(Cinet) - Có lẽ tâm lý mặc định phê bình tức là “đánh” và ai cũng sợ bị “đánh” cho nên, làm nghề lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng hiện nay ngày một khó khăn.
(Cinet) - Văn hóa nghệ thuật là yếu tố nhạy cảm và tinh tế nhất của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Ở đó, hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật luôn giữ vai trò quan trọng. Vừa là quá trình để thấu hiểu, đồng cảm, đồng hành với sáng tác, vừa thể hiện sự đánh giá, thẩm định, định hướng cho các sáng tạo văn học nghệ thuật.
Ngổn ngang khó khăn
Có thể nói trong những năm qua hoạt động nghiên cứu và lý luận, phê bình văn học nghệ thuật nước ta có bước phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ở khắp các lĩnh vực như mỹ thuật, văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa… ở lĩnh vực nghệ thuật nào cũng chứng kiến những bước chuyển nhất định, vừa mang được hơi thở của đời sống đương đại đa dạng và nhiều khuynh hướng.
PGS Trần Trí Trắc được trao thưởng loại B với tác phẩm sách “Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”. Ảnh: Gia Linh |
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết “Phần lớn các tác phẩm được tặng thưởng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đều phát huy tác dụng tích cực trong đời sống văn học nghệ thuật, được giới nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật và công chúng ghi nhận, góp phần khẳng định giá trị định hướng hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học nghệ thuật.”
Tuy nhiên, hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khi số lượng các cây bút lý luận phê bình văn học nghệ thuật dám dấn thân vào công việc nhọc nhằn này chưa nhiều, chứ không nói đến việc ngày càng hao hụt. Trong khi, không gian dành cho các nhà lý luận phê bình còn eo hẹp. Mặt khác, bên cạnh các công trình nghiên cứu phê bình có giá trị khoa học, bám sát với hơi thở đời sống đương đại thì vẫn có những công trình đi theo lối mòn, chưa thực sự đột phá, chuyển mình mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Vậy văn học nghệ thuật hôm nay đang mắc ở đâu. Có lẽ mắc ở sự sáng tạo. Sự sáng tạo hôm nay vẫn mang tư duy cũ, tư duy bao cấp chưa thể theo kịp với cơ chế thị trường đòi hỏi phải cạnh tranh và đổi mới. Muốn thay đổi phải bắt đầu từ tư duy sáng tạo.
Chia sẻ về những khó khăn của giới làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, PGS Trần Trí Trắc cho biết: “Làm công tác lý luận phê bình ở nước ta cực kỳ khó khăn. Cái khó khăn thứ nhất là do văn hóa truyền thống Việt Nam. Đó là văn hóa duy tình, cho nên “anh em chín bỏ làm mười”, cho nên “lọt sàng xuống nia”, cho nên “dĩ hòa vi quý”. Bây giờ anh em sáng tạo mà mình phê bình, thì động chạm đến văn hóa truyền thống, vì “một trăm cái lý không bằng một lý cái tình”. Khó khăn thứ hai là đời sống của những người làm nghề, không có nguồn vốn, không có nguồn tài trợ, chỉ có “cơm vợ” để làm và làm hết mình.”
Đặc biệt, trong cuộc sống hôm nay, trong cơ chế thị trường, cần đến tiền, và người ta không nghĩ đến danh, chỉ cần đến “giá”, thế thì những người làm lý luận phê bình lại càng khó vì chạm đến danh của người ta, mà “giá” lại không được. Cho nên chúng tôi bị thiên hạ, bị giới gọi là “dân tộc Choang”, mọi người hiểu phê bình sân khấu đều gọi là “choang”, là “đánh”. Vì vậy, làm công tác lý luận phê bình khó ơi là khó, không thể nói cái gì khó hơn được nữa – PGS Trần Trí Trắc hóm hỉnh nói.
Có lẽ tâm lý mặc định phê bình tức là “đánh” và ai cũng sợ bị “đánh” cho nên, làm nghề lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng hiện nay ngày một khó khăn.
Hoat động văn hóa nghệ thuật nước nhà luôn vận động và phát triển. Ảnh: Khánh Vi |
Hạnh phúc được tính bằng niềm tin
Vừa qua, nhằm tôn vinh và tạo môi trường cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật nói chung và đặc biệt là cho các cây bút sắc bén trong lĩnh vực này, góp phần định hướng và thúc đẩy sáng tạo của những nhà lý luận, phê bình, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức xét và trao tặng thưởng cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật tiêu biểu cho những tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản trong 2 năm 2016 và 2017.
Giải thưởng đã thể hiện sự quan tâm, mong đợi của Đảng, đối với sự phát triển lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật. Ảnh: Gia Linh |
Có thể nói giải thưởng đã thể hiện sự quan tâm, mong đợi của Đảng, đối với sự phát triển lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật và đội ngũ những người làm lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Qua đó, góp phần thúc đẩy và phát huy tiềm năng của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có nhiều công trình, bài viết chất lượng cao, phục vụ có hiệu quả sự chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực quan trọng và tinh tế này.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận định, tuy chưa thể hiện hết được thành quả, nỗ lực sáng tạo chung của giới nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật nhưng những tác phẩm đạt giải thưởng cũng cho thấy sự cố gắng bền bỉ, công sức và trí tuệ của những nhà nghiên cứu lý luân phê bình, các nhà văn, nhà báo hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Còn đối với người làm nghề như PGS Trần Trí Trắc và nhiều đồng nghiệp trong giới, giải thưởng này chính là điều an ủi của người cầm bút hôm nay giúp họ thêm sức sống, sự gắn bó và cống hiến trí lực với nghề. “An ủi thứ nhất là Đảng và Nhà nước đã nhớ tới mình. An ủi thứ hai là đồng nghiệp qua ba vòng đã đánh giá được mình. Còn gì sung sướng hơn, nghèo cũng được, nhưng được Đảng tin, được Đoàn, những người đồng nghiệp tin, thế là hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không tính bằng tiền, mà tính bằng niềm tin của nhau. Tin nghề anh ấy, tin việc anh ấy, thế là chúng tôi vui rồi. Mai lại về cầm bút, lại viết…” – PGS Trần Trí Trắc chia sẻ./.
Gia Linh