(Tổ Quốc) - Sau 75 năm, “Ngày hội non sông” thứ 15 được tổ chức, nhưng trong một bối cảnh đặc biệt khác.
Hôm nay là một ngày vô cùng trọng đại và đặc biệt bởi 69.198.594 cử tri cả nước sẽ tới 84.767 khu vực bầu cử để thực hiện quyền làm chủ, để trực tiếp cầm lá phiếu lựa chọn cho mình những đại biểu xứng đáng nhất.
75 năm trước, chỉ hơn 4 tháng sau ngày Độc lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - đó là ngày Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Ý nghĩa Tổng tuyển cử" để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia một cách đầy đủ ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bài đăng trên báo Cứu Quốc số 130, ngày 31/12/1945, trong đó có nội dung: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử... Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết...".
Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Người đã có "Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu", đăng trên báo Cứu Quốc số 134, ngày 5/1/1946: "Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử...".
Chúng ta thấy trong Lời kêu gọi của Người toát lên niềm háo hức chưa từng có, bởi sự kiện như thế chưa từng bao giờ diễn ra.
30 năm sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, vào ngày 25-4-1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung lần thứ 2 được diễn ra trên phạm vi cả nước
Trong niềm vui chung Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải, hơn 23 triệu cử tri cả nước, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu ưu tú vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976-1981) - Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Như một sự trùng hợp kỳ lạ của lịch sử. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đúng tròn 75 năm.
Nhưng "Ngày hội non sông" thứ 15 được tổ chức trong một bối cảnh đặc biệt khác. Đó là cuộc bầu cử diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang triển khai thực hiện và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, đây là sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước, góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đặc biệt nữa, đó là cuộc bầu cử lần này nhằm để bầu ra các đại biểu Quốc hội tiếp nối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vốn rất thành công với nhiều dấu ấn sâu đậm, một nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV được nhận định là đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Một nhiệm kỳ mà "dù khiêm tốn cách mấy, chúng ta cũng có thể đánh giá được, rất trọn vẹn"… Vì thế nên, mỗi lá phiếu bầu từ cử tri tại cuộc bầu cử lần này càng chứa đựng thêm nhiều trách nhiệm.
Những ngày này, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia, không ngoại trừ Việt Nam của chúng ta. Có thể nói, trong lịch sử nước ta, chưa từng có cuộc bầu cử nào diễn ra trong bối cảnh bị Covid bủa vây. Nhiều tháng nay, đất nước chúng ta vẫn vừa phải chuẩn bị cho bầu cử, vừa lo chống dịch. Mỗi ngày, thông tin tuyên truyền bầu cử đều xen kẽ với thông tin về phòng, chống dịch, thông báo các ca lây nhiễm… Mặt khác, các lực lượng chức năng luôn nỗ lực ngày đêm truy vết, khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm vắc xin để duy trì các hoạt động dân sự bình thường… bởi đây là nền tảng quan trọng để tiến hành bầu cử thuận lợi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng từng nói rằng, cuộc bầu cử lần này rất đặc biệt. Đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất từ trước tới nay trên địa bàn của gần một nửa số tỉnh, thành phố của cả nước mà nhiều nơi phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Ứng phó với tình hình mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn, công điện chỉ đạo các địa phương xây dựng các kịch bản, kế hoạch phòng chống lây lan Covid-19 trong quá trình chuẩn bị bầu cử và đặc biệt là trong ngày bầu cử 23/5.
Với sự lãnh đạo của Đảng, sự chuẩn bị của Quốc hội nhiệm kỳ XIV, nỗ lực của Chính phủ, sự đóng góp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, của các địa phương… cuộc bầu cử đã diễn ra đúng thời gian, đúng tiến độ. Những khu vực bầu cử sớm do tính chất đặc thù (hải đảo, biên giới…) cũng đã được thực hiện, các phương án bỏ phiếu tại các điểm phong tỏa, cách ly do dịch bệnh cũng đã được chuẩn bị... nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho cuộc bầu cử.
Không chỉ là việc bảo đảm an toàn dịch bệnh cho cuộc bầu cử, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 18/5, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đã tập trung phản ánh không khí chuẩn bị cho cuộc bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch...
Về công tác nhân sự đã được tiến hành đúng quy trình, chặt chẽ theo từng bước nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương công việc được giao.
Thời gian trước ngày bầu cử, qua phương tiện truyền thông đại chúng, người dân mọi miền đất nước cũng đã có cơ hội tìm hiểu, đánh giá từng ứng viên từ Hội đồng nhân dân các cấp tới Quốc hội. Dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng các ứng cử viên đều bình đẳng trong phương thức tiếp xúc cử tri như trực tiếp gặp gỡ, sử dụng mạng xã hội trao đổi với cử tri…để trình bày chương trình hành động của mình.
Chúng ta đều hiểu rõ, sự lựa chọn của cử tri hoàn toàn quyết định người ứng cử nào trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sư lựa chọn của cử tri là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo hành lang pháp lý, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội…
Vì thế, trong không khí náo nức, rộn ràng của ngày hôm nay, cử tri cả nước hãy làm tốt vai trò, vị trí làm chủ đất nước của mình, tích cực đi bầu và sáng suốt để lựa chọn các đại biểu mà mình tin tưởng nhất, xứng đáng nhất, nói lên tiếng nói xây dựng cho đất nước, cho ngành, cho giới của mình.
Vì đây là cuộc bầu cử đặc biệt nên một lần nữa, cử tri hãy đừng quên tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để cuộc bầu cử diễn ra thành công trọn vẹn./.