(Tổ Quốc) - Sáng 26/6, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp Thực hiện công tác quản lý nhà nước về văn học giai đoạn 2021 – 2025 giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và Hội Nhà văn Việt Nam.
Tham dự Lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn Nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhật, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.
Chương trình này nhằm tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật các tỉnh/thành phố hoạt động theo định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật phù hợp với điều kiện thực tế, đặc trưng văn hóa của từng vùng miền. Cùng với đó, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy khả năng sáng tạo văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ từ Trung ương và địa phương.
Việc phối hợp công tác quản lý nhà nước về văn học còn với mục đích đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, khuyến khích các tài năng sáng tác văn học nghệ thuật có trách nhiệm công dân với xã hội cao. Bên cạnh đó chương trình cũng tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, nhằm sáng tạo ra được nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong thời kỳ mới.
Các nội dung phối hợp bao gồm 11 nội dung, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Cục NTBD và Hội Nhà văn Việt Nam như: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sỹ, các chương trình, đề án nhằm phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đáng chú ý trong đó có sự phối hợp xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030", Đề án "Trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em"…
Ngoài ra còn có tổ chức đặt hàng, tập huấn, đào tạo đội ngũ sáng tác, quản lý; Tổ chức các hoạt động phổ biến, quảng bá văn học; Tổ chức khảo sát, nghiên cứu trao đổi thông tin về văn học trong nước và quốc tế; Phối hợp tổ chức các cuộc vận động sáng tác và thi sáng tác văn học cấp quốc gia, khu vực; Thống nhất hướng dẫn việc xây dựng Chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tại các địa phương về hoạt động văn học giai đoạn 2021 - 2025; Xây dựng Giải thưởng về văn học nghệ thuật đặc thù của mỗi địa phương; Phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ, chú trọng phát triển lĩnh vực văn học dành cho trẻ em…
Phát biểu tại Lễ ký kết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá giữa hai cơ quan đã ký rất nhiều văn bản nhưng cá nhân nhà thơ cho đây là một văn bản quan trọng. Theo quan sát của một người cầm bút, nhà thơ cho rằng có lẽ chưa bao giờ văn học cần thiết như bây giờ. Hội Nhà văn cũng như tất cả các hội nghề nghiệp khác, rất cần sự hợp tác, trợ giúp từ phía Bộ VHTTDL để có thể tạo ra nhiều trang viết lớn lao hơn. Nhà thơ mong rằng sự hợp tác giữa Hội Nhà văn và Cục NTBD (Bộ VHTTDL) từ những năm trước và giai đoạn này được tiếp tục thực hiện cơ bản, đầy đủ và toàn vẹn hơn nữa.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận và đánh giá cao Cục NTBD và Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm trong việc chuẩn bị các nội dung ký kết Chương trình phối hợp công tác. Đồng thời trong thời gian tiếp theo Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục NTBD chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Trước mắt Bộ VHTTDL giao cục NTBD chủ trì, phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động đề ra trong chương trình phối hợp đã ký kết. Hàng năm, cần tập trung đánh giá cụ thể kết quả đạt được, khắc phục khó khăn để chương trình phối hợp thực sự có hiệu quả và đi vào thực chất./.