• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công Phượng, Tuấn Anh và sự hụt hẫng của người hâm mộ

Thể thao 17/10/2016 13:57

(Tổ Quốc) -2 CLB quảng bá rầm rộ hàng tuần liền về trận “derby Việt Nam” trên đất Nhật, in băng rôn, áo đấu, mời tài trợ và đài truyền hình trong nước mua bản quyền phát sóng trận đấu, kéo hàng trăm người hâm mộ Việt Nam đến sân cổ vũ.. Thế nhưng điều người hâm mộ nhận được cuối cùng là gì ? Tuấn Anh không có tên trong danh sách thi đấu vì lý do “chấn thương” còn Công Phượng thì chỉ được ra sân đúng... 8 phút và không chạm nổi chân vào bóng.

Trận đấu lượt về vòng 36 J-League 2 giữa Mito Hollyhock và Yokohama FC chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng khi một đội đã không còn động lực thi đấu, một đội thì đã chắc suất trụ hạng. Nhưng cái cách mà Mito Hollyhock và Yokohama FC tạo ra một chiếc “bánh vẽ” từ hai cái tên Công Phượng và Tuấn Anh để kéo khán giả người Việt tới sân, đánh bóng thương hiệu cho CLB, địa phương và cuối cùng lại khiến người hâm mộ Việt Nam thất vọng là điều đáng suy ngẫm.

NHM Việt Nam đến trung tâm Aeon Mall, Tân Phú, Long Biên để theo dõi Công Phượng, Tuấn Anh thi đấu. Ảnh: Bóng đá Plus

Hãy quay lại thời điểm cách đây vài ngày. Truyền thông Việt Nam và 2 CLB đưa tin rầm rộ về trận đấu này. Mito Hollyhock quyết định đổi màu áo từ xanh sang đỏ, in logo Việt Nhật lên góc áo đấu để “pr” trận đấu. Hoạt động quảng bá của hai CLB này diễn ra rầm rộ khi từ trước đó vài tuần, 2 CLB đã mời một số phóng viên ở Việt Nam sang tận Nhật Bản để dự khán trận đấu, ngoài ra cuộc đọ sức giữa 2 CLB đang đứng nhóm cuối bảng xếp hạng J.League 2 cũng được kênh truyền hình ở Việt Nam mua bản quyền và quảng cáo rầm rộ.

Trên nhiều diễn đàn, các cổ động viên bóng đá Việt Nam nói chung và những fan của hai cầu thủ trẻ này nói riêng bàn luận rất sôi nổi và háo hức chờ đợi vào một trận “Derby Việt Nam” tại đất nước Mặt trời mọc.  Một số địa điểm ở Hà Nội và TP HCM còn tổ chức "offline" xem trận đấu này.

Nhìn lại cả mùa Giải, Tuấn Anh và Công Phượng đều là 2 cầu thủ dự bị phần lớn thời gian, cơ hội ra sân rất ít, thậm chí còn rất ít khi được.. điền tên vào danh sách thi đấu (Tuấn Anh chưa một lần ra sân ở J-League 2) nhưng qua các phương tiện quảng bá,  2 CLB lại ví đây như một trận “Derby VietNam” và 2 cầu thủ này gần như chắc chắn có cơ hội ra sân. Những chiêu trò quảng cáo được thực hiện có phần quá lố so với tính chất của trận đấu. Sự quá đà của chiêu thức quảng cáo càng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu hơn khi mà Công Phượng và Tuấn Anh vốn dĩ rất ít được ra sân, nhưng lại được thổi lên như đây là trận đấu của riêng 2 cầu thủ này.

Mục đích của người Nhật đã đạt được còn chúng ta...trở về mặt đất

Thậm chí CLB chủ quản Mito Hollyhock của Công Phượng còn tổ chức sự kiện bên lề xem như trận đấu là cầu nối văn hóa Việt - Nhật với những sự kiện bên ngoài sân. Được biết, có 3 doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn ở Việt Nam cũng như 1 doanh nghiệp Việt bỏ tiền ra để tài trợ riêng cho trận đấu này.

Cuối cùng cái mà khán giả Việt Nam quan tâm nhất là được nhìn thấy Công Phượng, Tuấn Anh đối đầu nhau đã không trở thành hiện thực. Tuấn Anh không có tên trong danh sách thi đấu vì lý do “chấn thương”, còn Công Phượng thì chỉ được ra sân đúng... 8 phút và không chạm nổi chân vào bóng. Không ít người mong ngóng sự kiện này từ nhiều ngày qua và có lẽ họ đang cảm thấy rất thất vọng. Người Nhật đã thành công, họ đưa ta vào mộng và chính họ dập tắt giấc mông ấy. Mục đích của họ đã đạt được còn chúng ta...trở về mặt đất.

Đỗ Bảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ