Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của người cha già và con trai khờ lưu lạc 18 năm: Sức mạnh của mạng xã hội và lòng tốt người dưng xóm chợ
(Tổ Quốc) - 18 năm đi lạc cách xa quê cả ngàn cây số, người đàn ông khờ khạo được người dân xóm chợ tại Trà Vinh cưu mang. Cũng nhờ sự giúp đỡ từ những "người dưng", nay anh Chung đã tìm được gia đình ở Đà Nẵng và trở về trong vòng tay người cha đã 87 tuổi.
Sức mạnh của mạng xã hội và lòng tốt của người dưng
Những ngày qua, căn nhà của ông Trần Công Bót (87 tuổi) ở thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) liên tục có người ra vào để hỏi thăm, chúc mừng cụ đã được đoàn tụ với cậu con trai khờ khạo, lưu lạc xa quê cả ngàn cây số, ròng rã 18 năm nay.
Lãnh đạo huyện Hòa Vang và xã Hòa Khương cũng đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Bót. Hiện, chính quyền địa phương đang làm các thủ tục như căn cước công dân, hỗ trợ kinh phí để anh Chung và gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Ông Bót là cựu chiến binh, tham gia cách mạng và là chiến sĩ xưởng 74, công binh Đặc khu Quảng Đà. Sau kháng chiến chống Mỹ, mang trong mình thương tật hạng 2/4, ông Bót trở về quê hương lập gia đình và sinh được 3 người con. Thế nhưng, người con đầu không may mất sớm, còn lại cô con gái và con trai út là anh Trần Công Chung (SN 1980) từ nhỏ đã mắc bệnh chậm phát triển do nhiễm chất độc da cam.
Ông Bót kể, vào một buổi chiều năm 2006, anh Chung nói đi xuống nhà chị ruột chơi nhưng không may đi lạc và mất tích từ đó. Thời điểm này, không ai biết anh Chung đi đâu, bà con hàng xóm chỉ thấy chàng khờ lên một chiếc xe buýt chạy tuyến Hòa Khương - Đà Nẵng.
Sau nhiều năm tìm kiếm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín, gia đình cứ tưởng anh Chung không còn sống nữa. Rồi 10 năm trước, vợ ông Bót qua đời, con gái lập gia đình riêng, kể từ đó, ông Bót sống côi cút một mình trong căn nhà vắng, ngày ngày vẫn nuôi hy vọng gặp lại đứa con trai độc đinh.
Và, phép màu đã tới, đầu giữa tháng 3/2024, bà Trần Thị Sốt (cô ruột anh Chung) vô tình xem được video trên youtube nói về việc một người đàn ông bị lạc gia đình, đang sống ở Chợ Phường 6, thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).
Trong video, người đàn ông này chỉ biết mình tên Chung và không nhớ đến từ đâu. Bà con tiểu thương xóm chợ cũng chỉ nhớ, gần 20 năm trước, họ thấy chàng trai với dáng vẻ khù khờ, kém nhanh nhẹn bước xuống từ trên chiếc xe khách. Người dân đó hỏi quê quán, họ tên bố mẹ,… anh đều "lắc đầu", chỉ ú ớ nói một chữ "Chung".
Kể từ đó, bà con tại khu chợ này đã xem anh Chung như người thân của mình. Hằng ngày, chàng khờ cứ thế lang thang ở xóm chợ, được mọi người cưu mang, cho tiền, tặng đồ ăn và thu xếp chỗ ngủ tử tế. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các tiểu thương cũng là người đứng ra cam kết để anh Chung được tiêm vắc xin.
Cảm động và nhận thấy người đàn ông trong clip rất giống đứa cháu của mình bị thất lạc, bà Sốt vội nói người thân liên hệ với chủ kênh Youtube để tìm hiểu sự tình.
Khi có được thông tin, gia đình lục lại hình ảnh của anh Chung để đối chiếu, rồi chuyển hình ảnh cho Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM nhờ trợ giúp. Sau đó, đích thân ông Trần Hùng Phong - Chủ tịch Hội đã cùng 2 người bạn tức tốc xuống TP Trà Vinh để xác minh sự việc. Khi có thông tin chính xác, gia đình đã tức tốc lên đường vào miền Tây để tìm anh Chung.
"Lúc đi gia đình có lấy mẫu tóc, móng tay của ba để xét nghiệm ADN phòng trường hợp Chung không nhận ra gia đình. Nhưng tới nơi thì thấy không cần nữa đâu vì quá đúng rồi", anh Đỗ Quốc Chinh (anh rể anh Chung) nhớ lại.
Cuộc trùng phùng sau 18 năm thất lạc
Ngày chị gái và anh rể từ Đà Nẵng vào chợ Phường 6 đón Chung, cả xóm chợ vây quanh. Ai cũng khóc, khóc vì mừng cho chàng trai khờ và khóc vì bịn rịn sắp phải chia xa "người thân" của khu chợ này, nơi có những con người đã mở rộng vòng tay cưu mang anh Chung suốt gần 20 năm qua.
Cảm kích trước tình thương của người dân khu chợ, gia đình anh Chung đã ở lại một ngày, đi khắp chợ để cảm ơn những tiểu thương nơi đây đã cưu mang, đùm bọc đứa con duy nhất của gia đình suốt thời gian dài.
Đặc biệt, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM cũng đã làm việc với hãng hàng không để đứng ra xác minh, giúp mua vé máy bay và đưa đón, lo ăn ở để gia đình có điều kiện đi lại trong thời gian ở các tỉnh phía Nam khi đón Chung về quê. Không chỉ vậy, hội còn làm sổ tiết kiệm 30 triệu đồng hỗ trợ anh Chung khi về địa phương sinh sống.
Ngoài ra, nhóm "Kết nối yêu thương Hòa Vang" cũng tặng vé máy bay, đưa đón, lo ăn ở cho gia đình trong những ngày vào đón anh Chung về nhà.
"Chúng tôi xin cúi đầu cảm ơn các tiểu thương tại chợ Phường 6, những người đã cưu mang, chăm lo cho cháu tôi. Nếu không có mọi người và mạng xã hội thì cháu tôi không thể trở về nhà được. Gia đình tôi cũng rất cảm kích trước tấm lòng của mọi người tại Trà Vinh và những người dân hàng xóm, Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM, chính quyền địa phương đã đến lo cho gia đình mấy ngày qua… Ân tình đó chúng tôi mang theo suốt đời", bà Sốt tâm sự.
Chiều 12/3, ngày con trai về, ông Bót nằng nặc đòi ra tận sân bay Đà Nẵng để đón. Khi thấy bóng con gái dìu em trai gầy nhom tiến ra cửa sân bay, ông Bót chạy ào tới rồi òa khóc "Ôi Chung ơi… ba đây! Ba, ba này… kêu ba đi. Trời ơi con tôi". Anh Chung ú ớ gọi "Ba… ba" rồi khóc mếu máo như đứa trẻ. Cả hai ôm chầm lấy nhau rồi cùng nghẹn lại...!
Cuối cùng, chàng khờ lưu lạc cũng được trở về nhà nhờ ân huệ từ những "người dưng". Anh Chung đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, trong sự hạnh phúc nghẹn ngào của người cha già, cùng sự chào đón của bà con chòm xóm thôn Phú Sơn Tây. Ai cũng trầm trồ, thật nhờ cơ duyên, cảm ơn sự thiện tâm, hào sảng của bà con, tiểu thương xóm chợ tại TP Trà Vinh, đã cưu mang, đùm bọc, chở che anh Chung suốt 18 dài để được trở về quê.
Hạnh phúc ôm chầm lấy người con trai khờ khạo vừa được đoàn tụ sau 18 năm lưu lạc nơi xứ người, ông Trần Công Bót rưng rưng nước mắt: "18 năm nay, ngày nào tôi cũng thắp hương xin mẹ nó phù hộ sớm tìm được đứa con trai duy nhất mất tích. Nhà còn mỗi hai chị em, nó khờ khạo từ nhỏ, lại thất lạc giờ không biết nơi đâu. Ơn trời giúp đỡ, tôi đã được gặp lại con trai, thấy nó vẫn mạnh khỏe tôi mừng lắm. Giờ tôi có chết cũng nhắm mắt được rồi!".