(Tổ Quốc) - Đạo diễn Điện ảnh, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Đình Hạc, Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh đã qua đời lúc 18 giờ 30 ngày 01/7/2023, hưởng thọ 90 tuổi và cống hiến trọn vẹn 70 năm cho Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Lễ tang của ông được tổ chức vào sáng thứ Sáu, ngày 07/7/2023 tại Nhà Tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc sinh năm 1934 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Năm 1949, vừa mới 15 tuổi ông đã đi theo cách mạng; tháng 11/1953, người thanh niên chưa tròn 20 tuổi vào công tác trong ngành điện ảnh lúc đó mới được khai sinh tại Đồi Cọ, An toàn khu Định Hóa, (ATK) Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Từ Chiến khu Việt Bắc, ông đã được phân công đi cùng đạo diễn Roman Karmen (Điện ảnh Liên Xô cũ) làm bộ phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi (1954). Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), ông là một nhà làm phim sôi nổi, nhiệt huyết cùng đồng nghiệp trẻ tuổi học tập và công tác tại Xưởng phim Việt Nam, đến năm 1959 mới tách thành các xưởng làm phim truyện, phim thời sự tài liệu và phim hoạt họa.
Khẳng định tài năng xuất sắc ở hai loại hình phim tài liệu và phim truyện
Khi tuổi đời vừa tròn 25 tuổi, bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải do ông làm biên kịch và đạo diễn đã được tặng Huy chương Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva (1959) cho phim tài liệu xuất sắc nhất. Bộ phim được coi như dấu mốc cho sự trưởng thành của điện ảnh tài liệu, cũng là giải thưởng chính thức đầu tiên tại một Liên hoan phim quốc tế lớn dành cho Điện ảnh Việt Nam. "Nước về Bắc Hưng Hải là một bộ phim lộng lẫy. Tại Liên hoan, chúng tôi đã xem gần 70 phim tài liệu, trong đó có 15 bộ nói về các công trình kênh đập - nhưng tất cả chúng tôi đều nhất trí đánh giá đó là bộ phim hay nhất. Bộ phim Việt Nam được chú ý trước tiên là do nó có một sắc thái dân tộc rõ nét. Nó phản ánh lao động anh dũng của hàng vạn nhân dân Việt Nam đang ra sức làm đổi thay cho đất nước… giá trị thứ hai của cuốn phim là với một sức mạnh đặc biệt, nó nêu bật được những nét tình cảm và tế nhị của dân tộc Việt Nam…", với những đánh giá từ Ban Giám khảo, bộ phim đã xác nhận trình độ và vị trí danh dự của phim tài liệu Việt Nam, thế giới bắt đầu biết đến Điện ảnh Việt Nam qua thành công của bộ phim.
Bộ phim tài liệu Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (Biên kịch Bành Châu, 1964) tiếp tục khẳng định tài năng của ông với tính chính luận sắc bén, mạnh mẽ và cách sử dụng ngôn ngữ điện ảnh một cách trữ tình, tinh tế. Bộ phim đã ra đời rất kịp thời, chỉ mấy tháng sau khi anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, có sức tác động mạnh mẽ đến tình cảm và lý trí người xem. Nhà thơ Tố Hữu đã trực tiếp đọc bốn câu thơ do ông sáng tác ở đoạn kết của bộ phim: "Có những phút làm nên lịch sử, Có cái chết hóa thành bất tử, Có những lời hơn mọi bài ca, Có con người như chân lý sinh ra…" mang lại cảm xúc sâu sắc, lắng đọng. Bộ phim đã được tặng Huy chương Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Moskva (1965), thành công của bộ phim đã khẳng định phim tài liệu chính luận Việt Nam tiếp tục phát triển và nâng cao trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ phim cũng đạt Giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất (1970).
Bộ phim truyện Nguyễn Văn Trỗi (Đạo diễn Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo, 1966) đã tiếp tục được xây dựng như một bản anh hùng ca trữ tình về người anh hùng dân tộc trẻ tuổi. Bộ phim đã được tặng Giải thưởng Bông Sen Vàng cũng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất. Như vậy, khi mới 36 tuổi (1970) ông đã cùng lúc đạt 2 Bông Sen Vàng trong một kỳ Liên hoan phim quốc gia cho cả phim tài liệu và phim truyện.
Năm 1971, phim truyện Đường về quê mẹ là bộ phim đầu tiên miêu tả cuộc chiến đấu của bộ đội chủ lực tại chiến trường Bắc Trung bộ. Bộ phim cũng được tặng Giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II (1973). Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là nghệ sĩ đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc khi ông cùng lúc nhận Giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim quốc gia dành cho phim tài liệu và phim truyện tại hai kỳ liên tiếp (2 Bông Sen Vàng năm 1970 và 2 Bông Sen Vàng năm 1973) khi tuổi đời, tuổi nghề đang độ chín muồi và phát triển rực rỡ.
Ông cũng vinh dự là một trong những nghệ sĩ điện ảnh hàng đầu đã theo bước chân thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để ghi lại những hình ảnh vô cùng quý giá của đất nước trong những ngày tháng không quên của Đại thắng mùa xuân 1975.
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc cùng các đồng nghiệp và những nhân vật trong tác phẩm năm xưa
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh – nguồn cảm xúc sáng tạo vô tận
Trong sự nghiệp sáng tạo của Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc, những tác phẩm về cuộc đời hoạt động đấu tranh giành độc lập tự do và thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông làm đạo diễn mang tầm vóc quốc gia và quốc tế đã gây được ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ trong lòng nhân dân Việt Nam và thế giới. Bộ phim tài liệu sử thi 2 tập: Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin và Đường về Tổ quốc (Biên kịch Hồng Hà, Viết lời bình: Nhà văn Thép Mới) đã giành Giải thưởng Bông Sen Vàng đặc biệt tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ V (1980). Sự thành công của bộ phim đã mở ra, định hình và phát triển một phong cách sáng tác, thủ pháp nghệ thuật mới cho thể loại phim tài liệu lịch sử, chính luận về chân dung lãnh tụ và chiến tranh cách mạng.
Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ (1890 - 1990), ông cùng Đạo diễn Lê Mạnh Thích thực hiện bộ phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (Biên kịch Bành Bảo, Viết lời bình: Nhà văn Nguyễn Đình Thi). Bộ phim được đánh giá là tác phẩm điện ảnh thành công nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được công luận đánh giá cao và trân trọng đón nhận. Bộ phim được tặng Giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IX (1990).
Công tác quản lý và niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật
Không chỉ là một đạo diễn tài năng, ông còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Ông làm đạo diễn phim tài liệu và phim truyện từ năm 1957. Thời gian 1976 - 1985, ông đã giữ trọng trách Phó Giám đốc rồi Giám đốc Xí nghiệp phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985.
Từ năm 1985 đến 1996, ông làm Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Điện ảnh. Điều đặc biệt, trong suốt thời gian đảm nhiệm công tác quản lý, ông vẫn không rời niềm đam mê sáng tác, ông luôn là cánh chim đầu đàn trong sáng tạo nghệ thuật, là tấm gương cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ học tập. Khi đang giữ trọng trách Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông đã xin nghỉ công tác quản lý để tiếp tục được làm phim.
Năm 1997, lúc đã ngoài 60 tuổi, ông bắt tay vào thực hiện bộ phim truyện sử thi Hà Nội 12 ngày đêm (Biên kịch Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đinh Thiên Phúc), bộ phim được thực hiện trong 5 năm, đến năm 2002 mới ra mắt khán giả. Tình yêu điện ảnh, sức sáng tạo, lao động nghệ thuật bền bỉ của ông một lần nữa được ghi nhận bằng Giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIV (2004).
Một cuộc đời nghệ thuật trọn vẹn
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là một trong những cánh chim đầu đàn tiêu biểu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam; những tác phẩm điện ảnh đặc biệt xuất sắc của ông đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển vững chắc nền điện ảnh dân tộc. Ông để lại một sự nghiệp đồ sộ, những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của ông đã được Nhà nước ghi nhận xứng đáng. Ông được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên (1984) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật (Đợt III, 2007) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và các giải thưởng quốc tế có giá trị.
Cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc đã để lại những tác phẩm điện ảnh phản ánh trung thực những chặng đường của lịch sử dân tộc. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước và tính chính luận, thời sự sắc bén đã làm nên thành công trong những bộ phim tài liệu, phim truyện của ông. Những giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật xuất sắc trong các tác phẩm điện ảnh đầy tính hiện thực của Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc đã góp phần tạo nền tảng cho Điện ảnh Cách mạng phát triển vững chắc, đồng hành cùng lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Gia đình ông cũng là một gia đình nghệ thuật đặc biệt khi người vợ của ông PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật trong lĩnh vực Múa ngày 19/5/2023. Con trai ông Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nối nghiệp cha, con dâu là TS. Trần Thị Minh Thu luôn tâm huyết hết mình với nghệ thuật điện ảnh. Niềm vui về những thành công của vợ và các con đã giúp ông nhẹ bước trong những năm tháng tuổi cao sức yếu. Với tài năng hiếm có, niềm đam mê, sức sáng tạo nhiệt thành, những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, mẫu mực đã ghi dấu Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc xứng đáng là một nghệ sĩ hàng đầu, đại diện tiêu biểu, đầy tự hào của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam./.
Nhớ về ông vào năm 1959 với tuổi 25 đầy sức trẻ và những hoài bão về nghệ thuật điện ảnh, bởi dù tuổi còn trẻ, ông đã có 10 năm tham gia cách mạng từ Chiến khu Việt Bắc, đã được phân công đi cùng đạo diễn Roman Karmen (Điện ảnh Liên Xô cũ) làm bộ phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi (1954). Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), ông luôn là một thanh niên sôi nổi cùng đồng nghiệp trẻ tuổi cùng học tập và công tác tại Xưởng phim Việt Nam: Hồng Sến, Hải Ninh, Lưu Xuân Thư… và khi là sinh viên Đạo diễn đầu tiên tại Học viện Điện ảnh Liên bang Xô viết - VGIK (Liên Xô cũ: Nguyễn Thụ, Trần Đắc, Khắc Lợi… Họ đã cùng nhau chia sẻ những ước mơ về nghệ thuật, về những thước phim trong tương lai; những giấc mơ về tình yêu đôi lứa, về một mái ấm gia đình. Cùng chung một khát vọng về một đất nước thống nhất, độc lập, tự do; mỗi người đã có những chọn lựa sáng tác nghệ thuật riêng biệt, không ai trong họ biết rằng những tài năng đã viết nên những trang vàng của lịch sử Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã cùng chung một giấc mơ điện ảnh thuần khiết nhưng đầy sức mạnh sáng tạo và lòng can đảm đã đi trọn vẹn con đường nghệ thuật, đã gieo từng hạt mầm trong mái nhà chung của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam./.
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc vào công tác trong ngành Điện ảnh từ 15/11/1953 tại ATK (An toàn khu) Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Ông làm công tác đạo diễn phim truyện và phim tài liệu từ năm 1957. Ngoài sáng tác nghệ thuật, ông còn tham gia công tác quản lý và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân - 1984; Huân chương Kháng chiến hạng nhất - 1986; Huân chương Lao động hạng nhất - 1998; Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam - 1999...
Đạo diễn Bùi Đình Hạc đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2007 cho các tác phẩm điện ảnh: Phim tài liệu: Nước về Bắc Hưng Hải, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, Đường về Tổ quốc, Hồ Chí Minh - Chân dung một con người; Phim truyện: Nguyễn Văn Trỗi, Đường về quê mẹ.
Bên cạnh đó, những tác phẩm điện ảnh do NSND Bùi Đình Hạc đạo diễn đã được tặng còn có: 05 Giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho phim tài liệu xuất sắc nhất tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ I (1970), II (1973), IV (1980), IX (1990) đã được trao cho 5 bộ phim tài liệu; 02 Giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho phim truyện xuất sắc nhất tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ I (1970), II (1973); 01 Giải thưởng Bông Sen Bạc dành cho phim truyện Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIV (2004); 01 giải thưởng Đạo diễn phim truyện xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II (1973) cùng nhiều giải thưởng và huy chương trong và ngoài nước.