(Tổ Quốc) - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh vừa ký ban hành văn bản số 311/CDLQGVN-QLLT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo các hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2023, nhân dân và người lao động được nghỉ dài ngày, là dịp để người dân trong cả nước đi du lịch, đồng thời là cơ hội để ngành du lịch cùng các địa phương kích cầu du lịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện phục vụ khách du lịch đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ban quản lý khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn chủ động tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ lễ; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; giới thiệu sản phẩm du lịch mới của địa phương để phục vụ du khách.
Đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bố trí cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Đồng thời, tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra tình trạng sản xuất kinh doanh, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia có nguy cơ gây độc hại tại các cơ sở có phục vụ ăn uống.
Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan chung. Tại các khu, điểm tham quan du lịch cần bố trí thu gom rác thải kịp thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, chỉ dẫn, nhắc nhở khách cùng tham gia bảo vệ môi trường, đảm bảo đủ số lượng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Các ban quản lý khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch chấp hành quy định pháp luật về giá, tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng tùy tiện nâng giá, chèo kéo, ép khách, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch; bố trí đủ nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ khách.
Cục Du lịch quốc gia cũng đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và bảo đảm quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, quan tâm phòng tránh tai nạn xe mô tô, xe khách, tai nạn đường thủy. Tuyên truyền rộng rãi về những điểm đến hấp dẫn tại địa phương, các sản phẩm phục vụ du khách trên cơ sở phát huy giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch tại các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Thiết lập và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các tình huống phát sinh và hỗ trợ khi khách du lịch có yêu cầu.
Đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch kịp thời thông tin khi có vấn đề phát sinh, báo cáo công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động du lịch tại địa phương và kết quả phục vụ nghỉ lễ về Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chậm nhất vào ngày 4/9/2023.