(Tổ Quốc) - Với CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế mà ngay cả trên sân nhà.
- 19.07.2018 Bộ Ngoại giao tiết lộ tiến độ thông qua CPTPP
- 13.03.2018 Việt Nam - New Zealand nhất trí phối hợp triển khai CPTPP
- 09.03.2018 Ký CPTPP, nhiều mặt hàng thuế về 0%
- 09.03.2018 Lộ trình đi đến ký kết hiệp định CPTPP tại Chile
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM): "Chúng ta sẽ gặp thách thức trong chăn nuôi, trồng trọt..."
Sáng nay (2/11), theo chương trình làm việc của Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh CPTPP.
Quốc hội sẽ dành thời gian để các đại biểu thảo luận ở tổ về việc phê chuẩn Hiệp định này. Đến ngày 5/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về thông qua CPTPP.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đã trao đổi sâu về Hiệp định CPTPP – một Hiệp định có ý nghĩa quan trọng với đất nước:
-Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến và sớm phê chuẩn việc chúng ta gia nhập Hiệp định CPTPP. Đến nay đã có 6 quốc gia phê chuẩn hiệp định này. Theo ông, CPTPP mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế của chúng ta?
+Như chúng ta biết cách đây 2 năm các nước đã ký kết với nhau hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương 12 quốc gia. Nhưng sau đó Mỹ đã rút khỏi hiệp định này. Còn lại 11 quốc gia và gọi chung là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-11).
"Việt Nam là nước GDP bình quân đầu người thấp nhất trong 11 quốc gia này nhưng dân số lại đứng thứ nhì. Do đó, khi gia nhập CPTPP chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức"
ĐB Trần Hoàng Ngân
Hiệp định được ký vào T3/2018. Sau đó lần lượt các nước đã thông qua và phê chuẩn. Cho đến ngày hôm nay đã có 6 quốc gia. Và điều đó cũng có nghĩa là đã đủ điều kiện pháp lý để sau 60 ngày CPTPP có hiệu lực.
CPTPP với 11 quốc gia có tổng GDP là 11 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu và khoảng 500 triệu dân. Một điểm đặc biệt là với 11 quốc gia này, GDP trên 30 nghìn USD/bình quân đầu người, tức là thu nhập cao. Một thị trường rất hấp dẫn.
Việt Nam là nước GDP bình quân đầu người thấp nhất trong 11 quốc gia này nhưng dân số lại đứng thứ nhì. Do đó, khi chúng ta gia nhập CPTPP chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức.
Cơ hội lớn cho chúng ta đó là thuế quan sẽ hỗ trợ cho ngành may mặc, da dày, đồ uống, chế biến... Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp thách thức trong chăn nuôi, trồng trọt... Ngoài ra, ngành tài chính sẽ gặp thách thức vì sẽ bắt đầu cắt giảm thuế quan.
Một điều chúng ta phải lưu ý, đây là FTA tiến bộ. Nó không giống các FTA trước đây là chỉ bàn về thuế, về cắt giảm thuế quan mà cả các vấn đề về đầu tư, về dịch vụ, về sở hữu trí tuệ, về doanh nghiệp nhà nước, về lao động, về vấn đề mua sắm của Chính phủ, về người lao động, về doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Nói chung CPTPP sẽ bàn về toàn diện các vấn đề và không phân biệt giàu, nghèo. Do đó hiệp định này sẽ hỗ trợ cho cải cách và hoàn thiện thể chế ở kinh tế thị trường cũng như đối với doanh nghiệp nhà nước mà hiện nay chúng ta đang ở quá trình cải cách rồi, tuy nhiên CPTPP sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế hơn nữa nhằm đảm bảo sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế cũng như thúc đẩy cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển.
-Như ông nói, CPTPP sẽ thúc đẩy hoàn thiện thể chế. Như vậy nghĩa là CPTPP cũng đồng thời sẽ đặt ra những thách thức trong hoàn thiện những quy định về pháp luật để phù hợp với những quy định của CPTPP?
+ Đúng là như vậy. Không có CPTPP thì chúng ta cũng đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Quốc hội cũng đang bàn về ban hành luật mới, sửa đổi các luật cũ. Tuy nhiên, gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để có thể chấp hành đúng theo những gì mà chúng ta đã ký kết với 11 nước tham gia CPTPP.
"Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và ngay cả trên sân nhà"
ĐB Trần Hoàng Ngân
Cần lưu ý rằng, trong CPTPP có 11 quốc gia nhưng chúng ta đã ký kết hiệp định về thuế quan với 8 quốc gia rồi. Chỉ có điều, có thêm CPTPP sẽ mở rộng việc cắt giảm các dòng thuế, do đó tác động đến tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo thì xuất khẩu, nhập khẩu sẽ tăng và theo đó GDP sẽ tăng sau khi chúng ta ký CPTPP.
-Đứng trước những thách thức thì theo ông doanh nghiệp Việt Nam phải khắc phục những hạn chế nào để từ đó có thể nắm bắt được các cơ hội do CPTPP mang lại?
+ Trong 11 quốc gia, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là thấp hơn so với 10 quốc gia khác. Nhưng chúng ta lại có thị trường 95 triệu dân. Do đó mà các nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Cũng từ đây, doanh nghiệp Việt Nam đồng thời sẽ gặp những thách thức nhất định.
Với CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và ngay cả trên sân nhà.
Đặc biệt, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, người nông dân phải dần dần quen với sản xuất lớn như các tổ hợp tác, hợp tác xã...
Chúng ta cũng phải có các cơ chế để giúp các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh.
-Xin cảm ơn ông!