• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công nghiệp văn hóa: Vấn đề được quan tâm trước thềm Hội thảo Văn hóa năm 2022

Thời sự 16/12/2022 21:51

(Tổ Quốc) - Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ diễn ra ngày 17/12 tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm và mong muốn Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ đề cập để tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển hơn nữa đúng như kỳ vọng trong thời gian tới.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhấn mạnh phải chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng ta xác định phát triển công nghiệp văn hóa là phát triển một ngành kinh tế đặc biệt, sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt.

Việt Nam có điều kiện và có rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua dù đã có sự phát triển nhưng công nghiệp văn hóa chưa trở thành một ngành kinh tế để góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phải coi công nghiệp văn hóa như các ngành công nghiệp khác

Theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, để phát triển công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải coi công nghiệp văn hóa cũng là một ngành công nghiệp như các ngành công nghiệp khác.

Công nghiệp văn hóa: Vấn đề được quan tâm trước thềm Hội thảo Văn hóa năm 2022 - Ảnh 1.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Chúng ta không nên quan niệm công nghiệp văn hóa chỉ thuộc lĩnh vực văn hóa, mà phải đặt ngành công nghiệp văn hóa trong tổng thể các ngành kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đối xử công nghiệp văn hóa như là một ngành công nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng, thì chúng ta cũng cần để công nghiệp văn hóa phát triển và cạnh tranh một cách bình đẳng với các ngành công nghiệp khác.

Ngoài ra, Nhà nước cũng phải có sự định hướng, sự quản lý ngành công nghiệp văn hóa như các ngành công nghiệp khác; đồng thời trong xây dựng thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng phải có thể chế cho phát triển công nghiệp văn hóa. Khi tạo môi trường cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng phải tạo môi trường cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Nhà nước cũng cần đảm bảo để công nghiệp văn hóa phát triển ngang bằng, bình đẳng, cạnh tranh một cách lành mạnh đối với các ngành công nghiệp khác, sản phẩm văn hóa được coi là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt trên thị trường cả trong nước và quốc tế.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, Nhà nước cần định hướng sự phát triển để công nghiệp văn hóa của chúng ta phải mang đậm đà bản sắc dân tộc, khai thác được những tiềm năng, lợi thế của văn hóa dân tộc Việt Nam qua 4 ngàn năm lịch sử. Cần có định hướng để công nghiệp văn hóa Việt Nam không chạy theo lợi nhuận đơn thuần, để phát triển những ngành công nghiệp văn hóa trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa một cách lành mạnh nhất, đúng đắn nhất.

Tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam là vô cùng to lớn

Cùng quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tiềm năng và lợi thế của ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam là vô cùng to lớn. Phát triển và khai thác tốt, công nghiệp văn hóa có thể mang lại những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Công nghiệp văn hóa: Vấn đề được quan tâm trước thềm Hội thảo Văn hóa năm 2022 - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp)

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, thời gian qua một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã có những tăng trưởng tích cực, như Điện ảnh năm 2019 đạt hơn 4000 tỉ đồng (tương đương gần 174 triệu USD), vượt 16% so với mục tiêu 150 triệu USD đề ra tại Chiến lược; Du lịch văn hóa năm 2018 đạt hơn 620.000 tỉ đồng (đóng góp 8,39% GDP), năm 2019 đạt 720.000 tỉ đồng; Quảng cáo năm 2019 đạt tổng doanh thu trên 65.400 tỉ đồng.

Theo ĐBQH Nguyễn Hải Anh, tuy đạt được một số thành tựu bước đầu khả quan, song “Công nghiệp văn hóa” ở Việt Nam vẫn còn là mới so với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đáng mừng là thời gian gần đây nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương về công nghiệp văn hóa đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đều được đưa vào nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường bảo hộ quyền tác giả, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng ưu đãi, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại; ưu đãi đối với các sản phẩm văn hóa khi sản xuất, lưu thông trên thị trường, nhất là xuất khẩu ra thị trường quốc tế; chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo của các văn, nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa.

Đồng thời, chú trọng phát triển và làm sâu sắc hơn nội hàm của mối quan hệ Nhà nước – Văn nghệ sĩ – Doanh nghiệp – Nhân dân để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa. Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về 12 ngành công nghiệp văn hóa trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm cụ thể hóa sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó tập trung ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có khả năng cạnh tranh tại thị trường khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, cần tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, nòng cốt mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế cao để làm tiền đề phát triển ngành công nghiệp văn hóa, như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa, trong đó nên chú trọng khai thác, phát huy kho tàng ẩm thực đặc biệt phong phú, đa dạng và độc đáo của các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam với các nước, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, tích cực đóng góp vào việc hình thành, củng cố và hoàn thiện các giá trị văn hóa mới của nhân loại.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng

Cùng dành sự quan tâm về vấn đề công nghiệp văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vai trò của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm – dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Công nghiệp văn hóa: Vấn đề được quan tâm trước thềm Hội thảo Văn hóa năm 2022 - Ảnh 3.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa – dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước.

Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Để tạo đà cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thực sự cất cánh được, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Sự hỗ trợ này đầu tiên đến từ việc tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước đối với vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.

Các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tạo ra sự đột phá trong tư duy về quản lý văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc, tạo lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế. Khi có nhận thức đúng, các bộ, ngành và địa phương sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Quan trọng hơn cả, chúng ta cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý tháo gỡ những điểm nghẽn hiện có và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật, các cơ chế về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật...

"Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là việc chúng ta cần phải coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực tiêu tiền, thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ