Từ giã cõi đời ở tuổi 94, Kim Dung đã để lại sự tiếc thương cho hàng vạn người hâm mộ lớn lên cùng những bộ tiểu thuyết võ hiệp của ông. Giành cả cuộc đời để viết những áng văn như truyền thuyết, cuối cùng ông cũng đã thực sự trở thành một truyền thuyết.
Ngày 30 tháng 10 năm 2018, nhà văn tài hoa Kim Dung đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện bệnh viện Hong Kong Sanatorium & Hospital, hưởng thọ 94 tuổi, để lại sự thương tiếc cho hàng vạn người hâm mộ Trung Quốc và nhiều nước khác, bao gồm cả Việt Nam.
Nhìn lại cuộc đời với những mốc son sáng chói trong sự nghiệp của ông, mặc dù biết rằng bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn, ai cũng phải trở về với cát bụi, nhưng Kim Dung thực sự đã sống trọn vẹn một cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa, khi những áng văn của ông đã lay động biết bao nhiêu trái tim người đọc. Người ta cung kính gọi Kim Dung là Kim Tiên Sinh, một cách để tỏ lòng kính trọng trước tác gia vĩ đại của văn học Trung Hoa.
Có thể nói, không có người Trung Quốc nào không biết Quách Tĩnh và Kiều Phong. Trong hơn nửa thế kỷ, bất kể giới văn học, lịch sử và báo chí đã bình luận gì về ông, cái tên Kim Dung vẫn như đã bị phong ấn trên bàn thờ võ thuật, không tác động nào có thể khiến nó lung lay. Ông đã sử dụng ngòi bút của mình để tạo nên một “chốn giang hồ", một “Kim Dung kiếm hiệp Universe” hiện lên chân thực bằng xương bằng thịt trước mắt độc giả với hàng tá những nhân vật nghĩa hiệp tài ba, hay tâm cơ xảo quyệt.
So với những sóng gió cuộc đời trên mặt giấy, Kim tiên sinh không bao giờ tự viết về bản thân mình. Ông nói rằng trong mắt ông chỉ có hai loại tự truyện, một là dối trá, và cái kia là sự thật. Kim Dung nói với báo chí: “Mang tất cả những câu chuyện riêng tư của mình kể hết cho người khác thì có lợi gì cho tôi đâu cơ chứ?".
Con đường trở thành cây bút kiếm hiệp nổi danh
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 6/2/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng danh giá có truyền thống học thuật, Kim Dung từ nhỏ đã mê đọc sách, lại thích nghe kể chuyện thần thoại, truyền thuyết, đó chính là khởi nguồn để tạo nên một nhà văn tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng sau này.
Từ năm lên tiểu học, Tra Lương Dung đã bắt đầu làm quen với nghiệp viết và gắn bó với nó suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Những tưởng chỉ là một cuộc dạo chơi thuở thiếu thời với văn học, nhưng đến năm 1946, Tra Lương Dung thoát ly gia đình, bộc lộ thiên phú và gắn bó với nghề báo như một sở thích và cùng là một công cụ để mưu sinh. Không chỉ viết báo, ông còn phê bình điện ảnh, dần đi sâu vào lĩnh vực này và cho ra đời nhiều kịch bản phim hay, mang lại thành công đáng kể cho một số diễn viên thời đó.
Kim Dung khi còn trẻ
Đến năm 1955, Tra Lương Dung bước vào năm thứ 7 làm việc tại Đại công báo. Đến một ngày, chủ bút tờ Tân vãn báo - La Phu tìm đến gợi ý muốn ông viết truyện dài kỳ đăng hàng ngày trên tạp chí. Vốn hâm mộ tay bút trước đó là Lương Vũ Sinh, Tra Lương Dung nhận lời thử sức. Tuy nhiên qua đến ngày thứ 2, mặc cho biên tập phái người đến thúc giục, ông vẫn không thể nghĩ ra được chữ nào. Tình cờ nhìn thấy người tạp vụ già được bên toàn soạn phái đến, bất chợt cảm hứng ùa về, ông khai bút: "Một người gần 60 tuổi, râu tóc bạc phơ, nhưng ánh mắt sâu thẳm vẫn toát ra sự tinh nhạy hiếm có...", đó cũng chính là những dòng mở đầu trong tiểu thuyết đầu tay "Thư kiếm ân cừu lục" của Tra Lương Dung.
Từ đây, ông cũng tách chữ Dung (鏞) trong tên mình ra thành hai chữ "Kim Dung" (金庸), mang ý nghĩa là "cái chuông lớn". Cho đến khi "Thư kiếm ân cừu lục" xuất bản thành công, tiếng chuông của Kim Dung đã vang xa và bắt đầu được mọi người chú ý đến, vì vậy ông quyết định sẽ chuyên tâm vào việc viết võ hiệp, làm báo, không còn hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Ngoài danh hiệu nhà văn, ông cũng là tiến sĩ lịch sử tại Đại học Cambridge và là doanh nhân thứ 64 trong danh sách những người giàu nhất Hong Kong.
Từ năm 1955 đến 1972, Kim Dung đã viết tổng cộng đến 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. Có đến 300 triệu bản in, chưa tính một lượng lớn những bản lậu đã đến tay độc giả ở khu vực Trung Hoa đại lục, Hong Kong, Đài Loan, châu Á và được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia.
Cho đến giờ phút này, hỏi qua nhiều nam thanh niên, thậm chí còn nhiều người là nữ, họ cũng có thể vanh vách đọc tên các môn phái võ lâm, rồi tính cách tường tận nhiều nhân vật từ Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Thiên Long bát bộ, Ý Thiên Đồ Long ký cho tới Hiệp khách hành, Bích Huyết Kiếm hay Lộc Đỉnh Ký.
"Hỏi thế gian tình ái là chi?"
Cũng như những vị nam chính trong tiểu thuyết kiếm hiệp của mình, Kim Dung là một người đàn ông đào hoa, đã trải qua 3 đời vợ.
Năm 1948, khi tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hong Kong, Tra Lương Dung được cử sang làm việc. Vài ngày trước khi lên đường, chàng trai Tra Lương Dung ngày đó đã nhanh chóng chạy đến đi cầu hôn với cô con gái 18 tuổi nhà họ Đỗ. Sau khi được người mình yêu chấp nhận, hôn lễ của ông và Đỗ Trị Phân – người vợ đầu xinh đẹp cũng được tổ chức trang trọng tại Thượng Hải. Nhưng trong thời gian vất vả tạo lập sự nghiệp, người vợ kết tóc xe tơ đã không chịu được cảnh nghèo mà bỏ ông đi theo người đàn ông khác. Đó cũng là dấu chấm hết đầy tiếc nuối cho cuộc hôn nhân đầu tiên của ông.
Năm 1959 , ông cùng với bạn học phổ thông Trầm Bảo Tân lập ra Minh Báo. Trong suốt 3 năm đầu xây dựng là thời điểm khó khăn nhất của Kim Dung. Tờ báo mỗi ngày bán ra chưa đến 6000 bản, không đủ để phát tiền lương cho nhân viên trong tòa soạn. "Tra tiên sinh lúc đó rất khổ, buổi chiều làm việc mệt mỏi muốn uống cốc cà phê, cả tiên sinh và Tra phu nhân cùng phải gọi chung một cốc, 2 người chia nhau uống", một nhân viên kể lại. "Tra phu nhân" ở đây chính là Chu Mân, một nữ phóng viên và cũng là người vợ thứ hai của nhà văn Kim Dung.
Bà Chu Mân tốt nghiệp Đại học Hong Kong, kém Kim Dung 11 tuổi, là ký giả duy nhất của tờ Minh Báo thủa sơ khai. Giống như nhân vật Hoàng Dung trong tiểu thuyết "Anh hùng xạ điêu", luôn ở bên phò tá chồng Quách Tĩnh; Chu Mân luôn ủng hộ và hỗ trợ chồng hết mình trong sự nghiệp. Cùng nhau trải qua những ngày tháng khó khăn gian khổ, về sau hai người có với nhau 4 mặt con, cùng bầu bạn suốt 20 năm hôn nhân cay đắng lẫn ngọt bùi.
Nhưng một nữ nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc từng nói, điều đặc biệt ở tiểu thuyết Kim Dung chính là chữ "Tình", thứ có thể đưa người ta một bước lên thiên đàng, cũng có thể nhanh chóng dìm họ xuống địa ngục.
Trong những tiểu thuyết của ông, không ít lần người ta bắt gặp những chuyện tình khắc cốt ghi tâm rồi lại phải chia lìa nhau trong dang dở. Hôm nay còn mặn nồng đó, ngày mai đã trở mặt thành thù; có những người như Chu Chỉ Nhược, ngày bước lên vị trí Chưởng môn phái cao quý, cũng là lúc mất đi tình yêu của cuộc đời mình - Trương Vô Kỵ. Mặc dù vang danh thiên hạ nhưng cuối cùng họ đều phải cô độc cả đời. Cho đến nay, rất nhiều người hâm mộ vẫn còn thuộc nằm lòng câu thoại kinh điển của ác nữ Lý Mạc Sầu: "Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết?". Nhưng đến lúc trải qua những sóng gió thật sự trong cuộc đời, Kim Dung chỉ đơn giản nói rằng, tất cả đều rất khó khăn, khó có thể cùng nắm tay nhau đi đến cuối con đường.
Năm 1969, Kim Dung và Chu Mân ly dị, thời thề nguyền một đời cũng cứ vậy mà theo gió bay đi. Chỉ có người trong cuộc mới biết được vì sao chữ "Tình" của họ tan vỡ. Sau đó, nhà văn nổi tiếng đi bước nữa với Lâm Lạc Di, người ở bên cạnh ông cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Thế mới biết người đến trước chưa chắc đã là chân ái vĩnh cữu, Chu Chỉ Nhược là thanh mai trúc mã, nhưng Trương Vô Kỵ cuối cùng vẫn chọn ở bên Triệu Mẫn ngang tàng.
Kim Dung và người vợ thứ 2 - Chu Mân đã cùng nhau trải qua 20 năm ngọt bùi đắng cay của cuộc đời
Tuy nhiên, nhiều năm về sau, mỗi khi nhắc đến cái tên Chu Mân, trên gương mặt in hằn dấu vết thời gian của Kim Dung vẫn ngập tràn sự tiếc nuối và áy náy. Không chỉ vì tình cảm vợ chồng gắn bó suốt hai thập kỷ, mà còn là vì cái chết của con trai cả Tra Truyền Hiệp - người con mà ông yêu quý nhất. Năm 1976, Kim Dung bàng hoàng hay tin Tra Truyền Hiệp tự sát khi đang du học tại Mỹ vì chuyện tình cảm. Điều này vẫn luôn là một nỗi hối hận canh cánh nhiều năm trong lòng cây bút kiếm hiệp nổi tiếng, bởi nhiều người cho rằng người con trai cũng buồn bã từ lâu vì chuyện cha mẹ ly hôn, lại thêm trục trặc với bạn gái nên mới tự đẩy bản thân đến bước đường cùng. Ông từng viết trong lời tựa cuối bộ tiểu thuyết "Ỷ Thiên Đồ Long ký":
Đến tháng 2/1992, trong thời điểm muốn chuyển nhượng cổ phần của Minh Báo, trong số rất nhiều người có ý định mua lại, ông gây bất ngờ khi đã chọn một người tên Vu Phẩm Hải, dù anh ta không phải là người trả giá cao nhất. Sau này, Kim Dung tiết lộ, ngoài việc thấy Vu Phẩm Hải có tâm với nghiệp báo, anh ta còn có diện mạo khá giống với Tra Truyền Hiệp, người con trai yểu mệnh mà ông luôn thương nhớ.
Một buổi chiều buồn trong những năm tháng cuối đời, người tạo nên những đại hiệp vang danh chốn võ lâm giờ đây tóc đã bạc trắng. Ông ngồi xem lại cuốn album ảnh cũ. Nhận ra những bằng hữu, người thân yêu năm xưa nay đều đã không còn nữa, bất giác giọt lệ lại lăn dài trên má. Qua nhiều năm như vậy, ông nhận ra mình vẫn không thể tìm được câu trả lời trọn vẹn cho một chữ "Tình" trong thế gian. Dù là tình yêu, tình thân, hay tình bằng hữu đều chỉ như một giấc mộng dang dở và ông vẫn luôn đau đáu.
Óc tưởng tượng thiên tài tạo nên cả một “vũ trụ điện ảnh võ hiệp"
Những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung bắt đầu vang danh rộng rãi khắp mọi nơi và được mệnh danh là "ngôn ngữ chung của người Trung Quốc trên toàn thế giới", rồi được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình đình đám trong suốt nhiều thập kỷ. Đến nay, các độc giả trung thành của ông từ thủa ban đầu đến nay cũng đã ngót nghét 40-50 tuổi, khán giả mê phim kiếm hiệp cũng trưởng thành và có gia đình riêng, nhưng những Dương Quá, Tiểu Long Nữ trên truyền hình vẫn luôn là một phần trong tuổi thơ của họ.
Từ những năm 90, các bộ phim kiếm hiệp của Kim Dung được công chiếu rộng rãi trên truyền hình và tràn ngập ở các cửa hàng băng đĩa. Bất cứ đứa trẻ con nào cũng muốn sắm cho mình một món vũ khí đồ chơi giống như Ỷ Thiên Kiếm hay Đồ Long Đao trong phim để biểu diễn các chiêu thức võ nghệ. Cũng nhờ ông mà các địa điểm có thật ở ngoài đời như núi Nga Mi, núi Võ Đang, Thiếu Lâm Tự… trở thành các điểm đến yêu thích của hàng triệu người dân Trung Quốc đến tận ngày nay.
Các tác phẩm của Kim Dung còn hấp dẫn người đọc ở cách ông cài cắm các nhân vật cùng mốc thời gian liên kết trong nhiều tác phẩm. Đã có thời mới đọc Kim Dung, chúng tôi đã oà lên sung sướng xen lẫn chút bất ngờ khi tìm ra sự liên quan giữa nhân vật giả tưởng “Độc cô cầu bại” - nhân vật mấu chốt trong hành trình khám phá “Kiếm hiệp Universe”.
Có thể nói, cho đến thời điểm hiện tại, những bộ tiểu thuyết võ hiệp của ông đã trở thành tác phẩm kinh điển, không một người Trung Quốc nào không biết đến cái tên Kim Dung. Những bộ phim kiếm hiệp cổ trang đưa các tên tuổi như: Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh, Cổ Thiên Lạc, Lâm Chí Dĩnh… lên hàng minh tinh đình đám ở Châu Á, liệu có bộ nào thiếu được dòng chữ giới thiệu: "Nguyên tác: Kim Dung".
Từ một người đàn ông chỉ biết cầm bút sáng tác truyện, du ngoạn cùng câu chữ, không biết bất cứ một môn võ nào, lại có thể tạo ra được những chiêu thức: Quỳ hoa bảo điển, nhất dương chỉ, lăng ba vi bộ… lừng lẫy thiên hạ.
Kim Dung từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, những lúc có thời gian rảnh ông thường ngồi nghĩ ngợi lung tung, tưởng tượng nếu mình là một hiệp khách, đại hiệp thì sẽ như thế nào. Ông còn nói: "Tôi chỉ mong rằng sau khi mình chết đi, 100-200 năm sau vẫn còn có người đọc tiểu thuyết mà tôi viết, như vậy là đã mãn nguyện lắm rồi".
Trong các tác phẩm của mình, Kim Dung thường khắc hoạ các nhân vật theo lối ấn tượng, bất cứ ai cũng có một cá tính riêng biệt thu hút sự chú ý của mọi người. Về bản chất, các nhân vật qua lời văn của Kim Dung (kể cả các bang hội) chia rõ ra hai phe chính - tà trên danh nghĩa. Nhưng sự thật, kể cả những người thuộc về phe tà không hoàn toàn gian ác, mà những kẻ phe chính cũng không thuần lương thiện, nhân nghĩa, đó chính là những chi tiết rất “đời” trong thế giới kiếm hiệp xây dựng từng óc tưởng tượng phong phú của bậc kỳ tài.
Bắt đầu từ năm 1983, bộ phim đầu tiên được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung - “Anh Hùng Xạ Điêu" ra đời, mở đầu cho một kỷ nguyên phim kiếm hiệp đình đám trong khu vực Châu Á. Đây cũng là một phần trong tam bộ khúc Anh Hùng Xạ Điêu - Thần Điêu Đại Hiệp - Ỷ Thiên Đồ Long Ký được nhiều người hâm mộ yêu thích nhất của ông.
Từ suốt những năm 80 cho đến nay, những phim kiếm hiệp chuyển thể từ tác phẩm của “bậc kì tài tiểu thuyết võ hiệp” lần lượt được ra mắt với khán giả và dần trở thành một biểu tượng văn hoá đại chúng suốt những năm 80-90. Mặc dù đến hiện tại, dòng phim kiếm hiệp đã bắt đầu trở nên thoái trào, nhưng chỉ cần gắn với cái tên Kim Dung, những tác phẩm remake vẫn có thể gây tượng ấn tượng và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Minh chủ võ lâm một thời đã tạ thế
Tiểu thuyết của ông lan rộng khắp Trung Hoa đại lục vào những năm 1980 và có sức ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Nhiều độc giả nói rằng họ bắt đầu tiếp cận với tiểu thuyết Kim Dung từ khi còn nhỏ tuổi. Sau khi họ nếm trải những khó khăn của cuộc sống, nhớ như in Quang Minh Tả sứ Dương Tiêu mỗi khi nhớ đến người vợ của mình đều lẩm bẩm tên con gái: "Bất Hối, Bất Hối...". Những cái tên mang nhiều ý nghĩa vận vào cuộc đời khiến họ khắc cốt ghi tâm. Rằng mỗi khi nhắc đến Kim Dung chính là nhắc đến võ hiệp. Ông là người đã tạo nên giấc mơ võ thuật cho nhiều thế hệ và những cuốn tiểu thuyết của ông đã trở thành một phần trong tuổi thơ của bao người.
Nhà biên soạn cuốn tiểu sử “Kim Dung Truyện" - Phó Quốc Sung từng nói:
“Ông ấy (Kim Dung) có một vấn đề là luôn mong muốn được mọi người nhớ đến như một nhà sử học, mà không biết rằng 15 cuốn tiểu thuyết võ hiệp của ông mới chính là điều bất tử mãi lưu truyền hậu thế".
Có người từng hỏi ông muốn sống một cuộc sống như thế nào, “cha đẻ” của Dương Quá, Lệnh Hồ Xung… chỉ nhẹ nhàng nói: “Tôi muốn đại náo một trận, rồi lặng lẽ rời đi".
Ở tuổi 94, “nhất đại tiểu thuyết võ hiệp" rời bỏ cuộc đời trong thanh thản sau những năm tháng mang ngòi bút của mình đi chinh chiến dọc giang hồ, mang đến cho độc giả và khán giả những dòng văn, những thước phim tuyệt tác lưu danh thiên cổ.
Nay, ngòi bút đã rơi, nhưng “chốn giang hồ" năm ấy thì vẫn còn lại mãi.
15 bộ tiểu thuyết võ hiệp kinh điển của Kim Dung:
1. Thư kiếm ân cừu lục (1955)
2. Bích huyết kiếm (1956)
3. Xạ điêu anh hùng truyện (1957)
4. Thần điêu hiệp lữ (1959)
5. Tuyết sơn phi hồ (1959)
6. Phi hồ ngoại truyện (1960)
7. Bạch mã khiếu tây phong (1961)
8. Uyên Ương đao (1961)
9. Ỷ thiên Đồ long ký (1961)
10. Liên thành quyết (1963)
11. Thiên long bát bộ (1963)
12. Hiệp khách hành (1965)
13. Tiếu ngạo giang hồ (1967)
14. Lộc Đỉnh ký (1969-1972)
15. Việt nữ kiếm (1970)
Những bộ phim điện ảnh, truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết của ông:
Truyền hình:
1. Hiệp khách hành
2. Việt nữ kiếm
3. Anh hùng xạ điêu (Remake 5 lần)
4. Bích huyết kiếm (Remake 2 lần)
5. Thiên long bát bộ (Remake 3 lần)
6. Thần điêu đại hiệp (Remake 5 lần)
7. Tiếu ngạo giang hồ (Remake 5 lần)
8. Ỷ Thiên Đồ Long Ký (Remake 4 lần)
9. Lộc Đỉnh ký (Remake 2 lần)
Điện ảnh:
1. Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại
2. Lộc Đỉnh ký
3. Lộc Đỉnh ký: Thần Long giáo