• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cục Phòng cháy chữa cháy Bộ Công an khuyến cáo người dân đề phòng “củi lửa” trong dịp Tết Nguyên đán

Thời sự 13/02/2018 07:20

(Tổ Quốc) -Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với Cục phó cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Thượng tá Bùi Quang Việt xung quanh nội dung phòng chống cháy nổ dịp cận Tết Nguyên đán.

PV: Xin ông cho biết một vài đánh giá nổi bật về công tác PCCC ở nước ta trong những năm qua?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Những năm qua, công tác PCCC và CNCH luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC, CNCH; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Cụ thể là:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC, CNCH ngày càng hoàn thiện. Có thể khẳng định, hành lang pháp lý về PCCC, CNCH hiện nay tương đối hoàn chỉnh.

Điểm nhấn trong năm 2017 vừa qua là việc Chính phủ ban hành Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC, theo đó lực lượng Cảnh sát PCCC được giao thêm chức năng Quản lý nhà nước về công tác CNCH và trực tiếp xử lý các vụ tai nạn, sự cố dưới mức thảm họa.

 Công tác tuyên truyền được tăng cường; nhận thức của người đứng đầu chính quyền, cơ sở được nâng lên; phong trào toàn dân PCCC, CNCH được người dân hưởng ứng, nhiều mô hình điểm được nhân rộng; lực lượng PCCC tại chỗ được các đơn vị quan tâm, chỉ đạo củng cố, kiện toàn.

Cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ công tác PCCC được đầu tư xây dựng, cải tạo tốt hơn. Mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát PCCC từ Trung ương đến địa phương ngày càng được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH ngày càng được mở rộng, mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đã trở thành những đối tác quan trọng của Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và là thành viên tích cực của Hội đồng kiểm định phương tiện PCCC Châu Á....

Cục phó cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn- Thượng tá Bùi Quang Việt.

PV: Trong năm 2017, vẫn còn nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, cho thấy một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC. Những tồn tại nào được xem là đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn thưa ông?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Hiện nay, trong công tác PCCC và CNCH còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, tồn tại 02 vấn đề khó khăn nhất, đó là điều kiện hạ tầng cơ sở PCCC và ý thức về PCCC trong xã hội. Cụ thể là:

Các công trình được xây dựng trước khi có Luật PCCC còn tồn tại một số thiếu sót, vi phạm như: Quy hoạch về nguồn cung cấp nước chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình không đảm bảo, điều kiện giao thông không đáp ứng yêu cầu cho xe chữa cháy có thể tiếp cận hiện trường trong thời gian ngắn nhất, đặc biệt là trong giờ cao điểm tại các thành phố lớn.

 Nhiều công trình được xây dựng lâu năm đã xuống cấp, tình trạng tự ý cơi nới, lấn chiếm, sửa chữa cải tạo nhất là tại các khu dân cư, nhà ở tập thể gây mất an toàn PCCC còn phổ biến...

Ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC trong xã hội còn chưa cao. Một bộ phận không nhỏ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC, một số nơi vẫn coi công tác PCCC là nhiệm vụ riêng của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Việc triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế, mang tính hình thức, khẩu hiệu, nhất là trong bố trí, đào tạo lực lượng PCCC cơ sở, trang bị phương tiện, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ...

PV: Hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh ngày càng nhiều nhà cao tầng, khu trung tâm thương mại, hệ thống ngân hàng, khách sạn. Vậy việc PCCC ở những cao ốc này như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của xã hội, tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ngày càng xuất hiện nhiều khu trung tâm thương mại, khách sạn, chung cư cao tầng.

Đây là những công trình luôn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh cháy nổ, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, do đặc thù của các dạng công trình nêu trên, việc triển khai các lực lượng, phương tiện để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các tầng cao khi xảy ra sự cố cháy nổ là vấn đề khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả những nước tiên tiến trên thế giới.

Việc sử dụng các phương tiện như trực thăng, xe thang chỉ đáp ứng một phần trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Do đó, công tác phòng cháy tại mỗi công trình bằng các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc, các giải pháp kỹ thuật, hệ thống PCCC cần phải được đề cao và chú trọng.

Để bảo đảm an toàn PCCC cho các công trình này, trước hết phải là các giải pháp phòng cháy từ khi thiết kế, đầu tư xây dựng.

Cụ thể, thiết kế phải được thẩm duyệt về PCCC, xem xét các nội dung, tiêu chí như: Đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn giữa các công trình; giải pháp ngăn cháy lan; thiết kế, trang bị hệ thống báo cháy; các hệ thống chữa cháy bằng nước, bằng khí; giải pháp phục vụ thoát nạn... Tất cả các giải pháp, hệ thống này phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.

Đồng thời, trước khi đưa vào sử dụng các dự án, công trình phải được nghiệm thu về PCCC để bảo đảm tất cả các giải pháp về PCCC, các hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan đã được thi công, lắp đặt đúng theo yêu cầu.

PV: Trong thời gian qua, theo phản ánh của phóng viên Báo điện tử Tổ quốc, tại rất nhiều khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội còn bộc lộ nhiều sai phạm về PCCC. Theo ông, trong năm 2018, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có những chỉ đạo với lực lượng PCCC như thế nào để giải quyết những vấn nạn này?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thủ đô còn 62 công trình nhà cao tầng tồn tại vi phạm về PCCC.

Để giải quyết tình trạng này tại Hà Nội cũng như các địa phương khác trên cả nước, thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện một số nội dung sau:

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những tồn tại vi phạm về PCCC. Kiên quyết xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các hạng mục công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC.

Tham mưu UBND cấp tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát việc khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC, báo cáo và đề xuất UBND cấp tỉnh hướng giải quyết dứt điểm các tồn tại vi phạm, đặc biệt là những cơ sở xây dựng và đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực theo quy định tại Điều 63a Luật PCCC.

Yêu cầu chủ đầu tư công trình tồn tại nhiều vi phạm có văn bản báo cáo và có lộ trình khắc phục cụ thể. Đối với những chủ đầu tư cố tình né tránh, chống đối sẽ củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan Cảnh sát Điều tra theo quy định của pháp luật

Tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC bằng nhiều hình thức đến quần chúng nhân dân, khuyến cáo người dân không mua nhà tại các công trình còn vi phạm về PCCC; hướng dẫn cơ sở biện pháp bảo đảm an toàn PCCC trong thời gian khắc phục những tồn tại vi phạm.

Nếu hỏa hoạn xảy ra, là người đứng đầu lực lượng Cảnh sát PCCC; theo ông nên xử lý những trường hợp này như thế nào?

Nếu hỏa hoạn xảy ra, cơ quan có thẩm quyền được giao điều tra vụ cháy sẽ tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân cháy và nguyên nhân vụ cháy.

Khi có kết quả điều tra, nếu vụ cháy có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo tội danh tương ứng với hành vi vi phạm để tiến hành điều tra theo thẩm quyền; nếu vụ cháy không có dấu hiệu tội phạm nhưng hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

PV: Hiện nay đã vào mùa hanh khô và thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán 2018 không còn dài, nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn. Nhằm kiềm chế, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng trước trong và sau Tết thì việc phòng ngừa phải được tiến hành như thế nào?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Dịp Tết Nguyên đán và mùa hanh khô, tình hình cháy nổ thường có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do độ ẩm trong không khí giảm mạnh làm vật liệu khô nỏ, dễ bắt cháy; lượng vật tư, hàng hóa tập trung nhiều để hoàn thành kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp; nhu cầu sử dụng sử dụng điện, xăng, dầu, khí đốt, nguồn lửa, nguồn nhiệt tăng cao; ý thức lơ là, bất cẩn về PCCC của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân.

Để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong dịp Tết Nguyên đán và mùa hanh khô, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo:

Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm các nội quy, quy định về an toàn PCCC; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục các thiếu sót có thể phát sinh cháy nổ; tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện cháy sớm, đặc biệt vào ngày nghỉ, lễ, Tết, ngoài giờ hành chính …

Các hộ gia đình cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, tuyệt đối không tàng trữ trái phép các chất dễ gây cháy nổ; thận trọng trong việc đun nấu, thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã và sử dụng các thiết bị điện, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ và ra khỏi nhà; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy ban đầu, phương án thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC.

PV: Trong thời gian tới, ông có những điều mong mỏi gì để công tác PCCC và CNCH tiếp tục đạt kết quả cao hơn?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh trên phạm vi cả nước, cùng với ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác PCCC và CNCH.

Công tác PCCC và CNCH liên quan mật thiết đến tính mạng, đời sống và sản xuất của người dân.Muốn thực hiện tốt công tác này, ngoài lực lượng Cảnh sát PCCC giữ vai trò nòng cốt, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn dân.

Mỗi người chúng ta hãy hành động cùng phòng chống giặc lửa và các vụ tai nạn sự cố; tích cực tham gia công tác PCCC và CNCH; bảo vệ tính mạng, tài sản, giữ gìn bình yên cuộc sống cho mỗi gia đình và cộng đồng.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ