(Tổ Quốc) - Theo Vietnam Briefing, EdTech ngày càng phổ biến ở Việt Nam và lợi nhận mang về cũng ngày càng cao. Do đó, có nhiều cơ hội để các công ty nước ngoài thâm nhập trong năm 2023.
Hiện tại, có rất nhiều sản phẩm EdTech thông dụng như các nền tảng học tập trực tuyến, ứng dụng học tập, trang web học tập trực tuyến và nhiều kênh YouTube. Những sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp học tập linh hoạt và dựa trên công nghệ. Theo báo cáo Triển vọng thị trường học tập điện tử Việt Nam đến năm 2023 của Ken Research đã ước tính doanh thu của ngành dịch vụ công nghệ sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, ngành dịch vụ công nghệ ước đạt tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 23,4% từ năm 2019 đến năm 2023.
Xu hướng trên, cùng với một số khoản đầu tư lớn vào EdTech tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, mang đến những cơ hội lớn cho các công ty nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này.
Các thương vụ đầu tư quan trọng
Đầu tiên là thương vụ của công Ty cổ Phần Teky Alpha. Được thành lập vào năm 2016, Teky tập trung vào giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) cho trẻ em từ 4-18 tuổi và có mục tiêu là phát triển các kỹ năng về tư duy công nghệ, khoa học máy tính và khả năng cạnh tranh trong thế kỷ 21.
Vào tháng 5 năm 2023, Teky báo cáo đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ quỹ đầu tư Sweef Capital của Singapore và Strategy Year Holdings, một công ty cổ phần tư nhân có văn phòng trên khắp châu Á. Khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện mở rộng các dịch vụ giáo dục của Teky trong hệ thống giáo dục công lập và các chương trình ngoại khóa dành cho trẻ em từ 5 đến 18 tuổi.
Thương vụ thứ hai là của Mclass. Được thành lập vào năm 2019, Mclass cho tới nay đã tổ chức các lớp học trực tuyến cho 85.000 sinh viên và khẳng định được chỗ đứng là một công ty đầy sáng tạo trong lĩnh vực học tập trực tuyến.
Với thành tích kinh doanh của mình, Mclass đang được Ruangguru, một công ty khởi nghiệp về giáo dục được thành lập vào năm 2014 của Indonesia, mua lại. Công ty này là một trong 10 tổ chức giáo dục sáng tạo hàng đầu trên toàn cầu. Với cơ sở người dùng đáng kể, lên tới hơn 40 triệu cá nhân ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, Ruangguru đã khẳng định mình là một công ty nổi bật trong ngành công nghệ giáo dục.
Mặc dù các chi tiết cụ thể về thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng bước đi chiến lược của Ruangguru đã củng cố hơn nữa sự hiện diện của công ty tại Việt Nam và định vị vị thế lớn của họ ở Đông Nam Á. Và việc mua lại Mclass rất phù hợp để tận dụng xu hướng học tập trực tuyến đang phát triển, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục trực tuyến có thể truy cập và tương tác.
Thương vụ quan trọng tiếp theo cần đề cập có liên quan đến MindX. Năm 2015, MindX (tiền thân là Techkids) được thành lập. Bắt đầu từ một lớp viết mã (code trong CNTT) miễn phí, MindX đã mở rộng và tiếp cận được khoảng 40.000 sinh viên. Với mong muốn trở thành trụ cột chính của hệ sinh thái giáo dục và khởi nghiệp, MindX hướng đến trở thành một trung tâm tài năng về công nghệ.
Sau vòng kêu gọi tài trợ Series A (vòng gọi vốn để phát triển quy mô kinh doanh, truyền thông, tiếp thị sản phẩm hoặc nghiên cứu thị trường mới) thành công, huy động được 3 triệu USD, MindX tiếp tục mở rộng phát triển. Họ đã bắt tay vào vòng Series B (gọi vốn để mở rộng thị phần, đầu tư vào nhân sự và bắt đầu thâm nhập vào thị trường mới) từ đầu năm nay. Dẫn đầu vòng Series B là tư Kaizenvest đến từ Singapore. Đây là một nhà đầu tư đã rót vốn cho nhiều công ty khởi nghiệp EdTech nổi tiếng, chẳng hạn như Byju's, upGrad, hệ thống trung tâm tiếng Anh Yola, cùng nhiều công ty khác.
Cho tới nay, MindX đã nhận được khoản đầu tư đáng kể trị giá 15 triệu USD từ Kaizenvest; tập đoàn giáo dục Thái Lan Aksorn; HR Group từ Nhật, Mynavi và Quỹ đầu tư Wavemaker Partners.
Sandeep Aneja, Người sáng lập Kaizenvest, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng chính chất lượng sản phẩm của MindX đã thu hút công ty này. "MindX đang ở vị trí thuận lợi để dẫn đầu thị trường giáo dục công nghệ tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tin rằng khoản đầu tư này tương xứng với tiềm năng của thị trường và là minh chứng cho niềm tin của chúng tôi vào nhu cầu tìm hiểu công nghệ ngày càng tăng ở Đông Nam Á", ông nói.
Tiềm năng thành công lớn
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình phát triển hạ tầng giáo dục số và Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng. Khoảng 73,2% dân số Việt Nam có truy cập internet và đang sử dụng web để tiếp cận nhiều tài nguyên số.
Câu chuyện thành công của các công ty EdTech, chẳng hạn như TEKY, Mclass và MindX, nêu bật sức mạnh của nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong việc thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam. Các công ty này đã tận dụng vốn và chuyên môn nước ngoài để mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng cường dịch vụ và cung cấp các giải pháp giáo dục chất lượng cao cho sinh viên trên toàn quốc.
Hơn nữa, sự hợp tác giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty EdTech nội địa đã tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển của ngành và giúp phát triển các công nghệ và phương pháp học tập tiên tiến.
Lĩnh vực công nghệ giáo dục của Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Với cách tiếp cận và quan hệ đối tác phù hợp, các nhà đầu tư nước ngoài có thể góp phần chuyển đổi hệ sinh thái giáo dục của Việt Nam đồng thời gặt hái những lợi ích từ một thị trường đang mở rộng nhanh chóng, Vietnam Briefing nhận định.