(Tổ Quốc) - Trước những thay đổi trong kỳ thi THPT năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trong đó nhận định về mức độ dễ hơn trong đề thi khiến điểm thi cao hơn với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao và việc tổ chức một kỳ thi như vậy là lãng phí, TS. Mai Văn Trinh khẳng định việc tổ chức kỳ thi là cần thiết.
- 05.05.2020 Rút ngắn thời gian thi THPT trong 2 ngày với 4 buổi thi giảm bớt áp lực cho học sinh
- 04.05.2020 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT trong ngày đầu học sinh trở lại trường
- 02.05.2020 Liên tục thay đổi cơ chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020, sĩ tử cần chuẩn bị những gì để đạt kết quả cao?
- 29.04.2020 Các điểm mấu chốt trong dự thảo thi tốt nghiệp THPT 2020
- 27.04.2020 Thí sinh giảm áp lực: Thi tốt nghiệp THPT, có thể lấy điểm xét tuyển đại học
Theo TS. Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT), từ quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta cho thấy, khi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chúng ta không có kỳ thi kết thúc các bậc học này. Chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, cũng như đánh giá kết quả của quá trình giáo dục bậc phổ thông ở nước ta.
Do đó, kết quả của kỳ thi này rất quan trọng, được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau, như: điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường; đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục các cấp và cũng được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ông Trinh nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết, kỳ thi này không phải là kỳ thi cạnh tranh (có tính chất lựa chọn) mà là kỳ thi để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Do vậy, nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp và tỷ lệ này có thể cao.
Tuy nhiên, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết, chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra là hoàn toàn khác nhau giữa các địa phương, các nhà trường và các em học sinh, không phải là cào bằng. Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và nâng cao không ngừng (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục).
"Với đặc điểm văn hóa của người Việt Nam, nếu không tổ chức kỳ thi, sẽ có thể không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh không học vì không thi", Cục trưởng nhận định.
Ông Trinh khẳng định, việc kết thúc 12 năm học tập ở bậc phổ thông, học sinh phải tham gia kỳ thi cuối cùng để xét công nhận tốt nghiệp là cần thiết. Kỳ thi này càng có ý nghĩa nếu được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng để sử dụng kết quả vào nhiều mục tiêu khác nhau.
Trước những lo lắng về kỳ thi không được giám sát chặt chẽ, gây ra những bất công bằng giữa học sinh các vùng miền, Cục trưởng cho biết, để đảm bảo tổ chức được Kỳ thi đạt được yêu cầu an toàn, nghiêm túc, khách quan, Bộ GDĐT sẽ ban hành các văn bản quy chế, hướng dẫn; cung cấp các phần mềm sử dụng trong kỳ thi; xây dựng và cung cấp đề thi chung cho cả nước và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành.
Bộ GDĐT đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm đánh giá khách quan, hạn chế những tiêu cực, gian lận như, chỉ đạo công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá trong quá trình một cách nghiêm túc. Trong đó, đã triển khai áp dụng học bạ điện tử để quản lý kết quả học tập của học sinh.
Công bố công khai kết quả học tập trong quá trình của học sinh với kết quả thi tốt nghiệp THPT, phân tích mối tương quan giữa điểm học tập và điểm thi để từ đó phát hiện các bất thường và có giải pháp xử lý phù hợp.
Tiếp tục sử dụng các bài thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng, dùng chung cho cả nước theo một quy trình chấm thi chặt chẽ.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thanh tra các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi và chấm thi. Trong năm 2020, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ, Sở GDĐT, sẽ có đoàn thanh tra của tỉnh để thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi.
Quy chế thi cũng sẽ tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia kỳ thi cùng với các chế tài xử lý nghiêm túc. Tiếp tục tăng cường sử dụng các thiết bị hỗ trợ, giám sát như camera và tăng cường ứng dụng CNTT trong các khâu của kỳ thi.
Ông Trinh nhấn mạnh, với các giải pháp này bảo đảm điều kiện khung để hướng tới kỳ thi nghiêm túc, nhưng quan trọng nhất chính là các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và cả các thí sinh. Do vậy, công tác lựa chọn cán bộ, tập huấn được đặc biệt coi trọng. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, giáo dục để các thí sinh hiểu rõ trách nhiệm, triệt tiêu những ý định tiêu cực để tập trung ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.