• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công nghiệp văn hóa: Điện ảnh – Một gương mặt khác

Văn hoá 22/06/2019 07:32

(Tổ Quốc)- Không chỉ là tấm gương phản ánh chân thực cuộc sống, điện ảnh với sự lựa chọn của hình ảnh, biểu tượng, nhân vật… còn có thể xây dựng, khắc họa và mang tới một gương mặt, một nhận diện mới tùy theo từng thời điểm và góc nhìn của nghệ sĩ.

Một Việt Nam đi lên từ chiến tranh

Không thể phủ nhận sức mạnh của phim ảnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điện ảnh cách mạng non trẻ thời kỳ đầu với các thước phim phóng sự, tư liệu, tài liệu đã kịp ghi lại nhiều trận đánh, nhiều chiến công anh hùng  như Chiến dịch Đông Khê, Những người săn thú trên núi Đăk Sao, Những người dân quê tôi, Đường ra phía trước, Lũy thép Vĩnh Linh, Đầu sóng ngọn gió…

Và khi phim truyện ra đời, những hình tượng được xây dựng, bắt nguồn từ cuộc sống trở thành nhân vật trong câu chuyện, trên màn hình rồi lại từ màn ảnh tác động lại cuộc sống. Những Chị Tư Hậu (dựa theo Một chuyện chép ở bệnh viện), Bài ca ra trận (lấy nguyên mẫu anh hùng Lê Mã Lương)… đã có sức lay động hàng triệu trái tim khán giả. Nhiều bộ phim Việt Nam được làm trong thời kỳ này không chỉ góp phần khắc họa, động viên lớp lớp con em Việt Nam mà còn là hình ảnh để thế giới biết và hiểu về hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tại dải đất hình chữ S. Một số bộ phim đã tham dự các Liên hoan Phim trong khối và giành giải thưởng cũng như đưa đến hình ảnh một dân tộc anh hùng trong chiến đấu. Một trong số những phim thành công phải kể đến Con chim vành khuyên, Cánh đồng hoang, Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng 10… Các bộ phim được xây dựng trong những giai đoạn, thời kỳ khác nhau nhưng đều góp phần khắc họa hình ảnh nhân dân Việt Nam từ em bé, những người mẹ, người vợ bình dị mà anh hùng. Cả một thời gian dài, nói đến Việt Nam, hiểu về Việt Nam chính là hình ảnh của một nền điện ảnh đi lên từ chiến tranh.

Công nghiệp văn hóa: Điện ảnh – Một gương mặt khác  - Ảnh 1.

Phim Cha cõng con

Một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khách

Nếu một thời âm hưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng chi phối cảm hứng sáng tạo nghệ thuật thì ngày nay  nhiều nghệ sĩ, nhiều bộ phim đang cố gắng xây dựng hình ảnh một Việt Nam thân thiện, cởi mở, muốn làm bạn với 5 châu và giầu bản sắc văn hóa. Nhiều bộ phim quảng cáo, nhiều phim tài liệu du lịch đã góp phần khắc họa, quảng bá hình ảnh các vùng đất, bãi biển đẹp của Việt Nam xuất hiện trong những tuần văn hóa, chợ phim hay các Liên hoan Phim. Phim Mũi né – vùng biển thức,  Quảng Ninh – hội tụ và lan tỏa, Làng lụa Vạn Phúc… là những bộ phim như vậy. Với những bộ phim mang tính quảng cáo, không chỉ nhà nước mà đôi khi các tỉnh, thành phố hay một doanh nghiệp cũng mong muốn thông qua phim ảnh để quảng bá, tôn vinh về thành phố, quê hương hay sản vật văn hóa, tinh thần của quê hương mình.

Trong số các thể loại phim thì phim truyện với câu chuyện, nhân vật, vùng đất, bản sắc văn hóa… luôn có sức hút hơn cả. Từng có một Chuyện của Pao với thiên nhiên vùng núi Tây Bắc đẹp mê hồn với những vạt ngô, ruộng hoa cải, nếp nhà sàn hay những bờ rào được xếp bằng đá tự nhiên. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quảng bá về mảnh đất Phú Yên đẹp và yên bình với những trảng cỏ dài, những suối nước tự nhiên. Phim Cha cõng con ngoài tình phụ tử thiêng liêng còn được lồng ghép trong mây nước non cao Hà Giang đẹp đến nao lòng. Những giá trị văn hóa lồng trong con người, cây cỏ, câu chuyện là thứ mà nhiều quốc gia khuyến khích xây dựng, cổ vũ trong các tác phẩm điện ảnh để quảng bá, chinh phục thế giới.

Công nghiệp văn hóa: Điện ảnh – Một gương mặt khác  - Ảnh 2.

Phim Chuyện của Pao

Điện ảnh – một gương mặt khác

Với sức quảng bá mạnh mẽ, nhiều quốc gia muốn tập trung, xây dựng trong từng giai đoạn cụ thể  với những tiêu chí rõ ràng nhằm mang tới một diện mạo, một cảm nhận khác về đất nước họ. Điện ảnh Trung Quốc sau hàng thế kỷ tập trung cho dòng phim lịch sử, cổ trang đang khuyến khích sự đua nở của các thể loại, đề tài khác nhau vừa phản ánh văn hóa đa dạng của Trung Quốc vừa cập nhật toàn cầu. Điện ảnh Hàn Quốc, sau những bộ phim mang đậm văn hóa xứ Kim Chi cũng bắt đầu để tâm tới những dòng phim khác có khả năng thu hút, thời thượng hay trở thành những bom tấn phòng vé. Chuyến tầu sinh tử (Train to Busan) mới đây là một thể nghiệm mới mẻ và đem lại thành công tại phòng vé. Dự án mới nhất của Bong Joon-ho - đạo diễn hàng đầu Hàn Quốc đương đại là Parasite (Ký sinh) sắp tới đây sẽ tham dự Liên hoan Phim Cannes lần thứ 72. Phim  kể về hai gia đình khác biệt về địa vị, tài sản bị một biến cố gây tác động lớn.

Các nền điện ảnh châu Á khác như Nhật, Singapore… cũng liên tiếp mang tới những góc nhìn khác thay vì đào xới mãi một hình ảnh đã quá quen thuộc về đất nước mình. Bộ phim Gia đình trộm cắp (Shoplifters - Nhật Bản) là những góc nhìn mới về một nước Nhật không chỉ có hoa anh đào, những động đất, sóng thần mà còn là một xã hội phát triển với đầy đủ phức tạp, hệ lụy và cả tình người trong đó. Phim đã thắng giải Cành cọ vàng lần thứ 71 (2018) một cách thuyết phục và đem tới nhiều cảm nhận mới về đất nước và điện ảnh Nhật Bản đương đại. Có thể thấy, nhiều đất nước đã cố gắng thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về họ thông qua các bộ phim khác nhau với những chủ đề hiện đại, mới mẻ vừa phản ánh xã hội vừa cập nhật xu thế, trào lưu điện ảnh hiện đại.

Công nghiệp văn hóa: Điện ảnh – Một gương mặt khác  - Ảnh 3.

Phim Gia đình trộm cắp (Shoplifters - Nhật Bản)

Với Chiến lược phát triển văn hóa, dự án Nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng  đang tạo ra những cơ hội để các ngành, nghề nghệ thuật tổng hợp và có kế hoạch PR bài bản về ngành nghề mình. Đây cũng là cơ hội để nâng cao kiến thức cho lớp trẻ cũng như đề ra những kế hoạch bồi dưỡng lớp công chúng trẻ, công chúng mới cho các ngành, các bộ môn nghệ thuật trong dài hạn. Với điện ảnh, sự tích hợp của nhiều loại hình nghệ thuật và sự hỗ trợ tuyệt vời của công nghệ, kỹ thuật rất cần những chiến lược, cách nhìn, góc tiếp cận mới để mang tới một diện mạo, một gương mặt mới cho đất nước, con người, văn hóa và cả điện ảnh Việt Nam.


Nguyên An

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ