(Tổ Quốc) - "Có tác động tài chính, tác động xã hội, tác động lên hệ thống y tế, lên chuỗi cung ứng. Tất cả mọi thứ đều bị ảnh hưởng", Sumit Agarwal, giáo sư ĐH Quốc gia Singapore nhận định. "Mọi người sẽ phải suy nghĩ lại về các tuyến thương mại mới, năng lực sản xuất mới… phải suy nghĩ lại về khái niệm biên giới".
Từ căn hộ ở Manila, Eric Go vẫn có thể nhìn thấy những chiếc máy bay bay ngang qua cửa sổ. Giống như nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu khác ở Đông Nam Á, Go - người lớn lên ở Mỹ và làm việc cho 1 công ty thương mại điện tử, đã quá quen thuộc với dịch vụ đi chung xe, vé máy bay giá rẻ và những chuyến bay thẳng giúp anh quay về New York thăm gia đình.
"Gần như chẳng có vấn đề gì. Tôi lên máy bay và đến bất cứ nơi nào tôi muốn. Đó chính là tự do theo cách định nghĩa của tôi", anh nói. "Kiểu như, ở Manila đang bất ổn, hay thời tiết quá nóng, thế thì tôi sẽ đến nơi khác để sống. Nhưng giờ thì tôi không thể làm thế".
Kể từ khi đại dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn từ giữa tháng 3, Go đã cố gắng quay trở lại với bố mẹ ở Mỹ nhưng không thành. Vì còn rất ít chuyến bay, giá vé rất đắt và cũng có nguy cơ cao bị kẹt lãi mãi mãi ở một nơi xa lạ khi transit. Trên khắp thế giới, nhiều nước đã đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh đến nay đã khiến hơn 60.000 người thiệt mạng.
Ở châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Việt Nam, New Zealand và Australia đều đã cấm người nước ngoài nhập cảnh. Một số nơi khác, trong đó có Nhật Bản, ngừng chế độ miễn thị thực và áp dụng cách ly nghiêm ngặt đối với hầu hết người nhập cảnh. Nhiều thành phố bị phong tỏa với những đường phố vắng tanh, các cơ sở kinh doanh đều đóng cửa.
Những biện pháp được áp dụng đột ngột là cú sốc đối với những ai đã quá quen với toàn cầu hóa. Trong khi bố mẹ Go có thể vẫn nhớ hình ảnh Manila chưa phát triển cách đây mấy chục năm, anh chưa bao giờ trải qua sự thiếu chắc chắn ở mức độ lớn đến vậy.
Kể cả cách đây 1 tháng cũng ít ai có thể tưởng tượng ra tình cảnh hiện nay. Công sở phải họp hành qua các phần mềm như Zoom và Google Hangout, trong hòm thư điện thử tràn ngập các mail thông báo hủy các buổi hội thảo, diễn đàn, họp báo...
1/3 dân số thế giới đang thực hiện lệnh phong tỏa hoặc các biện pháp cách ly xã hội khiến họ phải ở trong nhà, không tụ tập. Các công ty phải chia nhân viên thành từng nhóm nhỏ làm việc theo ca, trường học đóng cửa, gia đình phân tán. Lễ cưới, lễ tốt nghiệp, lễ đoàn tụ bị hoãn vô thời hạn. Các sự kiện thể thao, từ giải đấu ở trường đến Thế vận hội Olympic Tokyo đều tạm hoãn. Nhiều người mất việc. Các cửa hàng đóng cửa, thậm chí có thể chẳng bao giờ mở cửa nữa vì tình hình kinh doanh quá khó khăn. Sau khi cuộc khủng hoảng y tế này qua đi, tác động của nó còn lâu mới kết thúc, nếu không muốn nói là sẽ tồn tại mãi mãi.
"Có tác động tài chính, tác động xã hội, tác động lên hệ thống y tế, lên chuỗi cung ứng. Tất cả mọi thứ đều bị ảnh hưởng", Sumit Agarwal, giáo sư ĐH Quốc gia Singapore nhận định. "Mọi người sẽ phải suy nghĩ lại về các tuyến thương mại mới, năng lực sản xuất mới… phải suy nghĩ lại về khái niệm biên giới".
Phong tỏa
Ngày 17/3, Heritage Foundation, 1 think tank của Mỹ, nhận định Singapore là "nền kinh tế tự do nhất" thế giới. Chưa đầy 1 tuần sau đó, đảo quốc này đóng cửa biên giới. Causeway, cây cầu nối Singapore với Malaysia, đóng cửa hoàn toàn dù mỗi ngày có tới 400.000 qua lại. Thậm chí sân bay nhộn nhịp nhất châu Á - Changi - cấm người nước ngoài quá cảnh. Singapore Airlines cắt giảm 96% công suất.
Sinh viên David Tan là hành khách trên một trong những chuyến bay cuối cùng rời khỏi Mỹ. Anh phải trả 1.000 USD để bay từ New Mexico về Singapore. "Nếu tôi ở lại thì vẫn an toàn nhưng càng ở lại lâu thì càng khó về", Tan nói. "Bạn phải ra quyết định trong thời gian rất ngắn, không có thời gian để lên kế hoạch. Đây là quãng thời gian rất, rất căng thẳng".
Chuyến bay đó có rất nhiều nhân viên của hãng được yêu cầu phải quay trở lại Singapore, và những người gốc Singapore ở Mỹ tính toán rằng họ muốn ở bên cạnh người thân, đồng thời chi phí y tế ở quê nhà cũng rẻ hơn. Tính như vậy thì tấm vé máy bay 1.000 USD vẫn là rẻ.
Trên khắp thế giới, không ít người phải có những tính toán tương tự. Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của Heritage Foundation nhưng Hồng Kông cũng đóng cửa biên giới từ ngày 25/3.
Điều hành một vài nhà hàng và quán bar ở Hồng Kông, những chuyến đi nghiên cứu thị trường mà Shakib Pasha dự định sẽ thực hiện đã bị hoãn lại. Anh dự định mở 1 nhà hàng ở Singapore trong quý I nhưng rõ ràng kế hoạch này không thành. Còn ngay tại Hồng Kông, anh phải cắt bớt nhiều hoạt động vì lo sợ dịch bệnh.
Nếu như sức mạnh của những nền kinh tế như Singapore và Hồng Kông là sự cởi mở thì Đài Loan, Bangladesh và Việt Nam phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và Thái Lan dựa vào ngành du lịch. Tất cả những thế mạnh đó bị mai một trước các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc các nước đưa ra chính sách đột ngột và thiếu đồng bộ khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Việc chuỗi cung ứng sụp đổ - dù chỉ tạm thời - có tác động khổng lồ lên thị trường lao động. ILO đã cảnh báo 25 triệu việc làm bị đe dọa bởi dịch bệnh. Myanmar cho biết 27 nhà máy dệt may ở nước này đã phải đóng cửa.
Lao động nhập cư - nhóm mà ILO ước tính là có hơn 33 triệu người ở khu vực châu Á Thái Bình Dương - bị ảnh hưởng nặng nhất. Dòng kiều hối mà những người này gửi về quê nhà đóng góp một phần không nhỏ cho GDP. Ví dụ hàng năm Philippines nhận tới hơn 34 tỷ USD kiều hối.
Hàng chục nghìn lao động từ Myanmar, Campuchia và Lào đã tới Thái Lan. Việc Singapore đóng cửa biên giới với Malaysia khiến hàng chục nghìn người mất việc. Các ngành sản xuất và dịch vụ sử dụng lao động giá rẻ của Singapore chủ yếu do người Malaysia đảm nhiệm.
Không chỉ có vậy, cuộc khủng hoảng này còn ảnh hưởng đến cả nhóm các lao động tay nghề cao, và làm xói mòn vị thế của Singapore và Hồng Kông, những nền kinh tế đóng vai trò trung tâm tài chính, du lịch của khu vực.
Không thể quay trở lại
Không giống như khủng hoảng tài chính 2008-09, cuộc khủng hoảng này thực sự ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đến cách tổ chức của xã hội, đến chính trị. Chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại được như xuất phát điểm, bởi mọi thứ đều đang thay đổi từ căn bản.
Về mặt xã hội, đoàn kết và lòng từ bi là thứ được nêu cao nhưng sự lo sợ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thái độ đổ lỗi cũng là những thứ đang dần xuất hiện. Đáng lo ngại hơn là việc thiếu hụt lòng tin giữa các nước, thứ vốn đã bị xói mòn bởi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy trong mấy năm gần đây.
"Chúng ta không chỉ cần 1 giải pháp y khoa tầm cỡ quốc tế mà cần cả những chính sách kinh tế tầm cỡ quốc tế. Đây giống như 1 cuộc chiến hơn là 1 cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng ta có thể chặn đứng đại dịch, giống như cách chúng ta đã chống lại khủng hoảng tài chính, chiến đấu với biến đổi khí hậu. Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó nhưng có làm hay không lại là 1 lựa chọn mang tính chính trị", Ian Goldin, giáo sư ĐH Oxford nhận định.