• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cứ đến mùa khai giảng lại xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh ở phân khúc bảo hiểm học sinh

Kinh tế 11/09/2019 08:07

(Tổ Quốc) - Một năm học mới bắt đầu cũng là lúc mùa bảo hiểm học sinh tới, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lại lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với mục đích giành thị phần. Thế nhưng, cạnh tranh không lành mạnh vẫn luôn là vấn đề nhức nhối khi mà hiện tượng can thiệp hành chính để cát cứ thị trường vẫn tiếp tục tái diễn.

Ngay từ giữa tháng 8/2019, công văn số 1489/UBND – VX từ UBND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã được gửi tới Phòng Giáo dục Đào tạo và các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện nêu rõ về việc tiếp tục phối hợp với một công ty bảo hiểm nhằm thực hiện công tác bảo hiểm trong các trường học của huyện.

Không "lách luật" như một số các công ty bảo hiểm khác, trong công văn của UBND huyện này đã yêu cầu đích danh Phòng Giáo dục & Đào tạo và các trường phải phối hợp cùng công ty bảo hiểm này. Như vậy, nhân viên của các doanh nghiệp bảo hiểm khác dù muốn tiếp cận các trường thuộc địa bàn huyện này cũng sẽ phải rút lui khi công văn được đưa ra.

CV bao hiem

Công văn số 1489/UBND – VX từ UBND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã được gửi tới Phòng Giáo dục Đào tạo và các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện nêu rõ về việc tiếp tục phối hợp với một công ty bảo hiểm nhằm thực hiện công tác bảo hiểm trong các trường học của huyện.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần bảo hiểm học sinh lớn trên thị trường, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh năm nào cũng diễn ra.

Một khi những công văn kiểu như trên được đưa ra thì gần như không trường học nào dám "trái lệnh". Bản chất của kiểu công văn này đang là vi phạm Luật cạnh tranh, tuy nhiên, rất nhiều phòng giáo dục hoặc các cơ quan quản lý vẫn "hồn nhiên" thực hiện, gây ra không ít khó khăn cho việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm.

Cạnh tranh "bẩn" trong nghiệp vụ bảo hiểm học sinh đã nhiều lần bị báo chí và truyền thông phê phán thế nhưng năm nào sự việc cũng vẫn cứ tái diễn. Bảo hiểm học sinh sinh viên là phân khúc thị trường thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước vì có tiềm năng khai thác. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội bảo hiểm, năm 2018, tổng doanh thu của sản phẩm này khoảng 800 tỷ đồng, tỉ lệ bồi thường khoảng 50%. Sản phẩm đang được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn vì những quyền lợi thiết thực của nó đem lại. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm thường tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường. Khi mà không thể cạnh tranh bằng cơ chế, bằng quyền lợi sản phẩm thì nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh bằng mối quan hệ với  cơ quan quản lý. 

Các hình thức ra văn bản "phi cạnh trạnh" trong lĩnh vực bảo hiểm là khá nhiều nhưng phần lớn thường "lách luật" bằng cách kêu gọi ủng hộ chứ rất ít văn bản nào chỉ đích danh hợp tác với công ty bảo hiểm như công văn 1489 của huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. 

Cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm bằng mọi chiêu thức vi phạm "Luật Cạnh tranh" khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm dù bị mất thị phần cũng không biết làm cách nào. Hiện mức độ cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm đang diễn ra rất quyết liệt. Đáng buồn là mặc dù số lượng các công ty bảo hiểm ngày càng tăng lên, mức cạnh tranh tăng cao nhưng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn lại chưa hẳn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Vì vậy, thay vì cạnh tranh bằng đủ mọi "chiêu trò" không lành mạnh nhằm lôi kéo khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm hãy cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, cung cấp sản phẩm dịch vụ thật tốt tới khách hàng.

Ví như trường hợp cạnh tranh "bẩn" của công ty bảo hiểm nói trên, cần phải có sự can thiệp của cơ quan chức năng để loại bỏ tình trạng cứ vào năm học mới là sự cạnh tranh không lành mạnh ở phân khúc bảo hiểm học sinh lại diễn ra. Hãy để các bậc phụ huynh học sinh có được quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm mà họ cho là phù hợp với hoàn cảnh và mong muốn của họ. 

Mai Châu

NỔI BẬT TRANG CHỦ