu Gia không nhỏ hơn 3 m3/s, trường hợp có yêu cầu xả lớn hơn của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thì hồ Đắk Mi 4 phải xả nước về hạ lưu sông Vu Gia theo yêu cầu nhưng không vượt quá 12,5 m3/s".

Từ ngày 31/10 đến ngày 09/11, Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi đã xả nước qua cống xả sâu thân đập với lưu lượng tối đa 12,6 m3/s để đáp ứng nhu cầu nguồn nước thô cấp cho thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ nguồn nước tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Sự phối hợp kịp thời của Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi đã góp phần nâng mực nước tại đập dâng An Trạch lên trên mực nước chết.

Công bố nguyên nhân dẫn tới thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng  - Ảnh 1.

Hình 1: Biểu đồ mức nước sông tại Trạm bơm An trạch từ ngày 31/10-09/11.

Diễn biến mức nước sông trạm bơm An Trạch từ ngày 31/10-09/11 trên Hình 1 cho thấy mực nước sông luôn duy trì trung bình đạt 1,8-1,9 m. Đây là mực nước đảm bảo để Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng bơm nước thô từ An Trạch về xử lý tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), hiện nay, tại Trạm bơm An Trạch có 06 máy bơm, trong đó tối đa có 04 bơm chạy và 02 bơm dự phòng. Như vậy nếu vận hành đồng thời 4 bơm theo công suất thiết kế thì tổng công suất của trạm bơm sẽ dao động từ 196.000m3/ngày đêm đến 217.000m3/ngày đêm.

Ngoài ra tuyến ống truyền tải nước thô từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước Cầu đỏ được thiết kế cho công suất 210.000m3/ngày đêm. Nếu vận hành quá tải, trong thời gian lâu dài có thể ảnh hưởng đến an toàn của tuyến ống này.

Vì vậy, mặc dù lượng nước thô tại đập dâng An Trạch trong thời gian qua đáp ứng thừa so với nhu cầu 270.000 m3/ngày đêm của thành phố Đà Nẵng nhưng nếu tuyến ống dẫn nước thô từ An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ không đủ tải thì lượng nước từ An Trạch về đến Cầu Đỏ vẫn chỉ có thể đạt 210.000 m3/ngày đêm. Lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu phải lấy tại Cầu Đỏ trong các thời điểm độ mặn dao động từ 200- 1000 mg/l , Dawaco phải tiến hành pha trộn với nguồn nước bơm về từ An Trạch.

Công bố nguyên nhân dẫn tới thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng  - Ảnh 2.

Hình 2: Biểu đồ độ mặn trên sông Cầu Đỏ từ ngày 31/10-09/11.

Diễn biến độ mặn trên sông Cầu Đỏ ở Hình 2 cho thấy từ ngày 31/10 đến ngày 03/11 và ngày 08/11-09/11 là các ngày phải tiến hành pha trộn nguồn nước thô tại An Trạch và Cầu Đỏ để đảm bảo đủ lượng nước cấp cần thiết. Các ngày 04-07/11 là thời đoạn độ mặn tại Cầu Đỏ thường xuyên duy trì ở mức cao >1000mg/l, đỉnh điểm độ mặn đạt đến 4.374 mg/l vào lúc 20h00 ngày 05/11/2018.

Đây chính là thời đoạn diễn ra tình trạng thiếu nước gay gắt nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do không thể khai thác nguồn nước ngay tại Cầu Đỏ để hòa trộn với nước bơm tại An Trạch.

Dawaco cũng đang khai thác nước tại các suối Lương, suối Đá, suối Tình với tổng lưu lượng được cấp phép khai thác tối đa 17.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, với diễn biến thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng ngay trong mùa mưa dẫn đến các Nhà máy trên không thể vận hành tối đa theo giấy phép.

Nhu cầu dùng nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo báo cáo của Dawaco thời gian thiếu nước vừa qua khoảng 270.000 m3/ngày đêm mặc dù đang trong mùa thấp điểm, chứng tỏ có sự gia tăng đột biến nhu cầu dùng nước. Việc người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tích trữ nước tối đa để sử dụng trước thông tin nguồn nước bị nhiễm mặn gây thiếu nước, Dawaco sẽ tiến hành cắt nước luôn phiên có thể là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng thiếu nước xảy ra trên diện rộng trong thời gian qua.

Công bố nguyên nhân dẫn tới thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng  - Ảnh 3.

Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp nước chủ yếu cho thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang trong thời kỳ mưa lũ nhưng từ đầu mùa lũ đến nay lượng mưa bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến hầu hết các hồ chứa lớn, quan trọng đều có mực nước rất thấp, thậm chí một số hồ đang ở mực nước chết.

Để đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hỏa tốc số 6246/BTNMT-TNN đề ngày 13/11/2018 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ trên lưu vực, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ, giám sát chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa để bảo đảm các yêu cầu về phòng lũ, giảm lũ cho hạ du (trong trường hợp có lũ về); đồng thời, ưu tiên việc tích nước của các hồ chứa để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ các hồ chứa không tích đủ lượng nước tối thiểu vào cuối mùa lũ, đầu mùa cạn;

Rà soát cụ thể yêu cầu sử dụng nước từ nay đến cuối mùa lũ ở dưới hạ du các hồ và có phương án bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước phù hợp nhằm hạn chế các hồ phải xả nước để cấp nước cho hạ du trong mùa lũ nhằm nâng cao khả năng tích nước của các hồ chứa (trong trường hợp không có lũ về), bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và dự trữ nước cho mùa cạn cuối năm 2018 đầu năm 2019.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ