• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng

Văn hoá 29/10/2021 14:31

(Tổ Quốc) - Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến “Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng” ngày 27/10/2021

Trong bối cảnh đại dịch đại dịch toàn cầu, công chúng ít có điều kiện đến Bảo tàng, nhóm DEPECH đã có ý tưởng sáng tạo, tổ chức hội thảo, đưa ra các ý kiến, hướng các bảo tàng thực hiện hiệu quả hơn việc bảo tồn, giáo dục di sản văn hóa trên nền tảng số.

Dựa trên kết quả đã đạt được qua Hội thảo lần 1 vào tháng 7 năm 2021, ngày 27 tháng 10 năm 2021, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tiếp tục phối hợp với nhóm hoạt động về bảo tồn và giáo dục di sản trên nền tảng số (DPECH), Học viện Quốc tế Tài trợ Châu Âu (EGInA) và CRHACK LAB FOLIGNO 4D, Italy và các đơn vị: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng tuổi trẻ Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Đà Nẵng; Phòng thí nghiệm Tương tác Người máy - Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng".

Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng - Ảnh 1.

Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến

Hội thảo được tổ chức trực tuyến trên nền tảng Zoom Meeting, sử dụng 2 ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). Hội thảo chia làm 2 phiên: Phiên thứ nhất "Khai thác ứng dụng công nghệ số trong Bảo tàng" do TS. Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam và TS. Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Trường Đại học Việt Nhật, đồng sáng lập DPECH chủ trì. Phiên thứ hai "Hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong Bảo tàng" do TS. Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và PGS.TS. Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Thí nghiệm tương tác người máy, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì. Trong thời gian 2h30 phút, Hội thảo đã thông qua 11 bài tham luận, trong đó có 9 bài tham luận của các diễn giả trong nước và 02 bài tham luận của diễn giả nước ngoài; 12 video giới thiệu trưng bày hiện vật, trưng bày chuyên đề, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật dân tộc.

Hội thảo đã thu hút 276 đại biểu đến từ 39 Bảo tàng, 1 nhà trưng bày; 4 khu di tích lịch sử; 10 trung tâm; 17 trường ĐH, cao đẳng; 1 thư viện; 4 tòa soạn báo, 01 tạp chí; 04 công ty công nghệ trong nước, quốc tế và Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có sự tham gia của một số tổ chức, cá nhân nước ngoài cùng tham dự như: Hiệp hội dệt ASEANTTAC, Đại học Pekalongan (In đô nê xi a), Hiệp hội nghề thủ công Thái Lan (THTA), trường Đại học công nghệ Rajamangala, Thái Lan; Bảo tàng Philippine, trường Đại học Califonia, trường Đại học Cal Poly San Luis Obispo, Mĩ; trường Đại học SRH, Đức; Bảo tàng Sarawak, Malaysia, Trường Đại học công nghệ Mara, Malaysia, Hiệp hội phát triển nghề thủ công Malaysia.

Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam chủ trì phiên thứ nhất tại Hội thảo

Qua 11 bài tham luận, 12 video đã trình bày tại Hội thảo, có thể thấy phần lớn bảo tàng ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn, giáo dục di sản ở các mức độ khác nhau. Thực trạng ứng dụng công nghệ ở các bảo tàng đem lại hiệu quả thiết thực, càng khẳng định công nghệ với bảo tàng như cá với nước, đã đến lúc phải tiếp cận công nghệ đồng bộ, đồng thời xác định bản sắc riêng, hướng du khách đến với bảo tàng mới có thể tham quan, tìm hiểu, khám phá đầy đủ câu chuyện hiện vật. Các bảo tàng đều đã có webside, số hóa một số hiện vật dưới dạng 2D, 3D, xây dựng các video clip, liên kết các mảnh ghép của không gian, thời gian thành các câu chuyện hiện vật sống động. Một số Bảo tàng: Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam… đã sử dụng công nghệ đồng bộ trên nền tàng Android và IOS, cho phép khách tải App và sử dụng quét mã QR để xem câu chuyện hiện vật, từ đó có thể thu được kinh phí qua trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề. Một số bảo tàng đã thực hiện trưng bày trực tuyến, phục vụ nhiệm vụ chính trị, chuyên môn rất hiệu quả, góp phần bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa.

Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng - Ảnh 4.

Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng - Ảnh 5.

Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo trực tuyến

Trong Hội thảo, các bảo tàng đã giới thiệu được thực trạng ứng dụng công nghệ số của đơn vị. Việc thay đổi từ đề cương sang kịch bản, lời bình, kể câu chuyện cho kho báu của mình và chuyển tải thông điệp lên internet cũng như việc sử dụng các lớp công nghệ trong bảo tàng là sự cố gắng rất lớn của các di sản viên, hướng dẫn viên và các nhà quản lý ở các bảo tàng, cùng sự hỗ trợ của các nhà công nghệ (IT). Tuy nhiên, phần lớn các bảo tàng đều chưa đưa ra được cái mình đang cần, đó là làm cho các kho báu của mình trở lên hấp dẫn bằng công nghệ, đồng bộ dữ liệu lên nền tảng Android và IOS để công chúng khắp nơi trên thế giới có thể tải App để tham quan trực tuyến 1 phần nội dung của bảo tàng, khuyến khích họ đến với bảo tàng để tìm hiểu các câu chuyện văn hóa còn đang ẩn giấu sau mỗi câu chuyện. Từ đó mang lại nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, thông qua việc bán blog và tải App.

Qua Hội thảo lần này, chúng ta cũng được tiếp cận cách nhìn mới từ chia sẻ của ông Paolo Russo - Chủ tịch và Đồng sáng lập CRHACK LAB FOLIGNO 4D, Foligno, Ý về "Museater", liên kết câu chuyện xung quanh hiện vật bảo tàng. Sự kết hợp giữa Bảo tàng và nhà hát, dựa trên 5 yếu tố: Kho báu, kể truyện, tài năng, sân khấu và công nghệ. Công nghệ trao quyền cho cán bộ bảo tàng và diễn viên kể chuyện hiện vật hấp dẫn người xem.

Hy vọng sắp tới sẽ có nhiều hơn nữa những ứng dụng công nghệ mới trong việc trưng bày và giáo dục di sản văn hóa. Các nhà làm công nghệ sẽ giúp đỡ cho các bảo tàng mang kho báu của mình gắn kết các câu chuyện hiện vật, thông qua nền tảng công nghệ số và các hướng dẫn viên chính là những nghệ sỹ truyển tải thông điệp văn hóa, nghệ thuật đến công chúng, thu hút công chúng đến với bảo tàng ngày càng đông hơn.

Cuối cùng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý vị khách quý, lãnh đạo các Bảo tàng, các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học trong nước, quốc tế, phóng viên, báo chí đã dành thời gian quan tâm, tham dự sự kiện để tạo nên thành công của Hội thảo.



Minh Hằng

NỔI BẬT TRANG CHỦ