Muốn bảo tồn, phát huy hoặc khẳng định giá trị của cồng chiêng Mường bằng một sự công nhận của quốc gia hay quốc tế, trước hết phải hiểu đúng, đầy đủ và sâu sắc các giá trị cơ bản, đặc biệt là giá trị nghệ thuật của nó.
Muốn bảo tồn, phát huy hoặc khẳng định giá trị của cồng chiêng Mường bằng một sự công nhận của quốc gia hay quốc tế, trước hết phải hiểu đúng, đầy đủ và sâu sắc các giá trị cơ bản, đặc biệt là giá trị nghệ thuật của nó.
PV đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu văn hóa, thuộc Viện KHXH Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Từng sống, làm việc và nghiên cứu ở vùng cư trú của người Mường hơn 30 năm, theo ông, bản sắc đặc trưng của cồng chiêng Mường biểu hiện như thế nào?
- Cồng chiêng Mường là một hiện tượng văn hóa phức tạp, đồng thời chứa nhiều nét độc đáo. Trong nó chứa đựng tính tộc người, tính địa phương, tính truyền thống, tính nghệ thuật. Với người Mường, cồng chiêng Mường là niềm tự hào. Các biểu hiện của văn hóa cồng chiêng Mường thật đa dạng. Họ coi chiêng như một thực thể sống và là tiếng nói đại diện cho gia đình trong cộng đồng, biểu hiện qua tiếng khầm mà chiêng của họ tham gia. Khầm là từ tượng thanh mà người Mường dùng để gọi chùm âm do số đông người tham gia dàn chiêng cùng gõ. Nhờ có khầm, bất cứ ai, miễn là có chiêng đều có thể tham gia. Đó là sự độc đáo làm nên loại hình nghệ thuật âm nhạc chỉ riêng có ở người Mường.
Cùng được tạo thành theo phương thức diễn tấu phối hợp cộng đồng nhưng âm nhạc cồng chiêng Mường khác với âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên ở điểm nào, thưa ông?
- Tôi xin nhấn mạnh là không chỉ khác mà khác hẳn. Giá trị nghệ thuật, giá trị âm nhạc của cồng chiêng Mường nằm ở cái sự khác hẳn đó. âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên nhìn chung tuân theo quy luật về thang âm cũng như về điệu thức. Tài chỉnh âm của người Tây Nguyên minh chứng điều này. Để có thể phối hợp diễn tấu, mỗi chiêng phải chuẩn trong một thang âm nhất định. Âm nhạc cồng chiêng Mường không cần tuân theo thang âm hay điệu thức mà tuân theo một quy luật khác hẳn, tôi đặt tên là quy luật hạt nhân. Hạt nhân này được tạo thành bởi sự tương tác giữa hai cao độ cộng với khầm. Gọi đơn giản theo dân gian Mường là boòng beng khầm. Tuy nhiên, không vì thế mà các bài bản cồng chiêng Mường đơn điệu, giống nhau, lặp lại nhau mà rất đa dạng, do nhiều kiểu tương tác boòng beng tạo nên. Vì vậy có thể nói, âm nhạc cồng chiêng Mường là âm nhạc biểu tượng.
Chỉ tính những nét độc đáo và giá trị văn hóa, nghệ thuật của cồng chiêng Mường mới được phát hiện cũng đủ để thấy: bên cạnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác văn hóa truyền khẩu phi vật thể của nhân loại đã được thế giới công nhận, cồng chiêng Mường cũng là một kiệt tác tầm cỡ.
Cồng chiêng gắn bó với cuộc sống của người Mường từ ngàn đời nhưng nay đang đứng trước nguy cơ mai một do những biến đổi trong đời sống, của môi trường tự nhiên và xã hội…Theo ông, biện pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn, phát huy giá trị cồng chiêng Mường là gì?
- Văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật cồng chiêng là sáng tạo của người Mường, là di sản văn hóa truyền thống vô giá của người Mường, chỉ có người Mường mới bảo tồn được. Các cơ quan văn hóa hay chính quyền chỉ là những yếu tố cần để tạo điều kiện thuận lợi bằng những định hướng, phương pháp cho công tác bảo tồn. Ai cũng có thể tham gia vào bài chiêng qua tiếng khầm nhưng không phải ai cũng thực hiện được cả bài chiêng. Những người thông thạo toàn bộ cấu trúc bài chiêng, có thể sử dụng bất cứ chiêng nào, bất cứ vị trí nào trong dàn chiêng không nhiều, họ xứng đáng được tôn vinh, được công nhận là nghệ nhân dân gian. Vì vậy, một trong những việc cần làm ngay là xác định được số nghệ nhân cồng chiêng Mường, nhanh chóng làm thủ tục công nhận nghệ nhân chính thức cho họ. Được Nhà nước công nhận đúng với giá trị đích thực của mình, được động viên kịp thời, họ sẽ trở thành những hạt nhân tích cực, hiệu quả nhất trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa nghệ thuật cồng chiêng Mường.
Xin cám ơn ông!
Theo ĐBND