• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cục NTBD: Hoàn chỉnh Dự thảo Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của VN và thế giới

06/03/2009 14:25

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa hoàn chỉnh Dự thảo Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của VN và thế giới. Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa, liệu bản Dự thảo hoàn chỉnh có giải đáp được những thắc mắc của dư luận đặt ra gần đây?

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa hoàn chỉnh Dự thảo Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của VN và thế giới. Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa, liệu bản Dự thảo hoàn chỉnh có giải đáp được những thắc mắc của dư luận đặt ra gần đây?

Phần lớn đơn vị ủng hộ Đề án

Trước khi hoàn thành dự thảo, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã lấy ý kiến đóng góp từ nhiều đơn vị sân khấu chủ lực trên cả nước. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục NTBD cho biết: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp rất thẳng thắn và tâm huyết của nhiều đơn vị. Phần lớn đều rất ủng hộ chủ trương đề án đặt ra. Duy có đại diện của một số đơn vị nghệ thuật tư nhân ở TP.HCM có những điểm chưa đồng tình cho rằng việc đưa 100 tác phẩm vào cơ chế thị trường không khả thi, Nhà nước hỗ trợ 100 triệu là quá ít... Nếu chỉ để doanh thu thì sẽ không cần lập đề án này. Thực tế  vì chiều theo thị hiếu giải trí của người xem, rất ít đơn vị dũng cảm tự đầu tư dựng vở kinh điển, thể loại bị coi là nặng nề, không được hấp dẫn. Tôi nghĩ, lực lượng sân khấu tư nhân ở TP.HCM “phản ứng” vì chưa tìm ra được chìa khóa để thực hiện quy trình dàn dựng theo đề án này”.

Theo dự thảo đề án, mỗi vở diễn trong danh sách 100 kiệt tác sẽ có mức đầu tư ước khoảng 300 triệu đồng. Trong đó 1/3 trong số kinh phí này là do Bộ VH,TT&DL hỗ trợ, 1/3 do đơn vị dàn dựng bỏ ra và còn lại đơn vị huy động từ các nguồn lực xã hội khác. Ông Chương nhấn mạnh, kinh phí đầu tư cho một vở như vậy là đủ, bởi lẽ chỉ xét ở góc độ kinh phí dàn dựng vở hiện nay, vở diễn được đầu tư một tỉ đồng chưa hẳn đã mang lại hiệu quả hơn một vở diễn chỉ đầu tư khoảng 200 triệu. Trong khi với khoản kinh phí đầu tư hơn trăm triệu ở sân khấu TP.HCM như vở Cánh đồng gió của Sân khấu Phú Nhuận vẫn được dàn dựng hiệu quả và liên tục có khán giả. Mặt khác, có thể nhìn thấy rất rõ là các đơn vị khi tham gia “phục dựng” các vở truyền thống của VN và kiệt tác sân khấu thế giới sẽ không phải trả  lượng nhuận bút lớn như với một kịch bản mới.

Không phải là chuyện “trợ cấp” hay “cào bằng”...

Sau khi nhận được đề nghị, các đơn vị sân khấu trên cả nước đều rất quan tâm và gửi văn bản về Cục NTBD để góp ý. Tiêu chí để lựa chọn đơn vị thực hiện đề án được thể hiện rõ: Có bề dày thành tích hoạt động nghệ thuật; Có lực lượng nghệ sĩ biểu diễn đủ năng lực chuyên môn; Có khả năng huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư kinh phí dàn dựng và phổ biến tác phẩm tới công chúng; Có đội ngũ cán bộ tổ chức biểu diễn đủ năng lực để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật hiệu quả nhất tới khán giả... Ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định, đây không phải là dự án “trợ cấp” như ai đó đã ví von để rồi đơn vị sân khấu nào cũng  “có phần”. Một đơn vị tham gia chỉ được đăng kí dàn dựng từng kịch bản, chứ không thể ôm một lúc nhiều vở. Việc duyệt đăng kí của các đơn vị cũng sẽ diễn ra rất chặt chẽ, bao gồm từ kế hoạch dàn dựng, sơ duyệt, tổng duyệt, cấp giấy phép công diễn... Mỗi vở phải đảm bảo phục vụ khán giả tối thiểu là 80 buổi diễn đối với tác phẩm kịch nói, 50 buổi với tác phẩm kịch hát trong khoảng thời gian 2 năm sau khi dàn dựng. Sau khi kí kết hợp đồng với Cục NTBD, các đơn vị chỉ được tạm ứng 50% kinh phí cho từng vở. Số còn lại sẽ được thanh toán khi nghiệm thu chất lượng cũng như kết quả cụ thể về việc phổ biến vở diễn tới công chúng.

Với kịch bản truyền thống như loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương đã dàn dựng nay phục hồi lại, Bộ VH,TT&DL sẽ hỗ trợ hơn các kịch bản khác là 120.000.000 đồng. Một trong những ưu điểm của đề án đó là ngoài kinh phí đầu tư cho dàn dựng, Bộ sẽ hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống: Tuồng, Chèo, Cải lương kinh phí để phổ biến tác phẩm tới công chúng theo quy định của Nhà nước gồm các chi phí: Tiền thuê sân khấu biểu diễn, tiền xăng xe đi về, thù lao biểu diễn của diễn viên.

Cần nghĩ đến cái lớn hơn

Có lẽ những tranh luận của dư luận phần lớn xoay quanh chuyện tiền nong, nhưng mục tiêu của đề án là nhằm bảo tồn và “kích cầu” những tác phẩm nổi tiếng của sân khấu VN và thế giới. 100 kịch bản mà đề án lựa chọn gồm có: 15 kịch bản tuồng, 15 kịch bản chèo, 11 kịch bản cải lương, 30 kịch bản kịch nói và 29 kịch bản nước ngoài. Việc lựa chọn 100 kịch bản được căn cứ vào những tiêu chí sau: Kịch bản sân khấu Việt Nam là những kịch bản truyền thống mẫu mực, những tác phẩm của các tác giả đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, những tác phẩm đoạt Huy chương Vàng trong các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đã gây tiếng vang lớn trong đời sống sân khấu; Kịch bản sân khấu của thế giới là những kịch bản có giá trị cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Vấn đề kịch bản đặt ra mang tính dự báo, có tác động tích cực đối với đời sống đương đại... Trên thực tế có nhiều người mới chỉ được biết đến những cái tên tác phẩm trong đề án mà chưa hề được đọc, được xem. 

Vì vậy mục đích dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Đặc biệt những tác phẩm mẫu mực của sân khấu Việt Nam sẽ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào về văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ hôm nay. Quá trình dàn dựng và biểu diễn 100 tác phẩm nổi tiếng sẽ là “trường học lớn” để nghệ sĩ hôm nay tiếp nhận về phương pháp sáng tạo, phong cách nghệ thuật... của các nhà hoạt động sân khấu xuất sắc ở Việt Nam và thế giới trong nhiều thế kỷ qua.

Với sân khấu kịch nếu đi lưu diễn vùng sâu, vùng xa có nên được tài trợ hay không? Việc huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức xã hội có khó không, nhất là với những đơn vị kịch hát truyền thống đang gặp khó khăn ngay từ khâu biểu diễn... Là những đề nghị phải chăng cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng từ người lập đề án cho tới người thực hiện. Vấn đề đặt ra là làm thế nào và thực hiện như thế nào cho hiệu quả thì còn chờ ý kiến chính thức của Cục NTBD, đơn vị thừa ủy quyền của Bộ VH, TT&DL chịu trách nhiệm ký hợp đồng, duyệt kế hoạch dàn dựng, thời gian dàn dựng tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật; tổ chức nghiệm thu chất lượng tác phẩm... Đồng thời cũng trông chờ vào sự dũng cảm dám nhận dàn dựng tác phẩm kinh điển cũng như vào tài năng của các nghệ sĩ làm sao có thể làm sống lại các nhân vật, các tác phẩm nổi tiếng của một thời, không những đảm bảo nguyên vẹn những giá trị về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm mà còn có tác động tích cực đối với đời sống đương đại.

Theo VH

NỔI BẬT TRANG CHỦ