Hai Nên mang vợ con ra thành phố làm công cũng sắp giáp năm rồi. Gần một năm thắt lưng buộc bụng mà chỉ giành giụm được một ít tiền, biết bao giờ mới gom đủ tiền chuộc mấy công đất gia cư cầm cho ông Tám Trấn lấy tiền thanh toán viện phí cấp cứu thằng con.
Hai Nên mang vợ con ra thành phố làm công cũng sắp giáp năm rồi. Gần một năm thắt lưng buộc bụng mà chỉ giành giụm được một ít tiền, biết bao giờ mới gom đủ tiền chuộc mấy công đất gia cư cầm cho ông Tám Trấn lấy tiền thanh toán viện phí cấp cứu thằng con.
Thằng Siêng xuất viện, anh rước mẹ con nó về cái nhà lá rách te tua để anh đi thành phố làm công. Út Nác vợ anh bảo anh cho em và con đi cùng. Bỏ nhà? Em tính chi vậy? Giữ cái nền nhà này để giữ vườn tược gia cư cha mẹ để lại mà em tính đạp nhà đi luôn. Anh la vậy tội nghiệp em. Cái chuyện đạp nhà xách giỏ đồ bỏ chỗ này đi chỗ khác là nếp sống xưa là việc xưa của ông cố bà cóc ngày mở cõi; em tính vợ chồng mình một chỗ một mâm đỡ hao tốn mà thằng Siêng có cả cha dạy dỗ hằng ngày.
Ông Tám Trấn đứng ngoài vách hông nhà lên tiếng. Cô ấy nói đúng nuôi dạy nó khôn lớn về đất này ở. Cậu cầm đất chớ không chịu bán nhà mà. Cậu coi ai giữ đất cho ông bà già cậu hơn ai. Coi mấy nấm mộ cha mẹ cậu nè. Ông Tám Trấn kéo cái cửa sổ lá dừa, vừa đụng cái cửa lá đã bung tung tóe. Trời đất! Mồ cha mẹ Hai Nên đã được ông Tám cho xây gạch tô hồ đàng hoàng mấy ngày vợ chồng Hai Nên lo cho con nằm bệnh viện. Yên tâm nha! Người cư ngụ chốn nước nổi chịu ở nhà lá nhưng mong ước nấm cỏ thiên thu xây tô không bị sóng nước dập nát mất tiêu. Hai Nên không mở lời được, ai lại cự nự người ta tự động xây mồ cho cha mẹ mình. Ông Tám Trấn vui vẻ, thầy phong thủy bảo nhà tôi cần hướng này yên ả nên tôi mới cầm đất của cậu ấy là tôi đề phòng người khác cầm đất rồi họ làm này làm kia xoay đổi động qua cả bên này. Tôi xây mồ giúp vợ chồng cậu báo hiếu cha mẹ cậu đó. Tôi đặt khắc hai tấm bia đá cho cha và mẹ cậu rồi. Tôi nhớ nằm lòng ngày tháng năm sanh tử theo lịch trên lịch dưới* của ông Nguyễn Hô và bà Lê Thị Son. Từ nay thanh minh tảo mộ vợ chồng cậu khỏi lo đắp nấm đất, cúng giỗ làm ở đâu cũng được vong linh đi mây về gió chỉ cần đốt nhang khấn thỉnh là rõ ràng. Đừng nói chỉ thanh minh, nhà tôi quản gia lo thắp nhang dâng bông, tôi sẽ cho đốt nhang cắm bông tươi ngày mồng một và mười rằm nào trong mỗi tháng lịch dưới.
Út Nác tính nói banh ra cái mưu mô đục nước béo cò mua rẻ vườn đất của ông Tám Trấn qua cái mưu mô tế nhị và xảo quyệt cầm đất xây mồ này nhưng cô lại dồn lời cho chồng vững bụng giữ đất vườn. Út Nác bồng cao con lên, vậy ông bà mình thành Phật tử rồi! Phật được người đời cúng bông thơm nước trong. Adiđà Phật! Không lời nào êm tai Hai Nên hơn. Anh nghe vợ đưa cả vợ con cùng ra thành phố. Hai Nên không chỉ mang trong lòng mối lo chuộc đất vườn, những kỉ niệm bao nhiêu năm vật lộn bươn chải ở quê xứ nhất là chuyện tử sinh đầy nỗi niềm của hai bậc sinh hạ ra mình.
Năm Hai Nên hai mươi tuổi, mẹ Lê Thị Son đổ bệnh. Nhà nghèo, bệnh trọng mỗi ngày mẹ chỉ nuốt vài muổng cháo. Người bệnh gày như xác ve, nằm liệt dầm dề mấy năm liền cái chiếu có nốt rồi thủng lỗ dáng người nằm. Ai thăm mẹ cũng lắc đầu bảo sống vầy cực hơn chết, thương người ước tính người được siêu thoát. Hai Nên và Út Nác thương nhau, cô tới thăm, mẹ Son bỗng ngồi dậy được húp cháo loãng mà khỏe lại. Mẹ bảo Út Nác mang niềm mong ước cháy lòng tới với ta, ta cầu mong có con dâu có cháu, ta phải sống phải khỏe với cháu với con.
Cuộc sống vần xoay tình tội. Út Nác sinh được thằng Siêng tới nội Hô đổ bệnh. Cha bệnh dài hơn mẹ nằm bệnh ngày nào. Cha đã ngoài bảy mươi tuổi bao ngày đêm cầm chèo cấy lúa giăng câu lưới nắng gió đọng trong cốt tủy phủ lục ngũ tạng giờ hành bệnh làm cha teo tóp quặt quẹo. Đêm đêm mẹ ngồi khấn thỉnh, lời cầu xin, câu
Mẹ Son bảo tôi chết, tôi đi trước ông.
Cha Hô bảo tính vầy là bà thương tôi nhưng tôi cầu cho bà đi trước. Vợ chồng ai về già trước sướng hơn vì có người đi sau lo, tôi không giành cái sự sướng này với bà. Này, tôi nghe rõ bà cầu cho tôi đi vào ngày lễ tết.
Mẹ Son bảo tôi cầu đi vào ngày lễ tết, lời đó tôi cầu xin vì con vì cháu. Mình đi đúng ngày tết lễ con cháu nghèo không phải cơ cực lo riêng mâm cơm cúng mình hằng năm.
Chết Tết mất giỗ là lời người giầu. Nhà giầu cỗ bàn linh đình dềng dang mỗi dịp cúng gia tiên người sống tới phần mộ đốt nhang khấn thỉnh rước vong linh về nhà. Chết ngày Tết cỗ giỗ và cỗ Tết là một, bởi vậy họ mới nói chết Tết mất giỗ. Nhà nghèo lo ăn từng bữa không đủ, lo mâm cơm cúng trần thân; nhưng ngày Tết mừng xuân mới cầu an chúc phúc thiêng liêng ráng lo mâm cỗ cúng mời ông bà. Nghèo, chết vào ngày Tết lễ giỗ đỡ cho con cháu lo cỗ cúng ngày thường. Tôi và ông không sinh cùng giờ cùng ngày hay là ta chết cùng ngày tết con đỡ khổ phải lo riêng hai cái giỗ mỗi năm!
Ông Hai Hô cúi đầu. Mạng người, số phận người ai mà tính được sống chết. Ông Hô cầm tay vợ. Hai Mươi Ba tháng Chạp - ngày lễ Ông Táo. Về Trời, bà đi ngày đó lên Trời chớ không xuống âm phủ!
Một đời mần ăn Ông Hai tính việc chi cũng hay. Trồng trọt thì tính xen canh gối vụ lúa màu cây trái thứ nào ông cũng thu hoạch hơn người. Săn bắt thì cách tính lúc ra tay một mũi tên, một cái phóng lao phải trúng đôi trúng ba; gài bẫy, giăng câu lưới, buông lờ, thả lợp đầy nhóc cá tôm lươn ếch chim chuột. Hai Nên nghe cha tính ngày giờ cho mẹ đi may mai. Anh hốt hoảng vào nhà mếu máo năm hết tết đến rồi mà cha mẹ tính bỏ con bỏ cháu. Mẹ nhẹ lời đừng trách cha bỏ chòi về đây. Ông ở chòi chim chóc cả đời thấy mẹ trở bệnh mới vô nhà. Tội nghiệp nằm bệnh liếp vườn. Ông Hai Hô cười, ở chòi tốt chớ. Canh chim chuột dơi dốc giữ trái. Hì hà…hay hơn cả là giữa ban ngày ban mặt mà vườn vắng vẻ, tôi với bà canh chòi ra thằng Hai Nên. Tới lượt nó và con Nác canh chòi có thằng Siêng. Nói chuyện bây giờ thôi, Hai Nên à! Cha ở trong nhà với mẹ ít ngày.
Không phải ngày hai ba tháng chạp Ông Táo chầu Trời mà sau giao thừa Tết Nguyên đán bà Son chào xuân sang nhận thêm tuổi thọ bà mới nhếch mép cười quy tiên quy phật. Ông Hai Hô và các con sửa gối buông mùng đặt bà nằm đó cùng đón năm mới thiêng liêng: mồng một tết, mồng hai tết… tới ngày đưa ông bà thì làm lễ phát tang làm lễ đưa quan rước bà đi yên nghỉ thiên thu cùng các tiên linh.
Ông Hai Hô không sống được tới giỗ đầu bà Son, ông Hai Hô đi theo bà Lê Thị Son đúng ngọ ngày rằm tháng bảy.
***
Hai Nên nói với vợ ngày giỗ cha này cúng tối vì ngày mắc đi làm. Út Nác góp lời mấy bữa nay em cứ nghĩ hoài vợ chồng mình làm giỗ ở quê lúc này chỉ có chỗ đặt mâm cơm cúng trên mộ, mà mâm cơm làm ở quê cũng không có bếp nhóm lửa nêm nấu. Anh tính cúng cha ở đây hay. Hay con khỉ khô. Cái nhà trọ này mạt rệp. Nhà cửa ẩm thấp hôi mốc muỗi mòng, nhà cầu sàn nước dùng chung con trọ xếp hàng lấy nước tắm giặt chộn rộn từ tinh mơ tới đêm khuya. Đám con trọ những cặp vợ chồng nghèo, những cặp chung chạ lục sục hổn hển rồi ngáy như kéo ghe mắc sình. Đám độc thân ngày vùi đầu làm mướn tối bài bạc ngoác mồm chửi thề sát phạt nhau. Cha mẹ sống vườn tược sông rạch rộng thoáng mát lành mà rước ra đây có mà cỗ yến cũng không làm ông bà nín giận. Người bám nước nổi bát ngát gió trời ào ạt bao la sẽ chửi chúng ta chui rúc phố phường bát nháo.
Ở nhà trọ mà thua ở bãi rác.
Ở bãi rác hôi dơ ư? Nói sao cho đúng về bãi rác ta? Bao nhiêu thứ sống hết đời ra rác thải. Đời rác mở ra cuộc sống rác, dòng mưu sinh rác. Mà cái dòng mưu sinh này đầy bợm chạo đầy hấp dẫn. Khối kẻ lắm tiền nhiều bạc xây cất nhà trệt nhà lầu trụ với bãi rác. Kẻ có đất trên bãi nhận tiền bồi thường không di dời. Bên ranh bãi rác bao nhiêu gia đình sinh cơ lập nghiệp, từng nhà từng nhà lấn ranh như chen nhau vào sống chung với rác. Có biết bao chuyện bi hài ố nộ về quan lớn quan nhỏ đảm nhiệm chức tước hoạt động về rác thải ăn rác và những “phu xe rác” kiếm ăn về rác.
Ngày vợ chồng Hai Nên tới đây đã thấy đầy bãi dân rác từ tuổi cổ lai hy tới con nít, có kẻ thân cô có nhà tam đại đồng bãi rác. Dân tứ chiếng ở bãi rác dễ thở hơn, trên đầu mây bay gió thổi dưới đất rác rưởi, lựa chỗ rìa bãi đầu gió căng lều nghỉ qua đêm. Dân bãi rác cũng có đẳng cấp. Đầu tiên phải nhắc tới những tay rác cẩu. Tiệc tùng nhà giàu dọn dẹp đưa thịt cá thừa mứa tới bãi rác hấp dẫn lũ chó đàn chuột tới đây ở tiếp tục bữa tiệc thừa mứa thiu thối. Chó giành ăn gầm gừ cắn xé nhau om xòm. Chó nhà thành chó hoang nói đúng hơn là chó bãi rác - cẩu rác. Đàn cẩu rác con nào cũng mập nùng nục. Trong văn minh ẩm thực xứ này có đặc sản cày tơ bảy món. Thế là ra những người tính những con cẩu rác, các tay rác cẩu. Những tay rác cẩu độc quyền cạm bẫy bắt bán cẩu rác cho nhà hàng ăn nhậu
Rác thượng vàng hạ cám không ngờ được. Hàng trăm tấn rác đổ vào bãi mỗi ngày bao nhiêu là phế thải nhựa, phế thải kim loại sắt đồng nhôm…bươi nhặt bán bộn bạc. Hồi này mọi chuyện đều tùm la tùm lum bông phènh hết biết, nên rác là cám là vàng khó nói lắm. Gặp được áo quần nhà giàu đem giặt rũ mà mặc có khi chính nhà giàu không nhìn ra đồ cũ của nhà mình bỏ đi mà tròn mắt xài đồ thế kia mới là ăn chơi. Người ơi có tin không chuyện này: Mấy choai choai bươi rác, được mấy bộ đồ bò rách tướp tóe diện vào đi phố bao cô cậu con nhà giàu chạy xe đời mới thắng khựng nuốt nước miếng: Siêu trên siêu! Áo quần mài gối khuỷu vai đũng không thể mài hơn được nữa. Dân chơi thứ thiệt đó.
***
Út Nác xài đồ rác kĩ lắm. Lấy thùng lấy chậu lượm được đổ nước bỏ xà bông hoặc muối hoặc thuốc tím rồi cho đồ rác vào ngâm rửa giặt thiệt kĩ mới dùng. Hai Nên phảy tay chẳng cần vậy. Cái bãi rác này chẳng thiếu loại vi trùng bệnh nào. Đừng nói ghẻ lác, ho lao, dịch hạch, sida, AH… hay HA… chi đó, những con bệnh y học chưa nhận diện chưa có tên tuổi chắc vô vàn. Ở đâu bày đặt chích ngừa, dân bãi rác tiếp xúc vi trùng bệnh thường nhật nên dư sức kháng bệnh. Hai Nên là người vi trùng có sâm phạm tá túc cũng chẳng lo dậy bệnh ngã bệnh. Anh có máu huyết kháng ngoại của cha. Cha anh cứ trần mình lội đồng, lội rừng mắm rừng tràm, lặn vàm rạch nắng mưa nọc rắn rít nanh cá sấu chẳng là chi. Cha nào con nấy. Hai Nên thọc tay không vào rác rưởi bươi nhặt phế liệu. Đêm anh vuốt ve vợ, Út Nác thốt lên tay anh như cái nạo dừa, anh mài củ mì em à? Bật quẹt soi mười đầu ngón tay anh bươi rác sần sùi lợm cợm. Lâu lâu soi gan bàn chân anh khi thấy dính một đoạn kim may còn những miểng thủy tinh li ti sáng loang loáng thì lần nào cũng thấy. Lấy các thứ đó ra thiệt khó không biết sao nó cứa lủng da chui vô chân anh được, mà sao anh để chúng nằm đó được. Hô hô anh giống cha, sau này thằng Siêng giống anh. Anh Hai! Không thể để con nhấp nhô trên lưng em tối ngày được. Thì cho nó xuống với rác. Rồi thằng Siêng có lật bãi rác cả đời dẫu có sờn da tróc vảy cũng đừng có lo chuyện tật bệnh. Đời vầy mới nhẹ niềm ở ăn, chẳng phải om xòm rác nhà máy hóa chất, rác bệnh viện… Khỉ khô! Nhưng con mình không biết chữ. Hai Nên còn học được dăm chữ ở miệt vườn chớ lưng em không là sách vở mở mắt cho thằng Siêng, nó ở trên cái lưng con rác thì miễn nhiễm chữ nghĩa luôn nghe. Anh à, tuổi nó phải ở trong vòng tay các cô giáo có nghề nghiệp dạy trẻ. Em nói đúng. Cho nó đi mẫu giáo! Đi học? Đừng nói mình thiếu tiền bạc mà lấy đâu ra giấy tờ thủ tục lề luật cho nó vào lớp ở thành phố này? Yên tâm đi mình bươi móc rác gặp cái giấy khai sanh sửa đi chút síu là êm? Trời đất còn giấy tạm trú tạm vắng. Khỏi lo, người chết ở phố phường không hóa quần áo theo mà quẳng ra bãi rác sổ hộ khẩu rồi cũng có. Không à nhe! Người chết chôn chớ tên hộ khẩu để sống hoài nha, không khai tử không gạch tên hộ khẩu không vứt sổ hộ khẩu. Thôi anh cho em mấy chục ngàn đồng em đi coi bói xem anh bươi rác được như chú Chệt Sài Gòn xưa đi mua ve chai trúng mớ đồ cũ chủ cất giấu tiền muôn vàng kí thành người giàu thượng đẳng không. Anh lắm tiền thằng Siêng khỏi học chữ.
Vợ Nác nói vậy làm Hai Nên phải kiếm nhà trọ, kiếm trường mẫu giáo dân lập cho thằng Siêng.
***
Trước ngày cúng cha Út Nác bảo để em dọn dẹp nhà cửa rước cha. Hai Nên bảo khỏi lo bàn thờ ở nhà trọ. Mình không về quê cúng để ông Tám Trấn “yên tâm” không xoay đặt nhiều mưu mô khó lường mua chiếm kì được vườn đất của mình. Anh tính cúng giỗ ở nhà hàng. Mời cha ra thành phố mà tới cái chỗ trọ vầy ổng chửi mình độn thổ xuống nền nhà ẩm ướt chết ngạt. Lể cúng giỗ ở nhà hàng không biết cha mình có là người hưởng số một không ta?
Hai Nên né nhà hàng xây cất có phòng ốc điện mờ tỏ nhấp nháy, ồn ào nhạc nhảy và các tiếp viên chân dài y phục nghèo ở đại lộ mà anh chọn nhà hàng vườn. Chỗ này chính là nơi những ngày đầu Hai Nên ra thành phố làm công phát cây dọn cỏ dựng những cái tum nhọn vút lên thật hấp dẫn. Ai chứ Hai Nên tới đặt bàn ăn chủ nhà hàng bảo tiếp thị nhân viên phục vụ bàn xinh đẹp có sắc có hồn vía máu chơi cứ rừng rực. Hai Nên không cần tiếp thị phục vụ. Ngoài phần đặt nhà hàng anh còn lo nấu thêm món cúng. Ôi những cái tum nhà Hai Nên dựng đã hóa cải. Bây giờ cái nào cũng sửa cửa hở hở kín kín, đèn thì mờ mờ, bàn ăn thì kê hai ghế dựa và một ghế băng để… nằm như cái chõng hay cái giường một.
Vợ chồng Hai Nên chọn cái tum lánh góc vườn. Bát nhang bốc lên, đồ vàng mã, dĩa gạo dĩa muối được trưng bày. Cơm nhà hàng được lấy úp nén, hột gà luộc sẵn mang theo lột vỏ kẹp giữa hai cái đũa thành chén cơm cúng. Món canh đọt choại tự anh nấu múc từ cặp lồng ra tô. Thành mâm cúng rồi!
Hai Nên chỉ tô canh đọt choại nấu với đậu phộng giã dập nêm muối chớ không nêm nước mắm hay mắm cá. Canh chay! Em có nhớ trước lúc ra đi cha kêu nấu cho ông cháu nồi canh đọt choại chay không? Đó là cha gợi ý món cúng này. Hai Nên lại lẹ tay nấu nồi cháo trắng. Bữa nay anh chuyện nở như nổ gạo. Khi lo cúng giỗ cha anh mới nhớ ra có lần mẹ bảo ông ghiền đọt choại lại ghiền món chuột bao tử, ông không nhắc thì ngày giỗ con cũng nấu cái lẩu chuột bao tử đọt choại và làm các món chuột bao tử hấp, chuột bao tử nướng cúng ông. Hai Nên bắt chuột đồng nuôi chuột bao tử rất hay. Cha cười, mình à cơm cúng kiếng là hương hoa. Tôi tính món chay, tính ngày chay tháng tịnh. Nghe Hai Nên kể tới đây Út Nác ấp tay lên ngực thối lên: Trời đất! Hai Nên nhỏ lời, nói vậy là cha tính ngày chết vì con cháu, tính ngày Rằm tháng Bảy em có hiểu ý ổng không?
Út Nác đã nhìn ra xếp lá chuối tươi Hai Nên lo sẵn. Nác cắt lá lau lá đặt một dãy dài áp chân vách chòi. Em hiểu rồi, Rằm tháng Bảy cúng ông bà và cúng xá tội vong nhân. Hôm nay cúng cha thỉnh mẹ thỉnh gia tiên và cúng cháo thí nữa. Cha đi vào tháng Bảy cho chúng ta lo đạo làm người có hiếu.
Cháo chín múc ra lá.
Hai Nên đã học thuộc bài khấn nôm. Anh nâng ba cây nhang lên xướng quốc hiệu… Anh khấn tên, ngày mất, nơi đặt phần mộ cha Nguyễn Hô và mời cha tới cái Nhà Vườn Tum… nhận lễ giỗ. Hai Nên mời mẹ, mời gia tiên… Hai Nên mời vong linh…
Thằng Siêng được cầm tay cắm nhang cho ông nội Hô.
Ngoài cửa tum có tiếng gợi giọng nho nhỏ. Cô gái đứng ở đó từ hồi nào. Cô tiếp viên xinh đẹp của nhà hàng choàng cái khăn rộng che trùm y phục nghèo để giữ mình cho kín đáo hơn. Cô gái nhỏ nhẹ:
- Xin anh chị cho khấn xá. Xin cho dâng nhang thân nhân của anh chị.
Hai Nên đốt nhang đưa mời. Cô gái khấn thỉnh xưng danh Tư Huệ, nói quê quán, chúc mừng âm linh sống khôn thác thiêng có hậu duệ hiếu nghĩa. Xá xong bàn thờ, cô xá tới những lá cháo thí. Út Nác xích tới:
- Tư Huệ à! Ba mẹ em?...
- Dạ cha mẹ còn sống. Cả cha và mẹ bệnh tới hồi tàn hơi kiệt sức rồi. Em lo tiền bạc.
- Cám ơn đã thắp nhang.
- Em chuẩn bị tiếp khách ở tum bên cạnh nghe mùi nhang mới qua. Em vừa đứng trước cửa lán học cúng giỗ, lo món lúc người sống ưa thích để dâng cúng.
Hai Nên khấn biếu vàng mã, rồi vốc gạo muối rải khắp mặt đất. Út Nác cất lời vui vẻ:
- Có duyên gặp gỡ, Tư Huệ hưởng lộc ông bà với chúng tôi.
- Cám ơn! Em phải đi lo, em ráng cho mau có chút tiền về kịp khi cha mẹ còn nói rõ lời rõ ý.
Út Nác ngồi xuống vừa hóa vàng vừa nhắc anh Hai Nên nói với Tư Huệ đôi lời đi. Chỉ em Tư phải hỏi cha mẹ chi, nghe và ghi nhớ những điều chi trước người thân thương về cõi thiên thu? Được thêm lời vợ, Hai Nên rút sắp tiền trong người đặt vào tay Tư Huệ:
- Lo tiền. Tư Huệ à mình trẻ có biết bao nhiêu mối lo, bao nhiêu nợ đời phải trả cho cuộc đời. Kiếm tiền là một việc quan trọng. Cha mẹ bệnh sắp đi là việc nóng, một việc thiêng liêng. Phải ở bên cha mẹ nghe lời li biệt để làm con làm người. Lời người sắp chết là những lời hay. Sáng mai ráng đò giang về nhà thiệt sớm nghe. Còn bây giờ hưởng lộc …
Tư Huệ ôm thằng Siêng ngồi bên Út Nác hóa vàng, lửa múa bùng bùng lửa reo phần phật.
Tro vàng mã bay lên cuốn ra ngoài cửa tum hồng rực.
Cần Thơ 2010
Truyện ngắn Lương Minh Hinh
--------------
* Lịch trên, lịch dưới Người phương Nam nói Dương lịch là Lịch trên, Âm lịch là Lịch dưới- hình ảnh thường thấy ở lịch in treo trường.