• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công ước 2005 – Động lực thúc đẩy sáng tạo và phát triển văn hóa

25/05/2018 07:24

(Cinet)- Từ khi chính thức có hiệu lực, Công ước 2005 trở thành cảm hứng và cơ sở pháp lý để ban hành quy định pháp luật, chính sách để bảo vệ và phát huy sự Đa dạng trong biểu thị văn hóa.

(Cinet)- Từ khi chính thức có hiệu lực, Công ước 2005 trở thành cảm hứng và cơ sở pháp lý để ban hành quy định pháp luật, chính sách nhằm bảo vệ và phát huy sự Đa dạng trong biểu thị văn hóa.

 Nội dung chính Công ước 2005

Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, sự bùng nổ của internet, các phương tiện truyền thông... là điều kiện thuận lợi diễn ra quá trình toàn cầu hóa. Bên cạnh cơ hội quảng bá bản sắc văn hóa của các dân tộc, toàn cầu hóa đem đến tác động tiêu cực đối với những giá trị truyền thống cũng như làm gia tăng tính ngoại lai trong hoạt động và dịch vụ văn hóa. Trong bối cảnh đó, soạn thảo một Công ước mới trong khuôn khổ UNESCO về đa dạng văn hóa là một yêu cầu cần thiết. Ngày 20 - 10 - 2005, Đại hội đồng UNESCO đã bỏ phiếu thông qua Công ước với tỷ lệ áp đảo. Sau 2 năm, Công ước chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 18 - 3 - 2007.

Đại hội đồng UNESCO đã bỏ phiếu thông qua Công ước 2005 với tỷ lệ áp đảo. Ảnh: en.unesco.org

Công ước 2005 mở rộng đối tượng về hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Đó không chỉ các sản phẩm nghe nhìn như điện ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình, băng đĩa, mà gồm cả sách báo, tạp chí, trò chơi điện tử, sân khấu, thời trang, festival...

Công ước đặt vấn đề chủ quyền văn hóa cho các quốc gia. Cụ thể, các quốc gia được ban hành và thực hiện các chính sách và biện pháp trên lãnh thổ của mình để tạo cơ hội cho các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa trong nước xác lập được vị thế trên thị trường, có cơ hội tiếp cận hiệu quả với các phương tiện sản xuất, phân phối, được hỗ trợ tài chính công, các biện pháp hỗ trợ các thiết chế cung cấp dịch vụ công, dịch vụ phát sóng công cộng...

Công ước cũng cho phép các quốc gia có quyền quyết định tình trạng đặc biệt khi các biểu đạt văn hóa trên lãnh thổ nước mình bị đặt trước nguy cơ diệt vong, hoặc bị đe dọa nghiêm trọng, yêu cầu phải bảo vệ khẩn cấp, thì có thể thực hiện tất cả các biện pháp phù hợp để bảo vệ.

Ngoài ra, Công ước cũng đặt mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua một loạt điều khoản về hợp tác phát triển, đối xử ưu đãi và cả việc hỗ trợ các dự án cụ thể với việc thiết lập quỹ Quốc tế về đa dạng văn hóa.

Đặc biệt, tại Điều 20, Công ước quy định “khi tham gia vào các nghĩa vụ quốc tế khác, các bên phải cân nhắc những điều khoản phù hợp của Công ước này”. Điều này được kỳ vọng tạo thế cho những quốc gia liên quan trong các cuộc đàm phán theo cơ chế GATS nhằm bảo vệ các nhà sản xuất văn hóa trong nước hoặc các hiệp định tự do thương mại trong tương lai.

Công ước 2005 – căn cứ thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển văn hóa

Công ước 2005 được soạn thảo và đưa vào thực thi với mục đích bảo vệ và phát huy sự Đa dạng trong các Biểu đạt văn hóa khi quy mô toàn cầu hóa ngày càng mở rộng. Trong bối cảnh đó, thay vì tồn tại và duy trì một cách tự nhiên, hay có thể bị tác động bởi các lĩnh vực khác thì các hoạt động văn hóa, hàng hóa văn hóa… cần có những căn cứ pháp lý để được bảo vệ và phát triển.

Công ước 2005 như một khung pháp lý để xây dựng các chính sách thúc đẩy quyền tự do sáng tạo.

Sau hơn 10 năm Công ước 2005 chính thức thi hành, Báo cáo Toàn cầu 2018 được thực hiện có giá trị như tài liệu đánh giá toàn cầu và giám sát tình trạng các quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa. Báo cáo đã ghi nhận, trong nhiều quốc gia, Công ước 2005 truyền cảm hứng, cung cấp pháp lý cho việc xây dựng pháp luật và chính sách văn hóa và thay đổi các chính sách để thích nghi trong giai đoạn mới. Quá trình thực thi Công ước bước đầu tạo ra những tác động đến việc hợp tác quản lý và việc xây dựng chính sách dựa trên nhiều bên liên quan, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo và văn hóa giáo dục.

Theo ngài Deeyah Khan, Đại sứ thiện chí của UNESCO “Công ước 2005 như một khung pháp lý để xây dựng các chính sách thúc đẩy quyền tự do nghệ thuật, để nuôi dưỡng bảo vệ và đấu tranh cho sự sáng tạo, điều khiến chúng ta là con người” Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa là chìa khóa để chống lại các định kiến, rào cản ngôn ngữ và đưa cộng động đến gần nhau hơn.

Chính vì thế, công ước 2005 nhiều lần được vận dụng trong các diễn đàn quốc tế. Trong đó, ít nhất 8 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực từ năm 2015 đến 2017 đã đề cập đến những điều khoản về văn hóa hoặc danh sách cam kết nhằm thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc Công ước 2005. Hay một số bên của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương đã thành công trong việc giới thiệu điều khoản bảo lưu văn hóa quan trọng nhằm bảo vệ và phát huy sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa… Những điều đó cho thấy, sự phát triển văn hóa đang dần trở thành vấn đề được quan tâm của toàn nhân loại.

Việt Nam với việc thực thi Công ước 2005

Việt Nam là một trong những nước nỗ lực tham vào quá trình soạn thảo và sớm phê chuẩn Công ước. Đặc biệt, sau khi phê chuẩn công ước, Việt Nam trúng cử và đảm nhiệm thành công vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước UNESCO nhiệm kỳ (2011-2015). Việt Nam cũng được đánh giá là thành viên có trách nhiệm của UNESCO và có đóng góp thiết thực trong công việc của tổ chức.

Festival Huế  tăng cường hợp tác quốc tế.

Nhiều chính sách Văn hóa Việt Nam được xây dựng dựa trên Công ước 2005. Trong 4 năm qua, nhiều chính sách văn hóa được Đảng, Nhà nước phê duyệt có sự gần gũi với các nội dung của công ước 2005. Đặc biệt quan trọng là sự ra đời của Nghị quyết 33/NQ-TW về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ngày 9/6/2014. Trong Nghị quyết có nhiều vấn đề nhưng có vấn đề rất gần gũi với công ước 2005 đó là nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Nghị quyết 33 đã mở đường cho nhiều chính sách văn hóa như: Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam; Các đề án xây dựng đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật; Đề án tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Chiến lược phát triển điện ảnh; Quy hoạch phát triển mỹ thuật; Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn…

Với những giá trị văn hóa truyền thống sẵn có và tinh thần sẵn sàng hội nhập tiếp thu giá trị tinh hoa nhân loại, Công ước 2005 là tiền đề vững chắc để bảo vệ và phát triển các sản phẩm văn hóa của Việt Nam. Tuy vậy, để những chính sách được phát huy hiệu quả, Công ước 2005 không chỉ là mối quan tâm của lãnh đạo đầu ngành mà còn cần phổ biến rộng rãi và đi vào đời sống của toàn thể người dân Việt. Những điều đặt ra trong Công ước không còn là những quy định, cơ sở pháp lý mà còn gần gũi với trách nhiệm của mỗi người với tâm huyết và tài năng sáng tạo giá trị nghệ thuật chân chính, với những giá trị văn hóa tốt đẹp truyền thống lâu đời.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sáng tạo – văn hóa bên cạnh là tài sản, giá trị đại diện của mỗi quốc gia, còn là những giá trị mang tầm vóc nhân loại. Công ước 2005 ra đời và trở thành bệ phóng để thúc đẩy sáng tạo và phát triển văn hóa. Những điều khoản đặt ra trong Công ước gần gũi với chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Phương Hòa

NỔI BẬT TRANG CHỦ