• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công nghệ giúp xây dựng tour trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn hoá 31/10/2022 14:20

(Tổ Quốc) - Trên nền tảng công nghệ mới nhất, xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn: tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn; là sự kết hợp của yếu tố văn hóa truyền thống và có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại vào các ngày cuối tuần, mang lại một trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến Hà Nội.

Đó là một trong những nhiệm vụ sẽ được Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học (VHKH) Văn Miếu- Quốc Tử Giám thực hiện trong thời gian tới- TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết.

Hiệu quả từ những hoạt động chuyển đổi số

"Bia đá kể chuyện" - một triển lãm đang nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và sự yêu mến, đồng tình từ du khách tại Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Công nghệ giúp xây dựng tour trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám  - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ kinh nghiệm hoạt động chuyển đổi số tại Di tích

Nhiều du khách biết đến 82 bia đá ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, nhưng bao năm qua, những tấm bia này mới chỉ mang đến cho khách tham quan sự cảm nhận về hình dáng bề ngoài, còn nội dung thông tin chứa đựng trong từng bài văn bia chưa thực sự đến được với đông đảo du khách. Hơn nữa, phần lớn hướng dẫn viên du lịch cũng chỉ giới thiệu những thông tin khá chung chung rằng đây là những tấm bia tôn vinh tên tuổi và quê quán của những người đã thi đỗ qua các kỳ thi Nho học thời phong kiến.

Với mong muốn để du khách hiểu rõ hơn những câu chuyện khoa cử liên quan đến những tấm bia đá, nhiều hình thức mới mẻ đã được áp dụng vào triển lãm "Bia đá kể chuyện". Đó là việc sử dụng ngôn ngữ đồ họa infographics mang đến cách tiếp cận mới theo hướng đối thoại với di sản bằng ngôn ngữ đương đại. Những thông điệp được truyền đi qua ngôn ngữ hình ảnh đã tạo hứng thú cho khách tham quan. Với cách tiếp cận này, hình ảnh của các di sản và tư liệu lịch sử sẽ không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ của những bức ảnh hay những mộc bản với vẻ bề ngoài đơn điệu.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, vô cùng ấn tượng với cách làm này. Ông nhấn mạnh: "Đây là phương pháp tiếp cận di sản rất mới, rất sáng tạo vì xưa nay chúng ta chỉ mới tiếp cận với di sản gốc theo phương pháp sờ tận tay. Cách sáng tạo này sẽ đưa truyền thống Nho học Việt Nam đi khắp cả nước mà không tốn kém. Hơn nữa, thông tin trên bia đá trong phần trưng bày rất cô đọng, súc tích, do một ê kíp gồm những họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế sáng tạo nên rất bắt mắt, gần gũi, thân thiện với người xem. Thông qua cách tiếp cận này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành không gian sáng tạo đặc biệt giữa lòng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến".

Công nghệ giúp xây dựng tour trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám  - Ảnh 2.

Du khách tham quan Bia đá kể chuyện

Đây chỉ là một trong những thành quả mà Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã triển khai trong hoạt động chuyển đổi số. Đây được xem là một trong những di tích đi đầu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của Thủ đô.

Hiện nay, Trung tâm đã hỗ trợ cung cấp thông tin và góp phần quảng bá du lịch thông qua các kênh truyền thông của Di tích: website, fanpage... Hình thành và phát triển phần mềm, tiện ích thông minh trong du lịch như hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống quản lý nội dung; Triển khai mã QR code cho 40 hạng mục của di tích, cung cấp thông tin cho khách tham quan; Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ; Hỗ trợ thuyết minh cho khách tham quan bằng thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) theo chuẩn quốc tế với 12 ngôn ngữ tiếng bản địa: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Italia, Thái Lan.... Bên cạnh đó, các nội dung thuyết minh về di tích được chuẩn hóa; Phát triển, hoàn thiện hạ tầng mạng như hệ thống mạng nội bộ, hệ thống camera giám sát; Bán vé sử dụng công nghệ với hệ thống vé điện tử, tích hợp bán vé qua app.

Ứng dụng của công nghệ cũng giúp cho việc quản lý, kiểm soát quy trình bán, soát vé tại di tích chặt chẽ hơn. Tự động thống kê, phân tích và dự báo lưu lượng, chủng loại khách tham quan, để di tích có phương án quản lý và điều chỉnh dịch vụ phù hợp cho từng thời điểm; Tự động và tối ưu hóa quy trình vận hành, làm giảm sai sót của người bán, soát vé; Tích hợp bán vé online cho du khách có thể mua vé trên Apps mobile kết nối Internet mọi lúc mọi nơi.

Công nghệ giúp xây dựng tour trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám  - Ảnh 3.

Triển khai chương trình ứng dụng tham quan ảo 3D bằng ánh sáng vào ban đêm tại di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Mở tour về đêm ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Trong năm 2022, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang triển khai một số hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu vật thể và phi vật thể tại di tích; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. Cuối cùng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai phát triển ứng dụng, các tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng phục vụ cho khách tham quan và phát huy giá trị của di tích.

Nhằm giúp khách tham quan trải nghiệm, khám phá về di tích một cách thoải mái nhất, các app tham quan; tương tác tham quan 3D, xem các nội dung đa phương tiện (Phim, ảnh), giao tiếp với trợ lý ảo thông qua công nghệ thông minh nhân tạo AI, quét mã QR, định vị GIS, nhận dạng hình ảnh…cũng được hoàn thiện. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức chương trình trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Cuối năm 2021, Trung tâm đã giới thiệu tour tham quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám vào buổi tối bằng công nghệ 3D nhằm lấy ý kiến các đơn vị, công ty lữ hành. Dự kiến sẽ hoàn thiện và ra mắt vào cuối năm nay.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, trong thời gian tới, trung tâm sẽ cố gắng triển khai một chương trình ứng dụng tham quan ảo 3D bằng ánh sáng vào ban đêm tại di tích. Đặc biệt chương trình có ứng dụng công nghệ 3D Mapping để truyền tải cho du khách những trải nghiệm chân thực và sống động nhất.

Công nghệ giúp xây dựng tour trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám  - Ảnh 4.

Công nghệ 3D mapping giúp trải nghiệm Văn Miếu- Quốc Tử Giám về đêm

"Công nghệ 3D Mapping sẽ cho phép dựng mô hình có tỷ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, và sau đó thông qua trình chiếu dưới dạng 3D. Ứng dụng công nghệ này rất thích hợp nếu triển khai tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan vào ban đêm"- ông Lê Xuân Kiêu cho hay.

Dù thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Kiêu, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có nhận thức của những người lãnh đạo và của chính cán bộ. Bởi vì thực tế ngay chính cán bộ cũng nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ làm mất công việc của người lao động. Khó khăn thứ hai là ở cơ chế, các văn bản pháp luật làm sao để chuyển đổi số tạo điều kiện cho các đơn vị có thể triển khai được, cùng với sự chung tay của xã hội. Thứ ba, nguồn lực cho chuyển đổi số rất lớn. Do đó, cần phải ưu tiên, chọn lọc những việc tiến hành trước.

"Để triển khai các hoạt động này thực sự hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi nỗ lực cố gắng của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám và sự quan tâm, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là về cơ chế, chính sách để có thể huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia cho chuyển đổi số tại một di tích tiêu biểu như Văn Miếu - Quốc Tử Giám"- ông Lê Xuân Kiêu bày tỏ.

Việc triển khai hoạt động chuyển đổi số đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận hành, hoạt động của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đồng thời bảo tồn di sản văn hóa, quảng bá du lịch của Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ