(Cinet)- Công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi năm 2016 đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng 53 DTTS anh em.
Công tác văn hóa vùng DTTS được quan tâm bảo tồn. (Ảnh minh họa: Hà Tuấn) |
Những kết quả đạt được
Tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách về văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách đối với đồng bào DTTS được Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đồng bào các dân tộc phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền văn hóa, văn nghệ, lễ hội, các hoạt động nghiên cứu khoa học, kiểm kê, truyền dạy di sản văn hóa lành mạnh, thuận lợi cho văn hóa các dân tộc phát triển, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa các DTTS được tổ chức. (Ảnh: Vinaculto) |
Nhiều địa phương đã tập trung đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS, tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lập hồ sơ khoa học, từ đó có kế hoạch gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS.
Các tỉnh vùng DTTS thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng mang tính cộng đồng. Việc tổ chức định kỳ “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4” đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống đặc sắc, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi địa phương, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc cụ thể như: Tỉnh Nghệ An tổ chức đêm hội giao thừa tại quảng trường Hồ Chí Minh, hướng dẫn tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) cho các huyện, thành, thị, miền núi trong tỉnh. Nhiều địa phương thực hiện Quyết định 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, đã ban hành các đề án về bảo tồn phát huy văn hóa các DTTS trên địa bàn mình như: Lào Cai, Lai Châu, Nghệ An, Tuyên Quang, Điện Biên,... Qua các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tính cố kết cộng đồng nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS.
Khó khăn tồn đọng
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Các tỉnh vùng DTTS còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tốc độ phát triển kinh tế chậm, địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và không tập trung, chủ yếu đồng bào sống xa trung tâm, tiếng nói, phong tục tập quán không giống nhau, cơ sở hạ tầng kém, trình độ phát triển không đồng đều, khoảng cách về mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa giữa các dân tộc, vùng sâu, vùng xa với đô thị còn chênh lệch cao. Hệ thống thiết chế và cơ sở vật chất ở vùng DTTS tuy đã được quan tâm nhưng nhìn chung vẫn ở tình trạng xuống cấp, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc đưa văn hóa, văn nghệ đến phục vụ đồng bào các dân tộc tuy đã có cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều chính sách được thực hiện thông qua những đề án, dự án còn thiếu nguồn kinh phí triển khai, phải thực hiện lồng ghép hoặc đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở địa bàn miền núi và DTTS rất khó khăn. Chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS.
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa dân tộc còn chưa đồng bộ. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, sự giao lưu diễn ra nhanh, mạnh đã khiến cho việc bảo tồn chưa kịp thời, chưa đáp ứng theo yêu cầu, việc tiếp thu văn hóa mới còn biểu hiện thiếu chọn lọc nên ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa dân tộc nói chung từ cấp Trung ương đến địa phương còn yếu và thiếu, trình độ không đông đều, chưa đáp ứng vùng sâu vùng xa, cán bộ làm công tác văn hóa chưa được đào tạo về chuyên môn, không am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, lại kiêm nhiệm nên còn lúng túng chưa đạt hiệu quả.
Kinh phí dành cho công tác văn hóa nhìn chung còn thấp, đặc biệt là vùng DTTS, miền núi. Các tỉnh miền núi do nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí nguồn lực để phát triển sự nghiệp văn hóa trên địa bàn rất khó khăn, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa vùng DTTS.
Giải pháp thực hiện
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật nói chung, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào DTTS nói riêng; nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, khảo sát thực tế, nắm rõ hoạt động văn hóa tại cơ sở trong việc thực hiện công tác văn hóa dân tộc; đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình, nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc từ đó kịp thời có những chủ trương, chính sách cụ thể, hợp lý nhằm giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ phát sinh.
Thường xuyên tổ chức các hình thức giao lưu văn hóa các dân tộc ở các khu vực, vùng miền và từng dân tộc. (Ảnh: vinaculto) |
Triển khai thực hiện Đề án số 4685/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2013 về việc “Đưa các chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiêu số (2014-2020)”; Đề án số 4686/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2013 về việc tổ chức định kỳ “Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các DTTS: theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013-2020. Triển khai thực hiện Đề án “bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” (Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án); Xây dựng Đề án “Bảo tồn, giữ gìn tiếng nói và chữ viết của các DTTS Việt Nam”; Triển khai xây dựng trang web văn hóa dân tộc và tổ chức thực hiện Đề án “Tư liệu văn hóa các DTTS Việt Nam”...
Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù cho các nghệ nhân trao truyền các giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc thiểu số cho các lớp kế cận. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hình thức giao lưu văn hóa các dân tộc ở các khu vực, vùng miền và từng dân tộc để tôn vinh, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS, đồng thời có cơ chế khen thưởng mang tính đặc thù để khích lệ, động viên các nghệ nhân có thành tích và có nhiều đóng góp, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lan Phạm