CSGT đến trường học tuyên truyền về an toàn giao thông, phát mũ bảo hiểm cho học sinh
(Tổ Quốc) - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã tăng cường lực lượng, tập trung phân luồng để giảm thiểu, phòng ngừa ùn tắc, tai nạn.
Theo Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, những ngày cuối năm, lượng người, phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao.
Trong khi đó, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh thi công nhiều công trình giao thông trọng điểm, rào chắn một phần đường, hè phố, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn, tắc giao thông, nhất là vào các khung giờ cao điểm hoặc khi trời mưa.
Phòng Cảnh sát giao thông đã quán triệt toàn thể chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia phân luồng, hướng dẫn giao thông, nhất là trong những khung giờ cao điểm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trong việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT.
Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình
Ngày 8/12, vừa qua Đội CSGT ĐB số 3 đã phối hợp cùng Trường THCS Láng Hạ xây dựng mô hình "Cổng trường ATGT" nhằm đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trong việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT.
Tại buổi tuyên truyền, Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung - Báo cáo viên chuyên đề giao thông thành phố, Công an thành phố Hà Nội và các đồng chí công an Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 3 đã thông tin về tình hình trật, tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Đó là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông, hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội. Đặc biệt, qua sự dẫn giải trực quan, sáng tạo, báo cáo viên đã chỉ ra một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến ở lứa tuổi học sinh như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chỉ dẫn của biển báo hiệu, người chỉ huy điều khiển giao thông, đi ngược chiều...
Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP (Nghị quyết 32) về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người do tai nạn giao thông, Chính phủ quy định, từ ngày 15-12-2007, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH).
Nói về ý thức người dân tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cho biết, việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã trở thành thói quen và nét đẹp.
Thực tế cho thấy qua nhiều vụ tai nạn giao thông, một số ca tử vong trong đó có nạn nhân không đội mũ bảo hiểm hoặc có nhưng sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng:
"Thói quen, tập quán sử dụng mũ bảo hiểm - đồ bảo hộ còn mang tính đối phó, những chiếc mũ nửa đầu chiếm đại đa số, rất hiếm thấy bóng dáng của mũ fullface (tức là mũ bảo hiểm trùm cả mặt) và hầu như không ai sử dụng găng tay, quần áo, giày bảo hộ khi tham gia giao thông. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cũng cho biết, chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông", vị cán bộ chia sẻ.
Theo đó, khuyến cáo: "Người dân cần nâng cao ý thức tham gia giao thông, không nên mua chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng để đối phó với lực lượng chức năng, hoặc vì rẻ tiền, mà đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình. Chúng tôi cũng thường xuyên xuống các địa bàn, các trường học để tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATGT cho các em học sinh và người dân, trong đó vấn đề đội mũ bảo hiểm rất quan trọng. Người dân nên mua mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, chính hãng, có tem kiểm định, có tem QCVN do cơ quan nhà nước cấp phép lưu hành".
Phòng Cảnh sát giao thông đề nghị người dân chủ động cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo: "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội", số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 để xử lý kịp thời.