(Tổ Quốc) - Chiều 29/9, tại TP. Huế, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc “Hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 53 năm 2018”.
Hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc là sự kiện khoa học lớn nhất của các Nhà khảo cổ học và những người quan tâm, yêu mến Khảo cổ học Việt Nam. Đây là hoạt động khoa học rất quan trọng của ngành khảo cổ học được tổ chức hàng năm nhằm mục đích đưa các sự kiện khoa học, những phát hiện mới về khảo cổ học đến với các nhà khoa học và nhân dân.
Toàn cảnh buổi khai mạc hội nghị. Ảnh: Lê Chung |
Theo ban tổ chức, năm nay hội nghị đã nhận được 356 bài tham luận. Trong đó có 115 thông báo về khảo cổ học tiền sử, 184 bài về khảo cổ học lịch sử, 41 bài về khảo cổ học Champa – Óc Eo, 10 bài viết về khảo cổ học dưới nước và 6 bài viết về các hoạt động trong ngành. Nội dung các báo cáo đã đề cập đến nhiều vấn đề trong khảo cổ học như kết quả điều tra, khai quật, thông tin về những phát hiện mới, các nghiên cứu mới.
Cụ thể, Khảo cổ học Tiền sử có các bài tham luận tập trung vào 7 cuộc khai quật, thám sát các di tích tiền sử, trong đó chủ yếu là các cuộc khai quật ở Tây Nguyên như: Khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng gồm Rộc Tưng 1, 4 và 7 và thám sát Rộc Tưng 6 và 8 tại TX. An Khê, tỉnh Gia Lai; Khảo sát xung quanh địa điểm Núi Đất; Khai quật các di tích hang C6’ và hang C6 – 1 nhằm bổ sung tư liệu về các hoạt động của con người trong các hang động núi lửa Krông Nô; Khảo sát và mở 8 hố thám sát tại di tích Đắc Sơn (tỉnh Đắc Nông);... Bên cạnh đó là các bài thông báo về phát hiện di tích mới như hang Pù Chùa (thời đại đá mới ở Tuyên Quang); phát hiện ngôi mộ Đông Sơn ở Sơn La,; phát hiện di tích tiền sử Hang Ốc, hang Đồng Hang (Lạng Sơn); phát hiện di tích Đá mới Buôn Hằng (Đắk Lắk),...
Hiện vật khai quật được tại hang C6.1. Ảnh: Lê Chung |
Khảo cổ học Lịch sử với các bài tham luận về kết quả các cuộc thám sát, khai quật như: Khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) nhằm xác định ngoại hào thành Nội thời Hán; Khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên (Hà Nội); Khai quật di tích Miếu Tiên Cô và Đền Tam Linh (Bắc Giang); Khai quật khu vực xung quanh đền An Sinh, am tháp Ngọa Vân và đỉnh núi Bàn Cờ Tiên, di tích Đá Chồng (Quảng Ninh); thám sát khai quật di tích Hải Vân Quan;…
Khảo cổ học Champa – Óc Eo với các bài viết về việc khai quật các di tích như: di tích Ruộng Đồng Cao (Quảng Nam); đền tháp Phong Lệ (Đà Nẵng); tháp Chà Rây, di chỉ sản xuất đồ gốm Champa Gò Cây Me (Bình Định); di tích kiến trúc cổ An Phong (Bến Tre),.. Thêm đó là các báo cáo về phát hiện mới các di tích và di vật như: di tích Gò Lương Phi, Gò Cây Cầy,..
Tại hội nghị, Khảo cổ học Dưới nước cũng mang đến 10 bài viết về các cuộc thám sát ở di tích Đồng Chổi (Quảng Ninh), các phát hiện trong hai lần khai quật tại di tích Bãi Làng (Quảng Nam), Bãi Cọc (Hải Dương), Đầm Lải (Quảng Ninh). Kết quả khảo sát ở một số di tích ven biển ở huyện Tiên Yên và Đầm Hà (Quảng Ninh). Phát hiện hiện vật nghi tàu đắm tại Lăng Cô (Huế), men gốm ngọc thời Nguyên trong tàu cổ ở Bình Châu (Quảng Ngãi).
Một số hiện vật Khảo cổ Dưới nước được công bố. Ảnh: Lê Chung |
Theo PGS. TS. Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trong năm 2017-2018, hoạt động khảo cổ học trên toàn quốc đã diễn ra rất sôi nổi, rộng khắp, khoa học và đạt hiệu quả cao.
"Những phát hiện mới, những nghiên cứu mới được công bố tại hội nghị lần này đã bổ sung những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu lịch sử dân tộc, lịch sử hình thành con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa, hội nhập quốc tế", PGS. TS. Bùi Văn Liêm cho biết.
Lê Chung