(Tổ Quốc) - Sáng nay, 12/8, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các Bộ, ngành năm 2023”. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức giữa Cổng TTĐT Chính phủ và các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Bộ, ngành trung ương.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác thông tin và truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Hiện nay cùng với cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động của các Cổng TTĐT, đây là một nội dung quan trọng xây dựng và thực hiện truyền thông số, hướng đến thực hiện Chính phủ số.
Những năm qua, hoạt động của các Cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Cổng TTĐT của các Bộ, ngành có vai trò kết nối, hướng dẫn nghiệp vụ kết hợp thông tin đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ thông tin và truyền thông, truyền thông về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Truyền thông chính sách thời gian qua đã đóng góp hiệu quả vào mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần trong công tác xây dựng Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân; thông tin về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; chất lượng dịch vụ công trực tuyến, kết nối, liên kết với Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng hiệu quả hơn.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022, tạo bước chuyển biến mới với Cổng TTĐT Chính phủ, với Cổng TTĐT của các Bộ, ngành của các địa phương.
Cổng TTĐT các cấp đóng vai trò ngày càng quan trọng
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các phương thức truyền thông hiện nay Cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển, có tính chất riêng có, hấp dẫn thiết yếu và sát sườn với nhu cầu của người dân.
Cổng TTĐT các cấp đã làm tốt chức năng đa dạng hóa các phương thức thông tin, đa nền tảng, nắm bắt được xu hướng thông tin, truyền tải kịp thời đến người dân và doanh nghiệp những quyết sách của Chính phủ.
"Chúng tôi nhận thấy Cổng TTĐT các cấp đóng vai trò ngày càng quan trọng. Cổng TTĐT là phương thức duy nhất làm một lúc hai việc là vừa cung cấp thông tin vừa tương tác với người dân. Nhiều Cổng TTĐT có lượng truy cập ngày càng tăng, có những mục, những chuyên trang vượt lên một số báo điện tử lớn" - Thứ trưởng cho biết.
Chúng ta đang ở thời điểm có thể tạo được bước chuyển biến quan trọng. Cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước có thể giúp các phóng viên báo chí làm việc tốt hơn. Chúng ta đã đưa ra các thông tin nguồn, cách thức truyền tải thông tin vừa nhanh nhạy kịp thời, vừa chính thống. Từ đó, chúng ta có thể biến các Cổng TTĐT thành phương thức giao tiếp mà sau này người dân có thể tìm đến đầu tiên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, thời gian qua, chúng ta nói nhiều về việc hình thành, kết nối mạng lưới truyền thông chính sách trong cả nước. Cổng TTĐT Chính phủ là cơ quan dẫn dắt việc này, đã có sáng kiến và kế hoạch để kết nối các Cổng TTĐT của các Bộ, ngành địa phương. Bên cạnh chủ trương và quyết tâm chính trị rất đúng đắn này chúng ra phải chuẩn bị điều kiện kỹ thuật và giao thức để thực hiện.
"Dưới góc độ là Bộ quản lý ngành về TT&TT, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực nội tại của các cán bộ Cổng, truyền cho nhau tinh thần, sứ mệnh mà chúng ta đang đảm nhận. Chúng ta đang vận hành một phương thức giao tiếp riêng có, độc đáo, sát sườn, thiết thực với người dân" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Các trang/cổng TTĐT từ trung ương cho đến các Bộ, ngành, địa phương hoạt động tương đối độc lập
Phát biểu tham luận, Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng nêu thực trạng hiện nay đó là các trang/cổng TTĐT từ trung ương cho đến các Bộ, ngành, địa phương hoạt động tương đối độc lập, ít có trao đổi chuyên môn nghiệp vụ theo cả chiều ngang (giữa các trang/cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương) và chiều dọc (từ Cổng TTĐT Chính phủ tới các trang/cổng TTĐT cấp cơ sở phường/xã).
Điều này đã tạo một khoảng trống trong công tác truyền thông của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương; chưa tạo được hiệu ứng truyền thông quy mô một tỉnh cũng như cả nước.
Cổng TTĐT không chỉ có chức năng truyền thông, mà còn có nhiều chức năng, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác trong lộ trình Chuyển đổi số của quốc gia. Do đó, trang/cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương cần phải xác định lộ trình, xác lập vị trí của mình trong quá trình Chuyển đổi số của đất nước, từ đó để có những điều chỉnh trong tổ chức bộ máy, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ một cách phù hợp.
"Trong thời đại mà thông tin, dữ liệu được ví như "dầu mỏ", nhằm phát huy hiệu quả giá trị của thông tin, dữ liệu cũng như các kinh nghiệm quý trong hoạt động của trang/cổng TTĐT các cấp, hội nghị hôm nay là sự khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của các trang/cổng TTĐT của cơ qua nhà nước" - Đại tá Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Tham luận tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ LĐTB&XH đề nghị Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thống nhất đơn vị quản lý, vận hành Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương vì chỉ tính riêng 18 Bộ của Chính phủ thì việc phân quyền quản lý, vận hành các Cổng TTĐT đã có sự khác biệt. Cùng với đó, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về nguồn lực, kinh phí quản lý, vận hành Cổng TTĐT các Bộ, trong đo có kinh phí tạo lập thông tin và chi trả nhuận bút...
Cổng TTĐT tiềm năng rất lớn trong việc truyền thông chính sách, cung cấp thông tin nguồn
Trả lời, làm rõ các vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tiềm năng rất lớn của Cổng TTĐT trong việc truyền thông chính sách, cung cấp thông tin nguồn.
Chúng ta nhìn vào tình hình của các Bộ, ngành khác nhau, có thể thấy một số Cổng TTĐT hình thành từ công nghệ là chủ yếu, có đơn vị lại hình thành từ truyền thông. Để giải quyết câu chuyện này, chúng ta cần "đi hai chân", như thế mới có nguồn lực.
Cũng theo Thứ trưởng, về cơ chế, vướng nhất là con người và kinh phí. Về con người, Chỉ thị 07 về chế độ chính sách của Thủ tướng khi giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành thì có 1 mục giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ TTTT xây dựng vị trí việc làm cho công tác truyền thông chính sách.
Từ vị trí này, sau đó mới tính toán biên chế và việc này chúng tôi đã đưa vào kế hoạch để làm và xây dựng được vị trí việc làm. Nếu không có vị trí việc làm thì chúng ta cũng không tuyển được người. Về vấn đề kinh phí, nhuận bút, Thông tư về định mức chỉ áp dụng cho báo chí và đang trong quá trình sửa đổi.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng, qua thảo luận thấy rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế thời gian tới cần khắc phục sớm nhất, đặc biệt các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành.
Vì vậy, ông Trần Văn Sơn đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ tập hợp kiến nghị, đề xuất, những tham luận của các Bộ, ngành, từ đó tổng hợp lại thành từng nhóm vấn đề để kiến nghị các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp giải quyết vấn đề kịp thời và nhanh nhất./.