(Tổ Quốc) - Sự yên ắng của khu Nghĩa Ô phản ánh bức tranh lớn hơn của nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Trung tâm thương mại Quốc tế Nghĩa Ô ở Chiết Giang là showroom của công xưởng đó. Sự yên ắng của khu Nghĩa Ô phản ánh bức tranh lớn hơn của nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ đã quyết định một phần của đất nước có thể quay trở lại sản xuất trong bối cảnh bệnh dịch nhưng điều này là không đơn giản.
Khu phức hợp Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang có thể được ví như khu chợ bán buôn lớn nhất thế giới, có diện tích tương đương 770 sân bóng đá, với các quầy hàng bán tất cả mọi thứ từ ví da đến bộ giảm âm xe máy. Ngày 24/2, khu phức hợp này mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những vũ công múa điệu múa lân rồng chào mừng khai trương trở lại, hy vọng mang lại may mắn cho hơn 200.000 người thường xuyên buôn bán ở đây.
Nhưng thời điểm mở cửa trở lại không bình thường. Nó bị lùi 2 tuần vì dịch COVID-19, những người theo dõi màn múa lân cũng thưa thớt hơn và như nhiều nơi khác, họ đeo khẩu trang bảo vệ.
Cựa mình giữa khó khăn
Lễ khai trương kết thúc, việc kinh doanh bắt đầu. Tất cả mọi người đi vào khu chợ đều phải trải qua kiểm tra sức khỏe và được yêu cầu không nói chuyện trong giờ ăn trưa để giảm nguy cơ lây nhiễm virus.
Sự yên ắng của khu Nghĩa Ô phản ánh bức tranh lớn hơn của nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ đã quyết định một phần của đất nước có thể quay trở lại làm việc trong bối cảnh bệnh dịch. Điều này là không đơn giản. Hơn 100 triệu công nhân nhập cư, những lao động chính của nền kinh tế Trung Quốc, vẫn ở lại quê nhà và chưa thể để họ ồ ạt trở lại nhà máy và cửa hàng cần đến họ.
Các doanh nghiệp ở Nghĩa Ô đã thuê hàng chục chuyến xe và tàu riêng để đưa đón công nhân trên khắp cả nước. Họ cũng muốn thu hút người mua trên khắp thế giới khi đồng ý trang trải toàn bộ chi phí vé máy bay và chỗ ở cho những thương nhân này nếu họ đến trước ngày 29/2.
Khu chợ nhờ thế mà dần dần đông đúc hơn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm khách hàng mới để lấp đầy những đơn hàng vẫn là thách thức rất lớn với các doanh nhân.
Wang Meixiao là nhà bán buôn trang sức bằng nhựa, trên tường của cửa hàng của ông treo đầy dây chuyền đủ mọi kích cỡ và màu sắc. Tuy nhiên, nhà máy của công ty cô ở Nghĩa Ô và Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, ở cách đó 1.750 km, vẫn chưa có đủ công nhân để hoạt động.
Nhiều người vẫn chưa sẵn sàng từ quê lên vì sợ nhiễm virus và không muốn vượt quãng đường dài để rồi bị cách ly 14 ngày khi đến nơi. "Tôi nói với các khách hàng rằng họ hãy đợi vài tuần nữa, nhưng không ai dám chắc", Wang nói.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các nhà kinh tế và nhà đầu tư đã cố gắng theo dõi những diễn biến dịch tễ học, phân tích các vấn đề về thời gian ủ bệnh và nguy cơ lây lan dù không có triệu chứng. Gần đây, họ đã chuyển sự chú ý sang lĩnh vực quen thuộc hơn, theo dõi tình trạng của nền kinh tế. Để đánh giá khả năng sản xuất trở lại, họ kiểm tra hàng loạt các số liệu hàng ngày bao gồm lượng tiêu thụ than, tắc nghẽn giao thông và giao dịch bất động sản. Mội thứ có vẻ đang đi lên (như biểu đồ), tuy nhiên, vẫn còn xa mới đến mức độ của một nền kinh tế khỏe mạnh.
Biểu đồ thể hiện lượng tiêu thụ than (trái), tình hình giao thông (giữa) và giao dịch trên thị trường bất động sản (phải) trước và sau Tết. Đồ họa: The Economist
Một thước đo khác cũng có chiều hướng đi lên nhưng không nên quá lạc quan như vậy.Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 10% sau khi virus corona lan mạnh hồi cuối tháng 1 và đi ngang kể từ đó. Những ngày gần đây chỉ số có chiều hướng đi lên trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm vì lo ngại các ca bệnh mới ở Hàn Quốc, Italy và Iran.
Việc chỉ số của Trung Quốc tăng điểm xuất phát từ niềm tin rằng chính phủ nước này sẽ sớm có tác động để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Trung Quốc mới chỉ có một hành động hỗ trợ là ngân hàng nhà nước gia hạn các khoản nợ, bộ Tài chính cắt giảm thuế tạm thời và các chủ đất, dưới sự quản lý của nhà nước, được cắt giảm tiền thuê.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sau phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 23/2 trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức trong cả nước. Với những vùng mà virus không còn là đe dọa nghiêm trọng, đã đến lúc để khôi phục sản xuất, ông nói, và nhấn mạnh rằng vẫn muốn Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, tức ít nhất tăng trưởng 5,5%. Con số này khó lòng đạt được nếu việc gián đoạn sản xuất kéo dài đến hết tháng 3.
Vì vậy, cùng với việc báo cáo số ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày, các quan chức hiện nay cũng báo cáo số doanh nghiệp hoạt động trở lại trên địa bàn. Tỉnh Chiết Giang, nơi có những nhà máy lớn nhất Trung Quốc và khu Nghĩa Ô, dẫn đầu cả nước với 90% số nhà máy công nghiệp lớn đã hoạt động. Dù vậy, những nhà máy này vẫn hoạt động với công suất thấp.
Chỉ cần một công nhân nhiễm virus, toàn bộ nhà máy phải dừng hoạt động
Jason Wang, quản lý của một công ty may mặc áo khoác mùa đông tại Nghĩa Ô. Nhà máy của ông đã hoạt động trở lại nhưng chỉ với một nửa số công nhân. "Chính phủ, doanh nghiệp, công nhân, tất cả mọi người đã cố gắng khởi động lại. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, chúng tôi phải kiếm sống", ông nói.
Giống như quản lý nhà máy trên khắp đất nước, ông Vương giữ thái đội thận trọng. Công nhân được đo thân nhiệt nhiều lần trong ngày và được yêu cầu giữ khoảng cách trong căng tin. Bên trong nhà máy, họ phải đeo khẩu trang. Một ngành nghề hoạt động hết công suất trong những ngày này ở Trung Quốc là sản xuất khẩu trang, khi mọi người đi làm và sử dụng xe buýt đều phải đeo khẩu trang để phòng dịch.
Tuy nhiên, áp ực vẫn là rất lớn. Chính quyền nói với các công ty rằng, nếu chỉ một công nhân bị nhiễm virus, toàn bộ nhà máy sẽ phải đóng cửa.
Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, trường hợp khả quan nhất mà nhiều nhà phân tích dự đoán thời điểm các nhà máy của Trung Quốc trở lại hoạt động hết công suất ít nhất phải đến cuối tháng 3.
Các nhà kinh tế ở những ngân hàng lớn cho rằng rằng sự khôi phục này cũng chỉ cho phép tăng trưởng trong quý I đạt mức 4% so với quý I năm 2019. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1992, nhưng thậm chí nhiều người vẫn còn nghi hoặc tính chính xác của các số liệu được công bố.
Việc cân bằng rủi ro cũng đã thay đổi khi virus tiếp tục lan ra các quốc gia khác. Khi Trung Quốc vừa nỗ lực khôi phục hoạt động trong nước thì lại phải đối mặt với việc các thị trường của họ trên thế giới phải đóng cửa biên giới, cấm xâm nhập từ nước ngoài.
Ngay cả khi các nước thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Nghĩa Ô đã chứng minh tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế của nó.
Agnes Taiwo, nữ doanh nhân đến từ Lagos, Nigeria, đến Trung Quốc khi nước này bắt đầu các biện pháp kiểm dịch. Cô đã đặt hy vọng vào một lô hàng lớn giày trẻ em và dự định về nước vào đầu tháng 2. Nhưng gần 1 tháng sau, đơn hàng của cô vẫn chưa thể hoàn thành.
Việc trở về của cô cũng phức tạp khi EgyptAir, hãng hàng không đưa cô đến Trung Quốc, đã hủy toàn bộ chuyến bay đến nước này. "Sự việc cực kỳ nghiêm trọng", cô nói. Đây cũng là điều ngày càng nhiều người trên khắp thế giới bắt đầu chia sẻ.
Tham khảo The Economist