• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở: Cần tuyên truyền ý thức tham gia lễ hội đến thế hệ trẻ

Văn hoá 12/03/2018 14:05

(Tổ Quốc) - Để hạn chế những tiêu cực trong lễ hội, giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tham gia được xem là một trong những giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, đã đến lúc cần tuyên truyền đến thế hệ trẻ, những học sinh, sinh viên về giá trị tốt đẹp của lễ hội, bởi họ sẽ là chủ thể tham gia lễ hội trong tương lai.

Đây là một trong những chủ đề xung quanh câu chuyện lễ hội mà PV báo Tổ Quốc được Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương chia sẻ.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương

 

+ Thưa bà, cho đến thời điểm này, có thể nói, hầu hết các lễ hội Xuân trên cả nước đều đã diễn ra. Nhìn nhận về mùa lễ năm nay, dư luận cho rằng đây là một mùa lễ hội yên bình. Theo bà, lễ hội 2018 đã có những chuyển biến tích cực như thế nào?

- Chúng tôi đánh giá mùa lễ hội 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đến với lễ hội đã thực hiện nghiêm các yêu cầu nội dung, quy định của Ban tổ chức (BTC), Ban quản lý (BQL) di tích, như đến các di tích trong tâm thế về nếp sống văn minh, trang phục, ứng xử phù hợp… Bên cạnh đó, hiện tượng vứt tiền, giắt tiền vào tượng Phật ở nhiều nơi đã cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đã được các BQL, BTC lễ hội triển khai một cách triệt để, thực hiện đúng nội quy của lễ hội. Đó là các yếu tố đảm bảo khởi đầu cho mùa lễ hội Xuân 2018 khá an toàn.

Clip: Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: "Địa phương cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trước những phát sinh mới của lễ hội"

+ Tuy nhiên, vẫn còn một số lễ hội có những hình ảnh chưa đẹp như giắt tiền trên đỉnh chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh), “vỡ kịch bản” lễ hội Cướp Phết Hiền Quan. Cục có những biện pháp gì để hạn chế những hình ảnh chưa đẹp này trong thời gian tới?

Mỗi mùa lễ hội lại phát sinh một số vấn đề, hiện tượng khác, đòi hỏi chính quyền địa phương phải có giải pháp để người dân ngày càng hiểu các giá trị truyền thống, điều chỉnh hành vi phù hợp. Có những hiện tượng tồn tại nhiều năm, nhưng cũng có hiện tượng phát sinh. Như Lễ hội Phết Hiền Quan, BTC đã chú trọng thay đổi hình thức nhưng lượng người quá đông, quá sức đối với một lễ hội cấp làng, xã. Cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, giải pháp để duy trì được nghi lễ truyền thống nhưng vẫn đảm bảo cho người dân đến với những lễ hội như vậy. Về phía quản lý nhà nước, Cục Văn hóa cơ sở là cơ quan tham mưu cho Bộ về lĩnh vực quản lý hoạt động lễ hội thì phải bám sát thực tiễn, đưa ra giải pháp. Trước mắt phối hợp với các địa phương xây dựng phương thức, đề án phục dựng các quy mô cũng như nội dung của lễ hội, hoặc có những phương án, cách thức đề nghị các địa phương tuyên truyền lễ hội về những hình ảnh cần chấn chỉnh.

+ Một số điểm nóng đã thực sự thay đổi sau khi Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương thay đổi các nghi thức thực hành, trong đó có thể kể đến như Đền Trần (Nam Định), Ném Thượng (Bắc Ninh), năm nay là lễ hội đền Sóc (Hà Nội). Theo bà, trong thời gian tới, đối với một số lễ hội vẫn còn những biểu hiện trái thuần phong mỹ tục, phản cảm…Bộ có nên tiếp tục yêu cầu địa phương nghiên cứu thay đổi nghi thức thực hành?

- Chắc chắn trong thời gian tới Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ yêu cầu các địa phương nghiên cứu, tìm ra những giải pháp làm sao để lễ hội truyền thống, nghi thức truyền thống gắn với địa phương, đáp ứng được nhu cầu tâm linh cũng như nguyện vọng của người dân nhưng đảm bảo yếu tố văn hóa, hội nhập với xu thế chung. Đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt, khắc phục hiện trạng đó trong năm tới.

Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức mùa lễ hội 2018 sớm. Đề nghị các tỉnh đánh giá nghiêm túc những mặt được, những hạn chế, nguyên nhân ở đâu. Các tỉnh có kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý. Các kiến nghị đối với UBND các cấp ở địa phương để hỗ trợ, cả về kinh phí cũng như chính sách. Ví dụ như Hội Phết Hiền Quan mong muốn được hỗ trợ xây dựng một sân vận động để người dân ngồi xem, có hàng rào kiên cố, nghi lễ cướp Phết diễn ra mà người ngoài không tràn vào được. Cơ chế về kinh phí cũng phải xem đến để bằng nhiều biện pháp, nhiều cơ chế, sự phối hợp giữa chính quyền và người dân chúng ta sẽ đảm bảo được lễ hội diễn ra an toàn và người dân được hưởng thụ những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Clip: Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói về việc thay đổi nghi thức thực hành lễ hội để phù hợp với xu thế chung

- Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, việc tuyên truyền để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lễ hội, tránh tư tưởng cầu lợi của người dân tham gia lễ hội…Theo bà, làm thế nào để tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội?

+ Lễ hội từ xa xưa, người dân đến lễ hội đúng nghĩa hưởng thụ giá trị văn hóa tinh thần rất lớn và thường thì người đi lễ với tâm thế thành kính. Và người dân mỗi làng đi lễ hội làng mình nên họ hiểu giá trị của lễ hội đó như thế nào. Ngày nay, quy mô lễ hội lớn hơn rất nhiều, người dân không chỉ đi lễ hội ở làng mình, tỉnh mình mà là lễ hội trên cả nước, vì vậy, bản thân họ không được trang bị, tuyên truyền về giá trị của lễ hội, nơi mà người ta đến. Đi lễ hội đầu năm như một phong trào. Nên việc đưa ra nội dung để tuyên truyền theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là vô cùng quan trọng. Muốn thay đổi thói quen, nhận thức thì tuyên truyền là biện pháp đầu tiên và là biện pháp cần đẩy mạnh.

Tuyên truyền dưới nhiều hình thức, không chỉ đến người đi lễ hội mà đến cả học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Vì bây giờ các em chưa đi lễ hội nhưng chỉ vài năm nữa, sẽ là những chủ thể tham gia lễ hội. Vì vậy phải giáo dục truyền thống sâu sắc đến lứa tuổi như vậy thì mới có một tâm thế khi đi lễ hội theo chiều hướng tích cực.

Clip: Cần tuyên truyền ý thức tham gia lễ hội đến học sinh, sinh viên

Chúng ta phải thừa nhận, khó thay đổi nhận thức bằng biện pháp mệnh lệnh hành chính, cho nên, để thay đổi nhận thức của người dân thì biện pháp đầu tiên vẫn là tuyên truyền. Điều này, cần sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Theo tôi, để tuyên truyền hiệu quả cần chọn chủ đề tuyên truyền theo từng năm, hoặc theo từng loại hình lễ hội.

Ví dụ việc đốt nhiều vàng mã, thì ở các lễ hội đốt nhiều vàng mã chúng ta phải tuyên truyền để hạn chế.

Bên cạnh đó, phải tuyên truyền theo các cơ quan, đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên… Chúng ta đừng chọn quá nhiều nội dung tuyên truyền nhưng không hiệu quả. Ví dụ tôi đi nhiều lễ hội, loa của BTC ra rả đọc các nội quy nhưng không vào đầu người đi hội. Tôi yêu cầu ở lễ hội nào chú trọng tuyên truyền chỉ lặp lại một hành vi ở một lễ hội thôi. Ví dụ ở Hội Phết Hiền Quan, tôi chỉ yêu cầu BTC đọc đi đọc lại một nội dung “Những người không có trong thành phần không được tham gia cướp Phết”. Nghĩa là phải chọn chủ đề tuyên truyền, nhấn mạnh nội dung đó thì mới mang lại hiệu quả.

+ Xin cảm ơn bà!

Bài: Hồng Hà, clip: Việt Hùng

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ