• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công tác văn thư, lưu trữ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn văn hóa, lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc

Thời sự 27/11/2023 20:56

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, chiều 27/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Bảo tồn văn hóa, lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc làm tiền đề để đất nước hòa nhập

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò quan trọng, giá trị vô cùng to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn văn hóa, lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc ta, làm tiền đề hòa nhập vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên thế giới.

Công tác văn thư, lưu trữ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn văn hóa, lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Luật Lưu trữ là nguồn thông tin gốc, phản ánh toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, do đó, cùng với chức năng giữ gìn tài liệu, tư liệu lịch sử quốc gia, hoạt động lưu trữ còn nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong quá trình hoạt động.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu rõ, hiện nay, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ chưa được quan tâm đầy đủ, chưa quyết liệt nên việc tổ chức các nhiệm vụ lưu trữ chưa được quan tâm, kiểm tra giám sát thường xuyên. Trong khi đó pháp luật về lưu trữ chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhưng chưa có chế tài xử lý các sai phạm liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu và của công chức, viên chức.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi xảy ra sai phạm vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ nhằm xử lý kịp thời, đúng kịp thời, tính chất, mức độ hành vi vi phạm, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh, lưu trữ là một trong những vấn đề hệ trọng, chính tài liệu lưu trữ là tài sản quý, được trao truyền giữa các thế hệ, phản ánh một cách chính thống những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, thậm chí phản ánh trình độ phát triển, văn minh của một quốc gia, dân tộc.

Công tác văn thư, lưu trữ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn văn hóa, lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ chính là sự thay đổi phương thức làm việc, chuyển công tác quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ lên môi trường số, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đang có những hạn chế về nhận thức, nhân lực, kinh phí, hạ tầng, khung pháp lý.

Đại biểu cho rằng các quy định của luật phải khắc phục được những bất cập này, cụ thể, cần có các quy định về cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ số, các hoạt động lưu trữ thực hiện trên môi trường điện tử, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động lưu trữ.

Quan tâm đến công tác sử dụng, khai thác và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ

Tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đến quy định về lưu trữ tư, trong đó dự thảo đã dành một Chương riêng về lưu trữ tư, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư để đảm bảo tính khả thi.

Công tác văn thư, lưu trữ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn văn hóa, lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nghĩa vụ và tách bạch giữa quy định quyền và nghĩa vụ trong Điều 46 cho rõ nội hàm hoặc chuyển khoản 1 và khoản 5 tại Điều 6 vào Điều 47 cho phù hợp. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần bổ sung làm rõ quyền sở hữu của tổ chức cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư để quy tụ trí tuệ và di sản giá trị ở khu vực tư nhân trong hệ thống tài liệu lưu trữ chung của địa phương, của quốc gia.

Bên cạnh đó, quy rõ phạm vi quy định trách nhiệm thông báo và thực hiện quyền ưu tiên mua của nhà nước đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở khoản 2 Điều 47 bằng việc bổ sung cụm từ “trong trường hợp tài liệu đó là tài sản thuộc di tích lịch sử văn hóa”; đồng thời đề nghị chỉnh lý tương tự như trên ở khoản 2 Điều 51 của dự thảo luật cho phù hợp.

Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về một số tài liệu lưu trữ của các tổ chức tôn giáo theo hướng lưu trữ lịch sử của nhà nước và nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, bởi một số tài liệu lưu trữ của tổ chức tôn giáo có nội dung, có giá trị đối với công tác nghiên cứu và hoạt động quản lý nhà nước.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển cũng như đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia và từng địa phương.

Công tác văn thư, lưu trữ đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn văn hóa, lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc - Ảnh 4.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Để phát huy tốt vai trò của tài liệu lưu trữ, ngoài việc bảo quản an toàn tài liệu, bảo mật thông tin của tài liệu lưu trữ, cần quan tâm đến công tác sử dụng, khai thác và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Bên cạnh các quy định về tạo lập nguồn tài liệu, dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ; phát huy tốt những giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Khoản 3 khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật xác định nguyên tắc sử dụng rộng rãi, công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở một số quy định liên quan đến việc khai thác tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kết cấu một chương riêng về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ gồm cả tài liệu đã được số hóa./.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ