(Tổ Quốc) - Nhân dịp TS. Nguyễn Sĩ Dũng mới ra mắt độc giả cuốn “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm”, Công ty Sách Omega Việt Nam và Tạp chí Tia sáng tổ chức buổi tọa đàm quanh nội dung cuốn sách.
Buổi tọa đàm có sự hiện diện của tác giả cuốn sách, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Đăng Dung- Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Nguyễn Cảnh Bình- Chủ tịch HĐQT Công ty Sách Omega Việt Nam điều phối, chương trình diễn ra lúc 14g ngày 20/8/2017 tại Cà phê Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tác giả cuốn sách “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm” (ảnh Vov) |
Cuốn “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm” được xem như là thành quả tổng kết quá trình gần 30 năm tác giả làm việc cho Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước Việt Nam. Mục đích của cuốn sách cũng như của buổi Tọa đàm là xác định và làm rõ những khái niệm cơ bản, từ đó hiểu đúng và có cách thức làm đúng; hướng đến việc xây dựng một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp hơn.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học chính trị hiện nay của Việt Nam. Với vốn tiếng Anh được đào tạo bài bản của thời kỳ xã hội chủ nghĩa và nhờ những chuyến học hỏi kinh nghiệm tới trên 60 quốc gia dưới rất nhiều hình thức khác nhau từ tham quan đến phục vụ công tác lẫn tu nghiệp với đầy đủ các loại hình chế độ chính trị từ hiện đại nhất cho đến các quốc gia đang trên đà phát triển, những điều đó đã giúp ông hình thành được tư duy và kiến thức cho cuốn sách này.
Bìa sách |
Cuốn sách đề cập đến “khái niệm”- một vấn đề rất cơ bản nhưng nếu không hiểu được đúng bản chất của những khái niệm, sẽ không có một cách nào làm đúng. Nhiều khái niệm về Quốc hội của chúng ta hiện nay mới chỉ phản ánh nội dung nội hàm nhận thức trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì không còn như vậy. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra quan điểm, giải thích hết sức độc đáo, sáng tạo đối với những khái niệm mà chúng ta tưởng như lâu nay vốn đã quá hiểu rõ; nhưng rồi khi đọc xong, khi chiêm nghiệm ra, chúng ta mới thấy mình còn hiểu sơ sài, đôi khi còn nhầm lẫn thế nào.
Sau 30 năm đổi mới kinh tế, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi, nhưng trong lĩnh vực chính trị hầu như vẫn không có nhiều thay đổi, hay nói một cách chính xác hơn là thay đổi rất chậm chạp. Chúng ta vẫn cứ lấy Quốc hội với cách thức tổ chức và hoạt động trong nền kinh tế tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường. Quốc hội cho đến hiện nay vẫn là một thể chế được thành lập ra từ một thể chế tập trung quan liêu bao gồm cơ cấu đại diện cho mọi tầng lớp và các địa phương.Tác giả đã đưa ra sáng kiến khắc phục bằng cách đưa ra cách thành lập đơn vị bầu cử thoát ly khỏi đơn vị hành chính địa phương. Hy vọng cuốn sách Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm sẽ góp phần vào sự phát triển của Việt Nam hiện nay.
M.Thư