(Tổ Quốc) - Cần giúp các không gian sáng tạo trong nước phát triển một cách bền vững và đúng hướng, mà còn có thể đem lại nhiều lợi ích văn hóa - xã hội.
Không gian sáng tạo là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ. Như vậy, không gian sáng tạo có tác dụng tiếp sức hoạt động của nghệ sĩ, đồng thời giúp công chúng thêm cơ hội tiếp cận nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa.
Ở góc độ kinh tế, không gian sáng tạo cũng góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, và tạo thêm việc làm cho nhiều người.
Tuy nhiên đến nay, việc phát triển không gian sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như quy mô trong đời sống thực tế.
Một báo cáo của Hội đồng Anh cho thấy, tại Việt Nam, đa số các không gian sáng tạo tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và đứng thứ ba là Đà Nẵng. Những thành phố khác như Hải Phòng, Huế, Hòa Bình, Gia Lai, Buôn Ma Thuột có ít không gian sáng tạo hơn.
Một điểm đáng chú ý nữa là nếu các không gian ở thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng) tập trung vào nghệ thuật đương đại và các dịch vụ thời thượng như không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp, công nghệ thông tin và lĩnh vực công nghệ, thì các không gian ở Hòa Bình, Gia Lai, Buôn Ma Thuột chú trọng hơn vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa, duy trì sức sống của văn hóa trong cộng đồng cũng như khai thác yếu tố văn hóa để phát triển du lịch.
Nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức để thực hiện một số dự án.
Các dự án này đã có tác dụng thực tiễn, giải quyết những vấn đề cấp bách trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Có thể kể đến, dự án "Không gian Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam" do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL); dự án "Chương trình trao đổi giữa các không gian sáng tạo tại Vương quốc Anh và Đông Nam Á"; đề án xây dựng bộ chỉ số thống kê ngành điện ảnh…
Tại Việt Nam có khoảng hơn 200 không gian sáng tạo, trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng. Riêng Hà Nội hiện có 115 không gian sáng tạo, TP Hồ Chí Minh có khoảng 60.
Những không gian sáng tạo này, trở thành những địa chỉ văn hoá nghệ thuật, nơi công bố những tác phẩm nghệ thuật đương đại, nơi kết nối và truyền cảm hứng cho cả nghệ sĩ, công chúng và người thực hiện. Theo thời gian, những địa chỉ này cũng là nơi cung cấp kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ thẩm mỹ, truyền cảm hứng, thực hiện dự án và hoàn thiện cá nhân. Mỗi không gian sáng tạo còn là nơi làm việc lý tưởng cho các nhân viên/cá nhân/người kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá và thể hiện trình độ hưởng thụ văn hoá của tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Tuy nhiên những khó khăn của việc phát triển các không gian văn hóa, sáng tạo trong bối cảnh hành lang pháp lý còn thiếu, những điều kiện để mô hình này phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam... vẫn hiện hữu.
Có thể thấy hầu hết các không gian đều là kinh doanh tư nhân. Vì các không gian này còn mới nên hệ thống pháp luật hiện hành chưa coi không gian sáng tạo là một mô hình kinh doanh đặc thù. Các không gian sáng tạo đăng kí hoạt động với tư cách pháp nhân là doanh nghiệp (đa số là doanh nghiệp nhỏ và đến rất nhỏ), tổ chức phi chính phủ (rất ít), hoặc kinh doanh hộ gia đình. Nhiều không gian sáng tạo định hướng phát triển cộng đồng chứ không hoạt động vì lợi nhuận, chính vì vậy các giá trị và sản phẩm mà không gian sáng tạo mang lại không phải lúc nào cũng có thể đo đếm được. Ngoài ra, một vài không gian sáng tạo chỉ dựa vào nguồn vốn riêng chứ không có thu nhập nào, nhưng họ vẫn phải đóng các loại thuế…
Hiện trạng này tạo ra những thách thức cho các không gian sáng tạo, trong đó có các trách nhiệm về thuế. Ðiều đó đã dẫn tới không ít bất cập và phần nào kìm hãm sự phát triển của các không gian sáng tạo. Bởi, không gian sáng tạo không phải doanh nghiệp thông thường, không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, hoạt động chủ yếu hướng đến cộng đồng, mang lại lợi ích tinh thần cho xã hội; đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động thử nghiệm, có độ rủi ro cao… Chưa kể, các đối tượng hoạt động tại đây chủ yếu là nghệ sĩ, nhà thiết kế... cho nên thường thiếu kiến thức kinh doanh, khả năng quản trị, điều hành.
Hơn nữa, từ năm 2020 đến nay, các không gian sáng tạo cũng chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19. Bởi "nguồn thu chính của họ không dựa vào các hoạt động trực tiếp như chiếu phim, giảng dạy, biểu diễn, triển lãm mà lại dựa vào các dịch vụ phụ như bán cà phê, làm phim quảng cáo... hoặc dựa vào các tài trợ, dự án ngắn hạn. Vì vậy, khi dịch xảy ra, các tổ chức này không kịp chuẩn bị về nguồn lực và năng lực để chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ của mình". Do vậy rất cần bàn tay của các "bà đỡ" là các cơ quan chức năng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong bối cảnh công nghiệp văn hóa đang được quan tâm và dần có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù như: giảm thuế, xây dựng quỹ đầu tư, hỗ trợ không gian sáng tạo, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan văn hóa nhà nước với tổ chức, cá nhân quản lý không gian sáng tạo… Ðiều này không chỉ giúp các không gian sáng tạo trong nước phát triển một cách bền vững và đúng hướng, mà còn có thể đem lại nhiều lợi ích văn hóa - xã hội.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng "cần sớm có chính sách hỗ trợ để các không gian sáng tạo phát triển, hoạt động tốt. Thực tế cho thấy, không gian sáng tạo là lĩnh vực sôi động nhất trong các lĩnh vực văn hóa, vì là sân chơi gần gũi với người dân, nếu để lụi dần sẽ rất đáng tiếc"
Những năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ngày càng nhiều người quan tâm hơn tới việc thưởng thức các sản phẩm sáng tạo và văn hóa nổi lên từ ngành công nghiệp thời trang, âm nhạc, điện ảnh và các ngành sôi động khác. Thị trường trong nước bùng nổ, cùng với hoạt động xuất khẩu và du lịch tích cực, cho thấy cơ hội rất lớn cho các ngành văn hóa và sáng tạo.