(Tổ Quốc) - "Quá tải du lịch" từng là một từ khóa nóng trong năm 2019 khi các điểm đến nổi tiếng trên toàn cầu phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ tình trạng có quá nhiều khách du lịch.
Tuy nhiên đại dịch COVID-19 bùng phát đã dẫn tới các lệnh cấm di chuyển, cách ly thậm chí là phong tỏa cấp độ quốc gia. Hầu hết người dân phải ngồi nhà khiến nhiều danh thắng – vốn luôn chật kín du khách giờ đây lại rơi vào thế "đìu hiu".
Liệu "quá tải du lịch" sẽ vĩnh viễn chấm dứt? CNN đã trò chuyện với người dân địa phương và quan chức của một số điểm du lịch hàng đầu thế giới để tìm xem những thay đổi nào đã, đang và sẽ diễn ra.
Barcelona, Tây Ban Nha
Với lợi thế bờ biển và những công trình kiến trúc do Gaudi thiết kế, Barcelona là một điểm đến ưa thích của du khách quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng quá tải du lịch cũng trở thành một vấn đề khiến người dân và chính quyền phải "đau đầu". Trước đại dịch, thành phố đã triển khai một loạt các biện pháp để đối phó với quá tải du lịch như hạn chế số cơ sở cư trú, áp dụng thuế du lịch, khuyến khích du khách tham quan một số địa điểm lân cận nhằm giảm tải cho khu phố cổ…
Sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong làn sóng COVID-19 thứ nhất chấm dứt, Barcelona cũng không có nhiều cơ hội khôi phục du lịch do Tây Ban Nha vẫn nằm trong danh sách cách li của các nước khác. Hồi tháng Chín, số lượng du khách quốc tế tới thành phố giảm 77%.
Tuy nhiên, theo ông Xavier Marce, cố vấn về du lịch và các ngành sáng tạo của Hội đồng TP Barcelona, thành phố sẽ "vẫn duy trì quyết tâm" thực thi chiến lược quản lý du lịch và sẽ không thay đổi cách đối phó với vấn nạn cung cấp nơi cư trú trái phép hoặc hành vi không phù hợp của khách du lịch. Ông cho rằng, trong tương lai hồi phục du lịch sẽ không phải là một vấn đề lớn đối với Barcelona, nhưng nhiệm vụ quan trọng là phải tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Machu Picchu, Peru
Thành phố cổ của người Inca luôn nằm trong danh sách phải đến của nhiều du khách. Tuy nhiên, phần lớn năm 2020, danh thẳng nổi tiếng nhất Peru đều phải đóng cửa sau lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu vào ngày 15/3. Kế hoạch tái mở cửa được lùi từ mùa hè sang tận đầu tháng 11 do số lượng ca nhiễm COVID-19 tại Peru tiếp tục tăng.
Tổng giám đốc phụ trách khu vực Nam Mỹ của công ty G Adventure, Sarah Miginiac cho hay, các nhà điều hành du lịch đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa và Bộ Môi trường Peru để thiết lập các thủ tục mới, nhằm đảm bảo an toàn cho khách tham quan Machu Picchu trong mùa dịch, đồng thời cũng kiểm soát được số lượng khách.
Tháng 1/2019, một chính sách vé nghiêm ngặt đã được áp dụng tại Machu Picchu. Du khách phải đặt trước vé với mỗi vé có thời hạn tối đa là 4 tiếng, và mỗi ngày chỉ có 5.000 vé được phát ra.
Khi Machu Picchu mở cửa lại, con số thậm chí sẽ còn giảm hơn nữa. "Theo quy định mới, chỉ có 75 người được phép vào Machu Picchu cùng lúc", Miginiac nói. "Quy mô tối đa một nhóm khác là 7 người kèm một hướng dẫn viên – như vậy, số du khách tham quan giảm từ 5.000 xuống còn 675 người mỗi ngày".
Đảm bảo cho du khách quay trở lại Machu Picchu theo một cách bền vững hơn cũng là một mục tiêu chủ chốt. Việc giới hạn số khách/ngày còn là một cơ hội để quảng bá những danh thắng khác ít nổi tiếng hơn tại Peru.
Venice, Italy
Nhắc tới "quá tải du lịch", Venice có lẽ là một trong những địa điểm đứng đầu danh sách. Trong những năm gần đây, nhiều quy định mới đã được thiết lập để đối phó với tình trạng khách du lịch không ngừng gia tăng như cấm mở mới các khách sạn, trung tâm ăn uống. Nếu không có COVID-19, từ tháng 7/2020, những du khách chỉ ở Venice trong ngày sẽ phải trả mức phí mới khá cao nếu đến thành phố vào một số ngày nhất định. Tuy nhiên, kế hoạch này tạm thời chưa được triển khai.
Trước dịch bệnh, mỗi ngày có khoảng 32.000 khách ghé Venice từ các du thuyền và nhiều nhà vận động coi đó là một trong những tác động tiêu cực lớn nhất tới thành phố.
Miền bắc Italy là một trong những khu vực đầu tiên của châu Âu bùng phát COVID-19. Venice bị phong tỏa và bắt đầu những ngày hầu như không có du khách. Theo bà Jane da Mosto, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của We Are Here Venice – một tổ chức phi lợi nhuận kêu gọi tìm lại Venice cho người địa phương, sự vắng vẻ bất thường đồng nghĩa với "vẻ đẹp của thành phố, kiến trúc, biển cả và tầm nhìn đều trở nên rõ rệt hơn". "Tuy nhiên, điều đó phải trả một giá đắt – rất nhiều người mất việc, các cửa hàng không bán được nhiều và ngành văn hóa bị ảnh hưởng nặng nề", bà Jane cho hay.
Giới chuyên gia: Du lịch sẽ hồi phục
Nhiều địa điểm khác trên thế giới – từ các thành phố cổ như Amsterdam và Prague cho tới các danh thắng như Vịnh Maya của Thái Lan và các bãi biển của Bali (Indonesia)… - đều phải hứng chịu những hậu quả nặng của việc "quá tải du lịch". Giờ đây, cũng chính họ lại đang rơi vào tình trạng không có du khách.
COVID-19 không phải là điều có thể dễ dự đoán trước. Ông Tony Johnston, người đứng đầu bộ phận du lịch tại Viện Công nghệ Althone, Ireland nhận xét, hoạch định cho tương lai đang trở nên khó khăn.
"Ngành du lịch trong truyền thống thường dựa vào các mô hình tăng trưởng ổn định và có thể dự đoán được. Nhưng điều này đã hoàn toàn biến mất", ông Johnston nói với CNN. "Không ai biết được tương lai 6 tháng, 12 tháng tới thậm chí là lâu hơn nữa sẽ ra sao. Vì vậy rất khó cho các nhà hoạch định chính sách và phía thương mại của ngành đưa ra kế hoạch cụ thể" để có thể nhanh chóng thu hút khách du lịch trở lại, đồng thời tránh một lần nữa bị rơi vào tình trạng "quá tải" như trước đây.
"Danh sách những điểm đến mong muốn sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy hồi phục du lịch. Chắc chắn khi có cơ hội mọi người sẽ muốn hiện thực hóa danh sách đó ngay lập tức", ông Johnston dự đoán. "Ngành du lịch rất dễ thay đổi nhưng cũng có khả năng phục hồi và thích nghi cao".