• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cùng “gặp lại” nhà văn Băng Sơn, dịch giả Nguyễn Bích Lan, GS Thái Kim Lan tại hai miền

Văn hoá 07/07/2017 06:57

(Tổ Quốc) - Trong hai ngày 7-8/7 tại đường sách Hà Nội và đường sách TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra các buổi ra rắt sách.

Băng Sơn và những thú chơi hào hoa của người Hà Nội xưa  

Vào lúc 20h ngày 8/7 tại Sân khấu trung tâm Phố Sách Hà Nội sẽ diễn ra buổi ra mắt sách mang tên: Băng Sơn và thú ăn chơi người Hà Nội.

Cố nhà văn Băng Sơn được xem là một trong những cây bút tản văn, tùy bút xuất sắc bậc nhất của văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Trong toàn bộ các sáng tác của nhà văn Băng Sơn, đề tài Hà Nội là  chủ đạo, xuyên suốt và cũng là mảng đề tài đẹp nhất của ông.

Tại buổi ra mắt sách, độc giả sẽ được cầm trên tay 3 cuốn sách: 2 tập tùy bút Thú ăn chơi người Hà Nội và Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn do NXB Hà Nội và Huy Hoàng ấn hành. Những cuốn sách của nhà văn Băng Sơn  mang đến trải nghiệm thú vị về con người Hà Nội ở những phương diện bình dị của cuộc sống là ăn và chơi. Những cái thú ấy đã được nâng lên thành một nghệ thuật, thành giá trị sống, nó trở thành những kí ức khó quên trong lòng người, như lời thủ thỉ của chính tác giả: “có ai mà không ghi nhớ những ngày thơ ấu có tết Đoan ngọ với bữa giết sâu bọ lúc sáng sớm. Cái tục lệ đi tắm lúc bình minh rồi ra đồng hứng những giọt sương trong bông hoa vừng về tra mắt…”.

Bộ 3 cuốn sách về Hà Nội của nhà văn Băng Sơn

Từ tản mạn về ăn, tản mạn về uống, người Hà Nội ăn quà, bữa ăn thường ngày, cái bàn nước, nhịp quả đầu mùa, bát nước chấm, gia vị, món luộc, cơm nắm, ngẩu pín và tái sách, bún, bánh đúc quê hương, bánh dày bánh giò, xôi lúa, phố ngắn nhất và thịt bò khô, phá xang, bánh cuốn Bà Hai Tầu… cho đến tản mạn về chơi, xem hát, ca nhạc ở nhà, thú sưu tập, chơi lá, hoa tết, hàm rằng, mái tóc, cái mũ, chuyện giầy dép, nét mặc một thời, tấm thiếp, ngắm trăng, màu say đắm, tiếng ru. Rồi lang thang qua mấy chữ “Hàng” gợi cảm, bài thơ áo dài, hương đêm Hà Nội, ngõ Hà Nội, mưa trên phố, Hà Nội mùa sương, cây xanh Hà Nội, đám tang ngày trước, hoa cúng, chợ hoa.

Những điều tưởng như giản đơn, rất đỗi bình dị trong cuộc sống nhưng nó đại diện cho phong cách của con người một thời. Người Hà Nội là thế đó, từ thú ăn, cho đến thú chơi đều toát lên những nét kiêu sa, thanh lịch. Nếu như ai chua thật sự hiểu về người Hà thành hãy cũng trải lòng với nhà văn Băng Sơn qua 2 cuốn sách Thú ăn chơi người Hà Nội và Thú lang thang người Hà Nội.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của gia đình nhà văn Băng Sơn, nhà thơ Vân Long; Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.

 Ra mắt hai cuốn sách về mẹ

Vào lúc 8h30 ngày 7/7 tại tại sân khấu Đẹp, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra buổi ra mắt sách hai cuốn sách về mẹ: Thư gửi con của GS Thái Kim Lan và Màu của nước (James Mc Bride) do dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ.

“Thư gửi con” là cuốn sách tập hợp những lá thư và tùy bút (bằng tiếng Đức và tiếng Việt) mà Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan dành cho con gái Mai Lan. Đó là câu chuyện mà một người mẹ rất hiểu về thai giáo và Phật pháp đã áp dụng để nuôi con khôn lớn.

Bìa cuốn sách Thư gửi con.

Một em bé Việt Nam sinh ra ở Đức nhưng được nằm trong cái nôi tre thuần Việt,  được bú mẹ hàng giờ thay vì phải ngậm nắm vú cao su vô cảm, được bố ôm ấp, được mẹ hát ru... Em bé ấy không chỉ nói “sõi” tiếng Việt mà còn nói “đặc sệt” giọng Huế - một điều hiếm thấy trong gia đình người Việt ở nước ngoài. Mai Lan – tên em bé - lớn lên giữa hai ngôn ngữ mà không hề gặp rào cản về trí tuệ, là vì từ khi mới sinh ra cho đến lúc hai tuổi, em đã được nuôi dưỡng bằng  tình thương trìu mến, bao dung và sự thận trọng về dinh dưỡng, hình thành nên bản ngã với khả năng vượt giới hạn và trải nghiệm tự do. Đối với mẹ của em bé – Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan – “điều quan trọng nhất cho một đứa bé, ngoài dinh dưỡng là cuộc đối thoại không ngừng”. Tất cả những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, từ vẻ đẹp của chiếc lá vàng rụng trước sân hay bóng trăng rọi trên tường, người mẹ đều cùng con quan sát, khám phá và cảm nhận.

Cuốn sách bán được 2,5 triệu bản, dịch 16 thứ tiếng và xuất bản tại 20 quốc gia.

Màu của nước  là cuốn tự truyện của nhà văn Mỹ James McBride viết để tưởng nhớ người mẹ của mình, một phụ nữ gốc Do Thái da trắng kết hôn với người những người đàn ông da đen. Vượt lên bi kịch cá nhân, sự thiếu thốn về vật chất, sự ngược đãi về tinh thần và mọi sự phân biệt đối xử, bà đã nuôi dạy mười hai đứa con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học. Đó cũng là câu chuyện về hành trình đi tìm cội nguồn, cái tôi, sự tự tin và ý nghĩa cuộc sống của một đứa con lai da đen, đại diện cho hàng triệu người da đen ở Mỹ. Câu chuyện được kể một cách chân thực và hóm hỉnh bằng ngôn từ giản dị nhưng không kém phần sâu sắc được thúc đẩy bởi sự cảm thông và sự khách quan đáng kinh ngạc, tác giả đã khẳng định rằng mỗi con người sinh ra trên đời này dù mang màu da nào, có xuất thân như thế nào đều xứng đáng được đối xử công bằng và nhân văn, rằng mọi sự phân biệt và kỳ thị không đủ sức mạnh để ngăn cản con người ta chia sẻ những giá trị chung trường tồn của nhân loại như tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự kiên cường, ý chí vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tác phẩm “Màu của nước” ra mắt lần đầu năm 1995, trở thành một hiện tượng xuất bản với kỷ lục nằm trong danh sách Sách bán chạy nhất của New York Times trong 100 tuần, được coi là tác phẩm văn học kinh điển của Mỹ, từng được trao các giải thưởng Anisfield-Wolf Book Award năm 1997 cho tác phẩm văn học xuất sắc, và là cuốn sách về người mẹ mà Amazon khuyên mọi độc giả nên đọc. Đến nay, cuốn sách đã bán được 2,5 triệu bản, được đọc tại các trường trung học và đại học trên khắp nước Mỹ, được dịch ra 16 thứ tiếng và xuất bản ở 20 nước trên thế giới.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ