• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cục trưởng Cục xuất bản: 'không ngại' công bố nguyên nhân thu hồi sách (*)

28/06/2017 14:06

Trước đây, ngành xuất bản chủ yếu “đóng cửa bảo nhau” nhưng bây giờ chúng tôi chủ trương công khai. Điều này khiến những sự việc sai phạm liên quan đến sách được cập nhật nhiều trên báo chí, gây cảm giác tình trạng sai phạm diễn ra rất nhiều. Nhưng thực tế là ít đi.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Chu Văn Hòa vừa có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh việc cuốn sách “Một cơn gió bụi” của tác giả Trần Trọng Kim vừa mới bị thu hồi.

PV: Thưa ông, trong quyết định thu hồi cuốn sách “Một cơn gió bụi” có ghi rõ nội dung là do Nhà xuất bản Hội Nhà văn (NXB) không đăng ký đúng thể loại. Theo nhiều người, lý do này chưa thực sự thuyết phục, mà thực tế đằng sau đó còn có những nguyên nhân được cho là nhạy cảm, ông có thể cho biết thêm?

Ông Chu Văn Hòa: Không phải là nguyên nhân đằng sau mà là nguyên nhân trực diện, hoàn toàn đủ thuyết phục để thu hồi cuốn sách “Một cơn gió bụi” theo đúng quy định. Tôi không ngại khi công bố những nguyên nhân này.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Duy Tín

Có thể kết luận là cuốn sách có một số nội dung sai về lịch sử, xây dựng một số hình ảnh méo mó về người chiến sĩ cách mạng.

Việc dừng phát hành, thu hồi cuốn sách là hoàn toàn đúng.

PV: Chúng ta đã có cả một quy trình xuất bản khá rõ nhưng việc để sai về thể loại, nội dung bản thảo vẫn xảy ra, theo ông vì sao?

Ông Chu Văn Hòa: Theo quy định, Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ cấp phép xuất bản thông qua các nội dung đăng ký của NXB. NXB phải chịu mọi trách nhiệm về việc để xảy ra những sai sót về nội dung đã đăng ký trước đó.

Về nguyên tắc, bản thảo của tác phẩm là do NXB duyệt và cam kết nội dung bản thảo không vi phạm các điều lệ quy định. Tuy nhiên, khi cuốn sách “Một cơn gió bụi” được in, nộp lưu chiểu, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cho người đọc lại và phát hiện ra những nội dung sai phạm nói trên. Vì thế chúng tôi ngay lập tức ra quyết định thu hồi.

Hiện nay công tác kiểm duyệt xuất bản vẫn chủ yếu là hậu kiểm. Vì thế, trách nhiệm của NXB là rất quan trọng trong việc thẩm định và rà soát nội dung trong tác phẩm.

PV: Ngoài cuốn sách “Một cơn gió bụi”, thời gian gần đây có nhiều cuốn sách cũng đã để xảy ra sai sót và bị thu hồi, tạo nên những dư luận không tốt về ngành xuất bản, ông có thấy như vậy?

Ông Chu Văn Hòa: Việc kết luận về hiện trạng như thế là chưa chính xác. Thực tế việc sai sót trong xuất bản xảy ra thường xuyên từ trước đến nay. Hễ có xuất bản báo chí, xuất bản sách là có vi phạm, giống như có hoạt động giao thông thì có vi phạm giao thông vậy. Nếu đánh giá về mức độ, 5 năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi có Luật Xuất bản 2012 có hiệu lực, ngành xuất bản đi từ chỗ lộn xộn, mất trật tự, thậm chí hỗn loạn thì nay đã trở nên trật tự hơn, có sự vươn lên. Điều này thể hiện rất rõ trong xã hội.

Bằng chứng là trước đây, khi một cuốn sách ra đời và có sự tranh cãi, người ta khó có thể biết hết. Thực tế, có rất nhiều cuốn sách vi phạm thì bạn đọc mới phát hiện ra được một cuốn. Trước đây, có năm Cục Xuất bản, In và Phát hành xử lý đến 300 vụ thì độc giả chỉ biết 2 – 3 vụ. Nhưng bây giờ thì khác, cơ quan nhà nước đổi mới phương pháp, một mặt quản lý chặt hơn nhưng mặt khác lại công khai hóa thông tin.

Trước đây, ngành xuất bản chủ yếu “đóng cửa bảo nhau” nhưng bây giờ chúng tôi chủ trương công khai. Điều này khiến những sự việc sai phạm liên quan đến sách được cập nhật nhiều trên báo chí, gây cảm giác tình trạng sai phạm diễn ra rất nhiều. Nhưng thực tế là ít đi.

Trong vòng 3 năm nay, số lượng sách bị xử lý do sai phạm có chiều hướng giảm đi rõ rệt. Năm 2014 là 190 vụ. Năm 2015 là 160 vụ. Năm 2016 còn có 130 vụ. Đầu năm 2017 đến nay chỉ có 40 vụ. Trong tháng 6, số lượng sách xảy ra sai sót có chiều hướng tăng lên. Lãnh đạo Cục đã ngay lập tức có động thái chấn chỉnh, rà soát, yêu cầu các địa phương, các NXB xem xét lại các hoạt động của mình. Khâu liên kết xuất bản cũng được rà soát và báo cáo lên Cục, Bộ.

Bìa cuốn sách Một cơn gió bụi. Ảnh: Phương Nam sách

PV: Được biết hiện nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành có áp dụng việc cấp thẻ biên tập viên ở các NXB. Giải pháp này có phát huy được hiệu quả lớn không?

Ông Chu Văn Hòa: Phương pháp quản lý này đã phát huy hiệu quả. Điều này sẽ giúp các NXB quản lý tốt hơn các biên tập viên. Khi để xảy ra sai sót cũng có đủ cơ sở để quy trách nhiệm, từ đó việc xử lý sai phạm sẽ trở nên minh bạch, công bằng.

Các biên tập viên, nếu để xảy ra lỗi liên tục sẽ bị thu hồi thẻ biên tập viên. Chính quy định này sẽ tạo áp lực và nâng cao trách nhiệm của biên tập viên trong công tác rà soát bản thảo.

PV: Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm của Cục đối với các NXB hiện nay được cho là vẫn đang nhẹ tay?

Ông Chu Văn Hòa: Không phải vậy. Cơ quan quản lý nhà nước luôn có những động thái kịp thời và đúng mực trong việc xử lý các sai phạm.

Trước đây, đã từng có NXB bị phạt 1 tỉ đồng và dừng hoạt động vĩnh viễn. Tuy nhiên, gần đây tất cả những sai phạm trong ngành sản xuất đang giảm dần. Các cơ quan chức năng đang đấu tranh kiên quyết. Đặc biệt, nếu như trước đây việc quản lý ngành xuất bản chỉ có Bộ VH-TT&DL, Bộ TTTT là chính, các sở chưa thực sự vào cuộc thì hiện nay sự phối hợp giữa Bộ và các Sở đã đều tay, ngày càng tốt hơn.

Báo chí cũng đã vào cuộc và nhanh nhạy trong việc nắm bắt và phản ánh thông tin, mang lại hiệu ứng nhanh. Một cuốn sách có sai phạm, báo chí đưa tin, độc giả biết được và ngay lập tức tẩy chay cuốn sách.

Những người hoạt động trong ngành xuất bản cần nghiêm túc và cẩn thận hơn. Khi làm được điều đó, các thế lực đầu nậu sách cũng sẽ “chùn” tay hơn. Ngành xuất bản phẩm sẽ sạch sẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!./.

Đào Bích

(Nguồn: vov.vn)

-------------

(*) Tít do TS đặt lại

NỔI BẬT TRANG CHỦ