• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc chiến "một mất một còn" của 2 thế lực đen tối ở Syria và Libya: Nga - Mỹ cũng bó tay?

An ninh trật tự 25/05/2020 19:16

(Tổ Quốc) - Hai quốc gia này đang chơi một "trò chơi vương quyền" trên các chiến trường ủy nhiệm Syria và Libya và hiểu rõ rằng kết quả cuối cùng sẽ chỉ có một bên chiến thắng.

Ngày 24/5, trang tin Eurasia Review đăng tải bài phân tích nhan đề: "UAE-Turkish Rivalry Wreaks Regional Havoc In Libya And Syria" (tạm dịch: Trò chơi phá hoại của UAE và Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya và Syria) của tác giả James M. Dorsey.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, chỉ ra một số nguyên nhân sâu xa khiến các thế lực trong khu vực tiếp tục "thêm dầu vào lửa" và khiến các cuộc xung đột Libya và Syria kéo dài và đẫm máu, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Các thế lực chủ chốt trong cuộc xung đột ở Libya và mối quan hệ với chiến trường Syria

Ở Trung Đông và Bắc Phi, cuộc đối đầu giữa Iran và Arab Saudi luôn là chủ đề được truyền thông khu vực khai thác triệt để.

Nhưng khu vực này cũng tồn tại một cuộc cạnh tranh khác có sức hủy diệt không hề thua kém giữa một bên là Thổ Nhĩ Kỳ và bên còn lại là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trong con mắt của các nhà phân tích khu vực, Arab Saudi có thể đang chịu "lép vế" trước ưu thế của Iran còn ở cuộc đối đầu còn lại, Ankara và Abu Dhabi đang "kẻ tám lạng, người nửa cân".

Tại Libya, dưới danh nghĩa của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), dân quân và lính đánh thuê Syria được Thổ hậu thuẫn đang đẩy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do UAE, Arab Saudi và Ai Cập hậu thuẫn ngày càng xa khỏi miền tây Libya.

Cuộc chiến một mất một còn của 2 thế lực đen tối ở Syria và Libya: Nga - Mỹ cũng bó tay? - Ảnh 1.

Bản đồ cho thấy các vị trí LNA đã thất thủ trước các đợt tấn công của dân quân Libya và lính đánh thuê Syria dưới sự chỉ huy của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực phía nam thủ đô Tripoli.

Để so sánh, có thể thấy rằng tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya hoàn toàn khác Syria, Ankara nhận ra rằng "ván cờ" lợi ích mà họ đang "chơi" ở quốc gia láng giềng có quá nhiều "biến số" và chỉ đặt ra các mục tiêu hoàn toàn hạn chế.

Ở Syria, Ankara quyết tâm ngăn chặn việc lực lượng người Kurd thiết lập một khu vực tự trị dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng như kiểm soát các nhóm vũ trang ở "Idlib lớn", nơi được coi là "thành trì cuối cùng" của phe đối lập Syria.

Áp lực kinh tế và chính trị liên quan tới khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria cũng là một vấn đề "đau đầu" khác mà Ankara phải đối mặt, nó cho thấy nỗ lực ngăn đà tấn công của Quân đội Syria (SAA) ở tỉnh Idlib của Thổ chủ yếu nhằm mục đích ngăn dòng người tị nạn vượt biên.

Nhưng ở Libya, cuộc can thiệp quân sự đang diễn ra của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) không chỉ nhằm tái định hình quốc gia Bắc Phi trở thành một đồng minh ở khu vực và kiểm soát vùng biển giàu tài nguyên ở Địa Trung Hải.

Nó bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh địa chính trị, tôn giáo khắp thế giới Hồi giáo - chủ yếu diễn ra ở Trung Đông và Châu Phi giữa một bên là phong trào Huynh đệ Hồi giáo và bên còn lại là các thế lực cầm quyền bao gồm các hoàng gia Vùng Vịnh.

Về cơ bản, các nỗ lực phản đối chính trị hóa Hồi giáo của UAE - đã thổi bùng các cuộc đối đầu quân sự với Ankara, làm phức tạp (nếu không muốn nói là làm đổ vỡ) các nỗ lực giải quyết xung đột ở Libya và Syria.

Các tay súng trung thành với GNA trong một cứ điểm bị bỏ lại của lực lượng LNA tại khu vực phía nam thủ đô Tripoli ngày 24/5/2020.

UAE - Thổ Nhĩ Kỳ: Tỉ số 1 đều?

Cùng với các thắng lợi gần đây tại miền tây Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến gần tới một chiến thắng sau khi đẩy lui LNA khỏi căn cứ chiến lược al-Watiya và khu vực xung quanh gần "ngã ba biên giới" Libya, Tunisia và Niger.

Còn tại Syria, ít ai ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang "chật vật" để duy trì lợi ích của mình trong tương lai hậu chiến. Lập trường của UAE suốt 9 năm chiến tranh ở Syria được cho là cân bằng giữa chính phủ Damascus và các phe phái đối lập. Nhưng nay mọi sự đã khác.

Thái tử UAE Mohammed bin Zayed (MbZ) được cho là đã hứa hỗ trợ chính phủ Damascus một khoản tài chính khổng lồ cho việc tái thiết - vào khoảng 3 tỷ USD vào tháng 4/2020. Abu Dhabi cũng đã đã nhanh chóng chuyển khoảng "đặt cọc" trị giá 250 triệu USD.

Số tiền nói trên đi kèm một yêu cầu nhằm phá bỏ lệnh ngừng bắn ở Idlib, buộc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) sa lầy trong cuộc chiến với SAA và các đồng minh ở Syria và ảnh hưởng tới hoạt động của Ankara ở Libya.

Tuy nhiên việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad bác bỏ đề nghị nói trên đã vô tình giúp Ankara có cơ hội tập trung vào chiến trường Libya những tuần gần đây.

Cuộc chiến một mất một còn của 2 thế lực đen tối ở Syria và Libya: Nga - Mỹ cũng bó tay? - Ảnh 3.

Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan (MbZ) hiện là Phó Tư lệnh Tối cao Các lực lượng vũ trang UAE và được cho là đang lãnh đạo chiến dịch chống lại phong trào Huynh đệ Hồi giáo trên khắp Trung Đông và Bắc Phi.

Nhưng UAE vẫn còn một "con bài chiến lược" chưa dùng tới.

Cũng như Arab Saudi, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington đang bị giảm sút nghiêm trọng. Còn đối với UAE, họ đã "đi dây" khéo léo tới mức có thể tận dụng mối quan hệ thân thiết với không chỉ người Mỹ mà còn cả người Nga.

Quan hệ Mỹ - Thổ đang căng thẳng vì nhiều vấn đề, bao gồm việc mua sắm hệ thống phòng không S-400 cũng như việc hợp tác chặt chẽ với Nga và Iran, và việc nhà truyền giáo Fethullah Gulen người mà Tổng thống Thổ Erdogan cáo buộc chủ mưu của cuộc đảo chính năm 2016.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng phức tạp không kém. Tại Syria và Libya, Ankara và Moscow đang đứng về phía các phe phái đối lập nhau.

Trong khuôn khổ của cái gọi là chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" ở tỉnh Idlib, SAA với yểm trợ của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã lần đầu tiên công khai đối đầu trực tiếp với TAF.

Còn ở Libya, máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục phá hủy các hệ thống phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất, đẩy lui hàng trăm lính đánh thuê của công ty Wagner - tổ chức có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin và tham chiến về phe LNA của Tướng Haftar.

Nếu hỗ trợ của Nga dành cho Tướng Haftar là nhằm mục đích tận dụng cơ hội để "dập lửa", thì sự ủng hộ của UAE là một phần trong quyết tâm của Hoàng tử Mohammed nhằm ngăn chặn sự mở rộng của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo khắp Trung Đông và Bắc Phi.

Một đoạn phim được cho là máy bay vận tải quân sự An-72 của Nga vận chuyển tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 tên khung gầm xe Kamaz tới sân bay Bani Walid do LNA kiểm soát.

Kết luận

Theo Sinan Ulgen, một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đối ngoại (EDAM) có trụ sở tại Istanbul:

"Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đang chơi một "trò chơi vương quyền" trên các chiến trường ủy nhiệm, điềm xấu cho những người bất đắc dĩ bị lôi kéo vào nó.

Tuy nhiên cả hai đều coi đây là trò chơi "được ăn cả - ngã về không" (Zero-Sum Game) là tình huống mà trong đó, những gì mà người thắng thu được bằng đúng số thua lỗ của người thua".

Tác giả James M. Dorsey là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.

Cuộc chiến một mất một còn của 2 thế lực đen tối ở Syria và Libya: Nga - Mỹ cũng bó tay? - Ảnh 8.

Các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 trên khung gầm xe tải MAN SX của UAE đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của LNA ở miền tây Libya.

Hoài Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ