(Tổ Quốc) - Hàng loạt sự cố cháy nổ vừa qua trên địa bàn cả nước đã rung lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt là tại các khu nhà cao tầng, chung cư… Dù người dân sống tại những nơi này luôn “canh cánh” nỗi lo, song ngạc nhiên là đa số chưa bao giờ quan tâm đến bao hiểm tài sản cho căn hộ của mình.
- 11.04.2018 TP.HCM điểm mặt 8 chung cư đầu tiên chưa nghiệm thu PCCC
- 13.04.2018 Đề phòng cháy nổ: Đề xuất bổ sung quy hoạch khu vực để xe tách biệt khu căn hộ
- 13.04.2018 Những vật dụng lạ chắn lối thoát hiểm trong chung cư ở Linh Đàm
- 15.04.2018 Sau vụ cháy Carina dân sống ở chung cư kéo nhau đi học kỹ năng PCCC
- 15.04.2018 Những hình ảnh xúc động cư dân chung cư Carina tri ân lính cứu hỏa
Người dân thờ ơ
Ảnh: Nam Nguyễn |
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết cư dân đang sống tại các khu chung cư, các toà nhà cao tầng đều vô cùng “thờ ơ” với bảo hiểm tài sản cho riêng căn hộ của mình, thậm chí, nhiều người còn không biết đến hình thức bảo hiểm này.
Chị Phương (KĐT Times City- Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết, gia đình chị chuyển đến đây ở đã được 4 năm tròn nhưng mới chỉ mua bảo hiểm tài sản cho căn hộ của chị được 1 lần cho 1 năm ở mức 600 nghìn đồng. Từ đó đến nay chị không mua nữa.
“Năm đầu tiên mới về ở chung cư tôi thấy trên “group” của toà mọi người rủ nhau mua nên cũng tham gia mua với mức giá khoảng 600 nghìn đồng/năm. Từ năm thứ 2 trở đi tôi cũng quên luôn và không mua. Mặc dù chủ đầu tư cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền đến người dân về sản phẩm bảo hiểm cháy nổ và quyền lợi mà người dân được hưởng nhưng tôi bận công việc không tham gia được. Cách đây nửa năm tôi thấy có người bên bảo hiểm tới bán bảo hiểm cháy nổ, họ chào mời cư dân nhưng tôi thấy cũng chỉ số ít mua. Bản thân tôi ban đầu cũng định mua xong bận bịu quá lại quên mất”, chị Phương cho hay.
Tương tự, bà Hạnh (KĐT Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội ) cho biết, vợ chồng bà chưa bao giờ quan tâm đến bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ của mình vì chưa xác định rõ tầm quan trọng của hình thức bảo hiểm này.
“Tôi cứ nghĩ những việc này đã có chủ đầu tư lo nên không quan tâm nữa. Trong các cuộc họp cư dân cũng ít khi nghe nhắc đến chuyện cư dân phải mua bảo hiểm. Cư dân cùng toà cũng không thấy bàn đến chuyện bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ, do vậy tôi không biết để mà mua”, bà Hạnh nói.
Có thể nói, đối với những người đang sống tại các chung cư cao tầng thì sự thiếu quan tâm đối với bảo hiểm cháy nổ như chị Phương, bà Hạnh chiếm đa số.
Hiện trên cả nước có gần một triệu hộ gia đình sống tại căn hộ chung cư. Nếu cứ tính trung bình mỗi gia đình có 4 khẩu, thì số người đang sống tại các khu chung cư này cũng ngót nghét vài triệu người. Thế nhưng, nhiều người dân sống ở các khu chung cư đều ngớ người ra khi nghe về bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản cho căn hộ.
Anh Hải (KĐT Việt Hưng) cho biết, mặc dù đã sống ở đây 3 năm rồi nhưng anh chưa bao giờ nghe ai nói đến việc bán hay mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ. Đến khi vụ hỏa hoạn ở khu chung cư Carina (TP HCM) xảy ra, moi người trong khu mới tá hỏa hỏi nhau nhưng đều… không biết…
Mặc dù phí mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ chung cư không cao nhưng cái khó bắt đầu từ chính ý thức của người dân. Những năm gần đây, nhiều đơn vị bảo hiểm đã vận động người dân tham gia mua bảo hiểm cháy nổ nhưng hầu như không có mấy người mặn mà vì chủ quan cho rằng những vụ cháy đó là chuyện hỏa hoạn và ở… chung cư khác.
Chủ đầu tư cũng “né tránh”
Mặc dù Nghị định 130/2006/NĐ-CP từ năm 2006 đã quy định rõ chủ sở hữu chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung. Chi phí mua bảo hiểm cháy nổ, bắt buộc đối với phần sở hữu chung được phân bổ tương ứng với phần sở hữu riêng của từng chủ sở hữu. Ngoài ra, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm phân bổ và công khai mức thu; thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư…Tuy nhiên, đến nay nhiều chủ đầu tư vẫn chưa chịu mua bảo hiểm cháy nổ.
Điều này thể hiện rõ qua số liệu thống kê từ Cảnh sát PCCC Hà Nội khi đến ngày 4/4 mới chỉ có 179/718 chung cư cao tầng trên địa bàn mua bảo hiểm cháy nổ. Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng nhận định, tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định. Theo lực lượng chức năng, có hàng loạt lý do để các đơn vị quản lý và vận hành toà nhà trì hoãn việc mua bảo hiểm này.
Từ ngày 15/4, Nghị định 130 đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi Nghị định 23/2018/NĐ-CP. Theo đó, một lần nữa quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với các công trình nhà ở, dân sinh, trong đó bao gồm cả chung cư. Theo quy định trong nghị định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Đáng tiếc là trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện quy định này. Chia sẻ với PV, một chủ đầu tư của một khu đô thị trên địa bàn Hà Nội cho biết, đơn vị này đã mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng trong quá trình các tòa nhà được xây trước đây, tức phần khung của tòa nhà, còn phần diện tích trong khu nhà thì theo họ người dân phải tự mua.
Vụ cháy khu đô thị Carina Plaza tại TP HCM là một tổn thất vô cùng lớn về người và tài sản. Trường hợp này cũng là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà bảo hiểm mang lại nếu chủ đầu tư và người dân thực hiện nghiêm túc quy định về bảo hiểm.
Đại diện đơn vị cung cấp bảo hiểm cháy nổ cho Carina Plaza cho biết, ở vụ cháy này, có 3 đối tượng có thể được bảo hiểm (nếu mua bảo hiểm), gồm các cư dân nếu mua bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ như bảo hiểm sinh mạng, tai nạn, trợ cấp y tế. Bên cạnh đó là bảo hiểm tài sản căn hộ (của riêng từng căn hộ) và bảo hiểm vật chất cho xe máy, ôtô…nhưng thực tế số người tham gia mua bảo hiểm không nhiều.
Đối với chủ đầu tư Carina Plaza là Công ty Hùng Thanh có mua Bảo hiểm Trách nhiệm công cộng, một loại hình bảo hiểm cho bên thứ ba (ở đây có thể là con người và tài sản của cư dân).
“Nhưng rất tiếc, mức độ bảo hiểm mà Hùng Thanh mua để chi trả cho trách nhiệm này lại rất thấp. Mức bồi thường tối đa chỉ 500 triệu đồng, trong đó mỗi nạn nhân liên quan tối đa cũng chỉ được bồi thường 20 triệu đồng và tổng mức chi trả thiệt hại về người không quá 200 triệu đồng”, đại diện này nói./.
Hà Giang